Nâng hiệu quả tuyên truyền phổ biến pháp luật dân chủ cho giáo viên

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Đức Nam

 

0:00/0:00
0:00
GD&TĐ – Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật dân chủ cho đoàn viên công đoàn ngành giáo dục hiện nay đang được tỉnh Thái Nguyên quan tâm đặc biệt.
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên phát biểu về chủ đề "Thực hiện dân chủ ở cơ sở" tại Hội nghị Viên chức năm học 2022-2023, trường THPT Chu Văn An, TP Thái Nguyên.
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên phát biểu về chủ đề “Thực hiện dân chủ ở cơ sở” tại Hội nghị Viên chức năm học 2022-2023, trường THPT Chu Văn An, TP Thái Nguyên.

Nhìn nhận thực trạng

Tuyên truyền phổ biến và giáo dục pháp luật dân chủ trong trường học là vấn đề cấp bách, luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.

Công đoàn ngành Giáo dục đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong công tác tuyên truyền tại các trường học trên địa bàn.

Nâng hiệu quả tuyên truyền phổ biến pháp luật dân chủ cho giáo viên ảnh 1
Tập thể giáo viên trường THPT Chu Văn An, TP Thái Nguyên tham dự Hội nghị Viên chức năm học 2022-2023.

Dân chủ là mục tiêu và động lực của phát triển xã hội. Thực hành dân chủ là chìa khoá vạn năng của sự phát triển. Dân chủ là giải pháp hữu hiệu để tạo nên sự nhất trí căn bản về lợi ích của các thành phần kinh tế, các giai tầng và các cộng đồng dân tộc trong xã hội nước ta. Sự nhất trí đó tổng hợp thành sức mạnh của dân tộc, tạo nên nội lực mạnh mẽ đưa đất nước vượt qua tất cả khó khăn, thử thách.

Hiểu được khái niệm và ý nghĩa to lớn của dân chủ, vận dụng trong trường học là một việc làm rất đáng quan tâm.

Nâng hiệu quả tuyên truyền phổ biến pháp luật dân chủ cho giáo viên ảnh 2
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên tặng hoa chúc mừng Hội nghị Viên chức năm học 2022-2023, trường THPT Chu Văn An, TP Thái Nguyên.

Đặc biệt, hiện nay, tư tưởng của một bộ phận giáo viên có xu hướng dao động. Vì công việc giảng dạy có nhiều áp lực, lợi ích, thu nhập còn ít ỏi, hạn chế hơn so với các ngành nghề khác. Đồng lương tháng không đủ chi phí cho cuộc sống của bản thân và gia đình trước sự biến động của giá cả thị trường. Nhiều giáo viên đã tự viết đơn xin nghỉ việc, bỏ nghề.

Còn số khác thì vì ít hiểu biết về dân chủ mà có hành động đấu tranh thái quá để đòi quyền lợi cho riêng mình. Điều này khiến cho uy tín của tổ chức bị ảnh hưởng. Mối đoàn kết nội bộ trong nhà trường bị rạn nứt…

Trong triển khai thực hiện cho thấy việc tuyên truyền và thực hiện pháp luật dân chủ một số nơi chưa thật sự đi vào nề nếp. Thủ trưởng cơ quan chưa thật chủ động dành thời gian quan tâm, tiếp xúc với nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Chưa tổ chức hiệu quả các kênh để lắng nghe ý kiến từ nhân dân, người lao động…

Việc xử lý đơn thư khiếu nại có nhiều nơi, nhà trường làm chưa tốt. Hiện tượng tồn đọng, khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện vượt cấp vẫn xảy ra. Tuyên truyền và thực hiện pháp luật dân chủ chưa thật gắn với việc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, củng cố tổ chức, bộ máy gắn với công tác cải cách hành chính. Trong tuyên truyền pháp luật dân chủ ở cơ sở có nơi, có lúc còn tồn tại tư tưởng sợ sệt, e ngại khi lên án mạnh mẽ quá sẽ đụng chạm, phức tạp nên thực hiện hình thức…

Những giải pháp tuyên truyền pháp luật dân chủ ở cơ sở phát huy hiệu quả

Nắm bắt được thực trạng ấy, Công đoàn ngành Giáo dục Thái Nguyên đã có nhiều sáng kiến đẩy mạnh, tuyên truyền, phổ biến pháp luật dân chủ ở cơ sở đến với các đoàn viên công đoàn.

Ngay từ đầu năm học, Chủ tịch công đoàn ngành đã triển khai nhiều kế hoạch hành động trực tiếp để tiếp xúc, đối thoại với các công đoàn cơ sở trực thuộc để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên. Kịp thời phát hiện những thiếu khuyết để bổ sung kiến thức về pháp luật cho viên chức, người lao động.

