Tuy Ðức có chỉ tiêu nhưng khó tuyển được giáo viên
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
Cập nhật ngày: 17/10/2022 | 08:23 GMT+7
Nghị quyết 102 ngày 3/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế là “chìa khóa” gỡ khó trước mắt cho nhiều địa phương trong việc thiếu giáo viên. Tuy nhiên, một nghịch lý đang diễn ra ở huyện Tuy Đức là có chỉ tiêu hợp đồng, biên chế nhưng khó tuyển được giáo viên.
Xin nghỉ việc sau 2 tuần đi làm
Trước thực trạng thiếu giáo viên, Chính phủ cho phép các cơ sở giáo dục được tuyển giáo viên hợp đồng. Cụ thể, đơn vị sự nghiệp giáo dục được ký hợp đồng lao động đối với vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định của Bộ GD-ĐT để kịp thời thay cho biên chế chưa tuyển, giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ hưu theo chế độ, giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày. Thế nhưng, trên thực tế tại các trường học vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, biên giới của huyện Tuy Đức không thể hợp đồng đủ số lượng giáo viên theo nhu cầu.
Tại Trường tiểu học Tô Hiệu, xã Đắk Ngo có 741 học sinh ở điểm chính và các điểm lẻ. Theo cô giáo Hoàng Thị Cúc, Hiệu phó Trường tiểu học Tô Hiệu, tình trạng thiếu giáo viên diễn ra nhiều năm nay, ảnh hưởng phần nào đến việc nâng cao chất lượng dạy và học. Năm học 2022-2023, Trường tuyển được một giáo viên hợp đồng, bố trí dạy ở điểm trường tại bản Giang Châu, xã Đắk Ngo. Tuy nhiên, học trò chưa kịp quen với cô thì giáo viên này xin nghỉ việc. Để bảo đảm lớp vẫn mở, học sinh vẫn được đi học nên bản thân cô Cúc phải thay giáo viên kia đứng lớp.
Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm hiện thiếu 3 giáo viên nhưng đến nay vẫn không tuyển dụng được |
Tương tự, năm học 2022-2023, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, xã Đắk Ngo được giao chỉ tiêu tuyển hợp đồng 3 giáo viên theo Nghị quyết 102 để giảm áp lực về thiếu giáo viên. Sau thời gian đăng tải thông tin, đến tháng 9/2022, trường mới ký hợp đồng tuyển dụng với một giáo viên. Tuy nhiên, qua 2 tuần đi dạy, cô giáo này đã nộp đơn xin nghỉ việc, với lý do thu nhập không bảo đảm cuộc sống.
Theo cô giáo Vũ Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, áp dụng theo Nghị quyết 102, Trường ký hợp đồng 9 tháng/năm học, 3 tháng còn lại giáo viên tự tìm việc làm duy trì cuộc sống. Hiện nay, một giáo viên có bằng đại học hợp đồng trừ khoản bảo hiểm xã hội thì lương chính còn hơn 5 triệu đồng/tháng nên không thể bảo đảm được đời sống của giáo viên hợp đồng. Do đó, nếu tuyển được người đủ tiêu chuẩn thì cũng khó giữ được chân giáo viên. Trong khi đó, điều kiện công tác ở các trường vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Nhiều điểm trường lẻ nằm cách xa điểm chính gần 20 km, mùa mưa không thể đi lại được cũng là lực cản thu hút giáo viên.
Mới tuyển được 31/43 chỉ tiêu
Năm học 2022-2023, toàn huyện Tuy Đức thiếu 93 biên chế so với định mức quy định; trong đó, cán bộ quản lý thiếu 3 biên chế; giáo viên thiếu 51 biên chế; nhân viên thiếu 39 biên chế. Hiện nay, huyện đã rà soát xong việc thừa, thiếu giáo viên giữa các trường và thực hiện điều chuyển từ trường thừa sang trường thiếu. Căn cứ quy định, Phòng GD-ĐT huyện đã giao chỉ tiêu cho các trường hợp đồng đối với 43 giáo viên. Tuy nhiên, năm học đã diễn ra gần 2 tháng nhưng đến nay các trường mới chỉ hợp đồng được 31 giáo viên, còn 12 chỉ tiêu chưa thể tuyển dụng được.
Nguyên nhân chính là do không có giáo viên đăng ký dự tuyển phù hợp với quy định. Một số trường hợp tuyển được theo yêu cầu nhưng do lương thấp, điều kiện công tác khó khăn nên không thể “giữ chân”.
Theo Sở GD-ĐT, tình trạng không tuyển được giáo viên hợp đồng tạm thời cũng như tuyển bổ sung số biên chế theo quy định không chỉ diễn ra tại Tuy Đức mà còn là tình trạng chung của một số địa phương khác trong tỉnh.
“Ðể giải quyết bài toán thiếu giáo viên, huyện tăng dạy kê, dạy gác. Tuy nhiên, hiện nay, Tuy Ðức vẫn chưa trả hết nợ dạy kê, dạy gác cho giáo viên những năm học trước’’, Phó Phòng GD-ĐT huyện Tuy Đức Trần Đức Đoàn thông tin.
Nguyễn Hiền