Tổ chức Kỷ lục châu Á công bố chính thức 11 kỷ lục mới của Việt Nam

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Lê Công Sơn

16:12 – 22/08/2022   THANH NIÊN ONLINE
Theo tin từ Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings), Tổ chức Kỷ lục châu Á chính thức xác lập lần III (năm 2022) các kỷ lục châu Á mới về ẩm thực đặc sản Việt Nam theo bộ tiêu chí kỷ lục ẩm thực, đặc sản châu Á.

Theo đó, các tỉnh phía Nam có nhiều ẩm thực đặc sản được công nhận kỷ lục châu Á mới lần này cho nhóm món ăn gồm: Gỏi sầu đâu (An Giang); Gỏi cá trích Phú Quốc (Kiên Giang); Lẩu mắm U Minh (Cà Mau); Các món ăn từ sen (Đồng Tháp); Các món ăn từ cá thát lát (Hậu Giang); Các món ăn từ dừa (Bến Tre). Miền Trung có các món ăn từ cá ngừ đại dương (tỉnh Phú Yên) được xác lập cùng 2 đặc sản thiên nhiên và 2 đặc sản quà tặng thuộc các tỉnh bạn.

Tổ chức Kỷ lục châu Á công bố chính thức 11 kỷ lục mới của Việt Nam - ảnh 1
Gỏi sầu đâu là một đặc sản nức tiếng của vùng đất An Giang
Tổ chức Kỷ lục châu Á công bố chính thức 11 kỷ lục mới của Việt Nam - ảnh 2
Cá trích tươi được làm sạch, phi lê, sau đó cho vào nước chanh để khử mùi tanh và giúp làm tái cá, sau đó cá được vớt ra, để ráo rồi trộn với củ hành tây xắt lát mỏng, rau mùi, hành phi, dừa nạo băm nhuyễn

VIETKINGS

Được biết, Gỏi sầu đâu là một đặc sản nức tiếng của vùng đất An Giang. Món ăn dân dã vừa là bài thuốc cho sức khỏe, là sự kết hợp tinh tế giữa vị đắng của lá sầu đâu, vị béo của thịt, vị ngọt của tôm, vị mặn của khô cá, vị chua của xoài, hương thơm nồng các loại rau tạo nên hương vị đặc trưng, lạ miệng và thơm ngon khó tả. Món gỏi này có các thành phần chính: lá sầu đâu trộn cùng thịt ba chỉ, tôm, khô cá lóc/cá sặc cùng dưa leo, xoài sống cùng một ít rau thơm, ngò rí, đậu phộng, và nước mắm tỏi ớt… tạo nên món gỏi sầu đâu đặc trưng nổi tiếng ở vùng đất này.

Người sành ăn món này cho rằng, khi mới ăn sẽ có cảm giác đăng đắng ở lưỡi, nhưng khi nhai thật kỹ nuốt vào thì lại cảm nhận được vị ngọt thanh trong cuống họng. Món ăn dân dã này mang đến cho người thưởng thức nhiều trải nghiệm thú vị. Đặc biệt là hương vị không giống với bất cứ loại gỏi nào.

Ở Kiên Giang, Gỏi cá trích cũng được xem là món ngon đã định vị văn hóa ẩm thực cho vùng đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Cái ngon và độc đáo được kết hợp với nhiều hương vị đặc biệt trong cùng một món ăn. Người Phú Quốc chế biến món này rất sành điệu, cầu kỳ và dĩ nhiên mang đến hương vị rất riêng.

Cá trích tươi được làm sạch, phi lê, sau đó cho vào nước chanh để khử mùi tanh và giúp làm tái cá, sau đó cá được vớt ra, để ráo rồi trộn với củ hành tây xắt lát mỏng, rau mùi, hành phi, dừa nạo băm nhuyễn… Điều làm nên vị đặc biệt của món ăn này là nước mắm chua ngọt nhưng đậm đà, sóng sánh được pha theo cách riêng của người địa phương với thật nhiều đậu phộng rang giã nhuyễn vào.

Gỏi cá trích được ăn theo kiểu cuốn bánh tráng, với rau sống, dưa leo, chấm nước chấm. Thịt cá trích ngọt, kèm theo vị nồng nàn của nước chấm, béo ngậy của đậu phộng, dừa… làm nên hỗn hợp mằn mặn, chua, ngọt và béo ngậy rất độc đáo, khiến thực khách “quên lối về”.