Qua hình thức tuyên truyền lồng ghép vào các phong trào thi đua, các sự kiện, các cuộc thi.v.v.trong trường học, các giáo viên đã hiểu được pháp luật về dân chủ ở cơ sở. Họ sẽ kiềm chế đúng mức bản thân khi đấu tranh đòi quyền lợi cá nhân. Hiểu được quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của đoàn viên, của viên chức, người lao động, mỗi giáo viên sẽ tự trau dồi, nâng cao ý thức xây dựng tổ chức, củng cố mối đoàn kết nội bộ, thống nhất quan điểm xây dựng nhà trường ngày càng phát triển vững mạnh.

Tuyên truyền phổ biến rộng rãi pháp luật về dân chủ trong trường học sẽ giúp cho tập thể giáo viên thay đổi nhận thức, giữ vững được bản lĩnh chính trị, ổn định tư tưởng lao động cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Nâng hiệu quả tuyên truyền phổ biến pháp luật dân chủ cho giáo viên ảnh 3
Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Thương là một đoàn viên công đoàn tiêu biểu của trường THPT Chu Văn An, TP Thái Nguyên.

Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Thương, trường THPT Chu Văn An, TP Thái Nguyên đã cho biết: Thông qua hội nghị cán bộ viên chức đầu năm học, các giáo viên được học tập kiến thức về pháp luật dân chủ ở cơ sở. Hội nghị là cơ hội cho mỗi giáo viên, đoàn viên công đoàn và người lao động được nói lên tâm tư nguyện vọng của mình với tập thể. Qua đó, lãnh đạo công đoàn ngành, ban Giám hiệu quan tâm trao đổi, giải đáp những thắc mắc của cán bộ viên chức, người lao động để đi đến thống nhất cách thức, phương pháp hành động tập trung dân chủ xây dựng nhà trường phát triển bền vững hơn.

Tại trường mầm non xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, lãnh đạo Công đoàn ngành Giáo dục Thái Nguyên đã nói chuyện, cung cấp thông tin về những chính sách mới, các văn bản mới của ngành về chế độ, quyền lợi của người lao động. Qua đó, giúp cho người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương tốt hơn.

Nâng hiệu quả tuyên truyền phổ biến pháp luật dân chủ cho giáo viên ảnh 4
Cô giáo Đào Thị Phương, Hiệu trưởng trường mầm non xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên: “Qua hội nghị viên chức và được học tập kiến thức về pháp luật quản lý, pháp luật dân chủ, ban giám hiệu cũng tự tin hơn trong điều hành công việc”.

Cô giáo Đào Thị Phương, Hiệu trưởng trường mầm non xã Bảo Lý, huyện Phú Bình đã cho biết: Hiện nhà trường có 52 giáo viên gồm biên chế và cả hợp đồng vụ việc. Theo quy định, trường còn thiếu 8 giáo viên nữa. Đầu năm học, thầy cô giáo chịu nhiều áp lực từ các phía gia đình phụ huynh học sinh, dư luận xã hội về các khoản thu phí, các khoản đóng góp tự nguyện.v.v. Qua hội nghị viên chức và được học tập kiến thức về pháp luật quản lý, pháp luật dân chủ, ban giám hiệu cũng tự tin hơn trong điều hành công việc.

Nâng hiệu quả tuyên truyền phổ biến pháp luật dân chủ cho giáo viên ảnh 5
Lãnh đạo Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên tuyên truyền lồng ghép kiến thức pháp luật về dân chủ ở cơ sở cho các đoàn viên công đoàn trường mầm non xã Bảo Lý, huyện Phú Bình.

Giáo dục pháp luật trong trường học nhằm tạo thói quen và sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Nâng hiệu quả tuyên truyền phổ biến pháp luật dân chủ cho giáo viên ảnh 6
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên trao giấy khen cho tập thể, cá nhân giáo viên trường THPT Điềm Thụy, huyện Phú Bình vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động sáng tạo năm học 2021-2022.

Xác định vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên đã cho biết: Nội dung, hình thức tuyên truyền được đổi mới theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động và phù hợp với tâm lý, nhận thức của các giáo viên…

Thông qua các buổi tuyên truyền, Công đoàn ngành Giáo dục Thái Nguyên đã góp phần giúp cán bộ, giáo viên và các em học sinh nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, tích cực rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng sống. Đồng thời, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật, pháp luật về dân chủ ở cơ sở góp phần nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật hiện hành.