Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với trẻ em độ tuổi 2-15 ở Việt Nam. Theo báo cáo của Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cuối năm 2020, khoảng hơn 2.000 trẻ tử vong do đuối nước mỗi năm ở Việt Nam – cao hơn các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Theo nhiều chuyên gia, tỷ lệ tử vong do đuối nước cao một phần do trẻ ít được tiếp cận các chương trình giáo dục kỹ năng chống đuối nước trong nhà trường. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân; đầu tiên là việc xác định bơi lội chỉ là môn học tự chọn trong nhà trường.
Dạy bơi an toàn hiện được các trường thực hiện như một hoạt động ngoại khóa theo chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 do Thủ tướng ban hành. Chương trình này đã giúp 40% trẻ độ bậc tiểu học, THCS biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; tỷ lệ tử vong do đuối nước giảm 6% so với trước đó. Từ đó các bộ, ngành, địa phương ra các kế hoạch riêng, phù hợp với điều kiện. Nhiều nơi đặt mục tiêu cao, khoảng 90% học sinh biết bơi khi hoàn thành bậc phổ thông. Nhưng theo đánh giá của các giáo viên thể chất, cách xác định môn bơi như một hoạt động ngoại khóa dẫn đến tâm lý xem nhẹ môn học này ở một số trường.
Thầy Nguyễn Văn Hòa, người sáng lập Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy, nhận định: “Bơi không được coi trọng vì nó không phải hoạt động tính thành tích như các môn văn hóa”.
Tuy nhiên, thực trạng “muốn dạy bơi nhưng không có bể” được coi là trở ngại lớn nhất khiến các trường không thể phổ cập kỹ năng này cho học sinh. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP HCM cho biết, phải đầu tư thời gian, tiền bạc và nhân sự đủ lớn mới có thể dạy và đảm bảo cho các em biết bơi. Hiện, hệ thống trường phổ thông công lập ở Việt Nam hầu như không có bể bơi trong danh mục cơ sở vật chất. Hạng mục này được một số trường ngoài công lập đầu tư, nhưng chưa phục vụ nhiều cho việc dạy học do thiếu nhân sự và tốn chi phí vận hành.
Trường học cũng không được đầu tư giáo viên dạy bơi riêng. Mỗi trường có trung bình 4-8 giáo viên, tùy quy mô học sinh. Đa số thầy cô tốt nghiệp cử nhân Sư phạm thể chất, giảng dạy về các môn thể dục, vận động cơ bản; không bắt buộc phải biết bơi. Trong khi đó, để dạy bơi cần huấn luyện viên chuyên nghiệp.
Năm 2010, TP HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai thí điểm chương trình phổ cập bơi lội cho học sinh. Chương trình được thực hiện tại nhiều quận nhưng sau 7 năm vẫn chưa hoàn thành mục tiêu 40% trẻ em độ tuổi tiểu học, THCS biết bơi. Nguyên nhân lớn nhất được xác định là do thiếu giáo viên và hồ bơi đủ an toàn.
Thời điểm đó, 16 trường tiểu học tại quận 1 triển khai kế hoạch này cho học sinh lớp 3. Không có hồ bơi và huấn luyện viên, các trường phải phối hợp với Trung tâm Thể dục thể thao quận để tổ chức. Ông Nguyễn Phi Hải, Trưởng phòng Dịch vụ, Trung tâm Thể dục Thể thao quận 1 cho biết, trung bình mỗi trẻ được học 16 buổi trong mỗi kỳ. Ngoài kỹ năng bơi ếch cơ bản, các em được hướng dẫn cách tự bảo vệ mình khi xảy ra sự cố.
Theo ông Hải, để tổ chức một buổi học cho 100 học sinh cần 10-15 giáo viên bơi chuyên nghiệp cùng các giáo viên thể chất hỗ trợ. Trường đông học sinh, các em được chia ca, xoay vòng, tận dụng thời gian không học chính khóa. Trung bình một học kỳ, trung tâm hoàn thành khóa phòng chống đuối nước cho 2.500-3.000 trẻ.
Ở quận 1, kinh phí cho chương trình này này do ngân sách cấp, có vận động tài trợ. Riêng chương trình giảng dạy, Trung tâm Thể dục thể thao hỗ trợ các trường miễn phí. Nếu không có quyết tâm và được hỗ trợ cả chi phí lẫn cơ sở vật chất để triển khai, các trường học khác không thể thực hiện được kế hoạch này dù muốn.
Cơ sở vật chất và nhân lực hạn chế, nhiều trường học xoay xở đủ cách để dạy học sinh bơi. Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy (Hà Nội) thuê dài hạn bể bơi gần trường, cho học sinh học và luyện tập hàng tuần. Mục tiêu trường đặt ra là học sinh hoàn thành cấp tiểu học, chậm nhất là THCS phải biết bơi.
Hoạt động dạy bơi, phòng chống đuối nước được nhà trường đưa vào chương trình giáo dục thể chất, chương trình câu lạc bộ và hoạt động hè. Trường cũng tuyển giáo viên thể chất có kinh nghiệm dạy bơi giỏi để phục vụ mục tiêu trên.
“Chúng tôi đã làm như vậy suốt 15 năm qua. Cũng có những phụ huynh không cho con học, trường phải vận động”, thầy Nguyễn Văn Hòa nói.
Thầy Văn Công Thư, giáo viên Giáo dục thể chất trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức, Hà Nội), cho biết, từ 2019, các trường ở Hà Nội được tài trợ bể bơi lưu động bằng bạt để phổ cập chương trình dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh. Trường chưa có bể sẽ liên kết với các bể bơi trên địa bàn xã để tổ chức các lớp dịp hè hoặc sau giờ học chính khóa.
Hai năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, việc dạy và học bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ gần như bị gián đoạn hoàn toàn. Thầy Thư đang khởi động lại chương trình này ở trường để chuẩn bị cho đợt hè tới.
Không được cấp ngân sách hoàn toàn, trường sẽ phải huy động nguồn lực từ phụ huynh. Một khóa học bơi và phòng chống đuối nước ở đây là 400-500 nghìn đồng, bằng một phần sáu so với nội thành. Nhưng vẫn nhiều phụ huynh không đăng ký cho con. Nhiều gia đình sống gần nơi có ao hồ, sông, nên tự dạy bơi cho con theo kinh nghiệm. Tuy nhiên, thầy Thư cho rằng, dạy bơi không bài bản sẽ khiến các con không biết cách áp dụng và xử lý các tình huống thực tế, dẫn đến tai nạn thương tâm.