Đáng nói, có học sinh biểu hiện mệt mỏi khi sử dụng thực phẩm trên. Công an nhiều địa phương đã vào cuộc xác minh, đưa ra khuyến cáo đối với nhà trường, phụ huynh học sinh.
Bài học từ “kẹo lạ”
Bà Đỗ Thị Xuân – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Quý Đức vừa có văn bản gửi Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) liên quan đến 11 học sinh nhà trường có dấu hiệu đau đầu, buồn nôn sau khi ăn “kẹo lạ” vào ngày 29/11 trước đó. Cụ thể có 10 học sinh lớp 6A4 và 1 học sinh lớp 7A5 có dấu hiệu đau đầu, buồn nôn.
Theo bà Xuân, qua kiểm tra nhà trường nắm bắt đây là các học sinh không ăn bán trú, không ngủ trưa ở trường. “Các em mua một loại kẹo không rõ nguồn gốc, vỏ bao kẹo màu xanh, chữ Trung Quốc trên đường đi đến trường và chia cho nhau ăn. Sau khi học sinh ăn khoảng 45 phút thì có dấu hiệu mệt, đau đầu, buồn nôn…”, văn bản trường nêu. Ngay sau đó, Trường THCS Nguyễn Quý Đức đã phối hợp với Trạm Y tế phường đưa các em đi khám và theo dõi. Hiện sức khỏe các em đã ổn định.
Tương tự, tại một trường học trên thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội), cũng ghi nhận một số học sinh bị đau bụng sau khi cùng sử dụng một loại kẹo có vị hoa quả mua online trên mạng xã hội; chưa phát hiện việc phát kẹo cho học sinh tại cổng trường.
Trước thực trạng trên, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu, các Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã và các đơn vị, trường học tiếp tục rà soát, theo dõi, kịp thời phát hiện và báo cáo về các trường hợp học sinh mua, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, trong đó có loại “kẹo lạ” đang có nghi vấn chứa chất gây nghiện. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, đang chờ kết luận trưng cầu giám định về loại kẹo này từ phía cơ quan công an.
Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu, Phòng GDĐ&T 30 quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình ở các trường học. Đồng thời, tuyên truyền khuyến cáo cha mẹ học sinh và học sinh cảnh giác, phòng ngừa, không mua và sử dụng các loại thực phẩm không có nguồn gốc.
Ngày 3/12, Bộ Công an phát đi cảnh báo về cẩn trọng khi chia sẻ thông tin, hình ảnh chưa được xác thực gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự. Bộ Công an cho biết, trên mạng xã hội xuất hiện một số thông tin, hình ảnh liên quan đến bánh kẹo lạ, nghi chứa ma túy, lan truyền nhanh chóng, phạm vi rộng trên mạng xã hội, gây hoang mang trong dư luận. Công an một số địa phương đã vào cuộc xác minh và đưa ra một số khuyến cáo đối với nhân dân, người dùng mạng xã hội.
Cụ thể, Công an TP Hà Nội rà soát, làm rõ sự việc về nhóm Zalo có tên gọi Khoa B8 BV105 với nội dung: “Nhà mình nhắc bọn trẻ không được ăn và mua kẹo này nhé. Viện 105 xét nghiệm có dương tính với ma tuý tổng hợp. Trên Sơn Tây đã xuất hiện người lạ đến cổng trường chia kẹo cho học sinh tan học”.
Bước đầu Công an thành phố xác định, Bệnh viện 105 chỉ tiến hành xét nghiệm ma tuý qua nước tiểu và máu, không tiến hành xét nghiệm ma tuý qua mẫu thử khác và không xét nghiệm ma tuý đối với loại kẹo nào cho kết quả dương tính với ma tuý tổng hợp như thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội.
Còn tại tỉnh Lạng Sơn, ngày 1/12, Công an TP Lạng Sơn đã vào cuộc xác minh thông tin chia sẻ trên mạng xã hội về việc xuất hiện một số thực phẩm trôi nổi nghi có chứa chất ma túy trên địa bàn.
Công an thành phố tiến hành kiểm tra một số cơ sở kinh doanh bán hàng tạp hóa trên địa bàn thành phố, phát hiện, thu giữ một số loại kẹo không có chữ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và phối hợp với Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an lấy các mẫu kẹo trên để giám định.
Kết quả, xác định các mẫu trên không chứa chất ma túy. Tuy nhiên, khi tiếp nhận thông tin do quá lo lắng, nhận thức chưa đầy đủ nên một số phụ huynh đã tự ý chia sẻ cho nhau thông tin đây là các sản phẩm nghi chứa ma tuý, gây hoang mang lo lắng cho nhiều bậc phụ huynh.
Cảnh giác đồ ăn vặt
Trước thực trạng trên, Bộ Công an đề nghị người dân thận trọng, cảnh giác khi viết bài, chia sẻ các thông tin, hình ảnh, clip chưa được xác thực, tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự. Bộ lưu ý, các trường hợp chia sẻ thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, khuyến cáo các nhà trường và phụ huynh tuyên truyền, phổ biến cho con em không mua bán, sử dụng các loại kẹo, đồ ăn uống không rõ nguồn gốc xuất xứ, có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của bản thân khi sử dụng.
Công an TP Hà Nội nhận định, hiện nhiều loại đồ ăn vặt, nước ngọt không kiểm soát được các hóa chất, chất phụ gia độc hại và không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang được bán tràn lan ở nhiều cổng trường học. Đây là nguyên nhân gây ra các vụ học sinh bị ngộ độc.
Theo Công an TP Hà Nội, các loại đồ ăn, thức uống bày bán ở cổng trường học rất phong phú, màu sắc bắt mắt, rẻ tiền và hấp dẫn trẻ nhỏ, như: Nem tôm thịt hổ, que cay, thạch dừa, nước ngọt có ga… Phần nhiều trong số này không có nhãn mác hoặc có nhãn mác chữ nước ngoài. Giá của những đồ ăn vặt này cũng rất “vừa túi tiền” với học sinh, chỉ 1.000 – 5.000 đồng mỗi loại.
Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) tuyên truyền cho học sinh nhận diện ma túy và tác hại của chất kích thích. |
Để phòng chống ma túy, thực phẩm bẩn tấn công học đường, thầy Nguyễn Văn Hậu – giáo viên Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình, Hà Nội) nhấn mạnh, cùng với cơ quan chức năng cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội.
Theo thầy Hậu, không chỉ tăng cường trang bị kiến thức cho học sinh ở nhà trường, phụ huynh có trách nhiệm giáo dục thành viên, thân nhân về tác hại của ma tuý và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma tuý.
“Để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, các gia đình nên bố trí cho con ăn uống ở nhà đầy đủ và mang theo các đồ ăn nhẹ để con sử dụng trong giờ nghỉ. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần giải tỏa những hàng quán không đủ điều kiện bày bán trước cổng trường, kiểm soát chất lượng đồ ăn vặt bằng các test nhanh và kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ…”, thầy Hậu chia sẻ.