Còn Rượu sim Phú Quốc (Kiên Giang) được chế biến từ quả cây sim mọc ngay trên thành phố đảo. Rượu sim nơi đây nổi tiếng nhờ vào mùi thơm dịu, vị ngọt chát độc đáo, màu sắc bắt mắt vô cùng quyến rũ làm say lòng du khách.

Sim Phú Quốc có mùi thơm, ngọt thanh pha lẫn với vị chát, màu tím đậm đà. Rượu sim Phú Quốc được thực hiện với quá trình sản xuất khắt khe để có được nồng độ, hương vị thơm ngon, trở thành một đặc sản nổi tiếng của đảo ngọc, phù hợp làm quà sau mỗi chuyến đi. Không chỉ là một thức quà nổi tiếng, loại rượu này còn mang đến rất nhiều công dụng cho sức khỏe như kích thích tiêu hóa, cải thiện tuần hoàn máu… Người dân Phú Quốc có những công thức rất độc đáo để làm nên dư vị thơm ngon của đặc sản này với thành phần chính là trái sim rừng. Một sản phẩm rượu sim thơm ngon đến giọt cuối cùng cần trải qua nhiều công đoạn chuẩn xác, kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu, thành phần liều lượng cho đến thời gian ngâm ủ.

Tổ chức Kỷ lục châu Á công bố chính thức 11 kỷ lục mới của Việt Nam - ảnh 3
Lẩu mắm U Minh là món ăn “khai mở” toàn bộ giác quan của thực khách
Tổ chức Kỷ lục châu Á công bố chính thức 11 kỷ lục mới của Việt Nam - ảnh 4
Lá sầu đâu trộn cùng thịt ba chỉ, tôm, khô cá lóc/cá sặc cùng dưa leo, xoài sống cùng một ít rau thơm, ngò rí, đậu phộng, và nước mắm tỏi ớt… tạo nên món gỏi sầu đâu đặc trưng nổi tiếng

VIETKINGS

Tại đất Mũi, Lẩu mắm U Minh (Cà Mau) lâu nay được xem là món ăn thể hiện được nét đặc trưng của ẩm thực địa phương khi hội tụ các thành phần nguyên liệu là đặc sản vùng đất mũi.

Lẩu mắm U Minh là món ăn “khai mở” toàn bộ giác quan của thực khách từ đến khứu giác, vị giác, thị giác, xúc giác. Món ăn này thể hiện rõ nét đặc trưng của ẩm thực Cà Mau và hội tụ nhiều đặc sản, sản vật của vùng đất mũi. Với mùi mắm cá sặc thơm nồng đặc trưng tưởng khó ăn nhưng một khi đã thử qua sẽ chinh phục mọi giác quan của người thưởng thức kết hợp cùng các loại hải sản đồng quê như lươn, cá lóc đồng, thịt cua, ốc lác cùng các loại rau ăn kèm, hội tụ đầy đủ các vị đồng quê đến hoang dã của U Minh trù phú như bông súng, cải xanh, rau đắng, càng cua hăng hăng, bắp chuối, đọt nhãn lồng, đậu bắp…

Tổ chức Kỷ lục châu Á công bố chính thức 11 kỷ lục mới của Việt Nam - ảnh 5
Sim Phú Quốc có mùi thơm, ngọt thanh pha lẫn với vị chát, màu tím đậm đà
Tổ chức Kỷ lục châu Á công bố chính thức 11 kỷ lục mới của Việt Nam - ảnh 6
Mùi mắm cá sặc thơm nồng đặc trưng tưởng khó ăn nhưng một khi đã thử qua sẽ chinh phục mọi giác quan của người thưởng thức kết hợp cùng các loại hải sản đồng quê như lươn, cá lóc đồng, thịt cua, ốc lác

VIETKINGS

Ngồi bên nồi nước dùng sôi sùng sục sóng sánh dưới ánh lửa thưởng thức và cảm nhận, vừa hít hà vừa nhai chậm rãi là một trải nghiệm khó mà quên được ở vùng đất này.

Nếu du khách về Cà Mau mà chưa được trải nghiệm hết với món lẩu mắm U Minh ngon nhức lưỡi vừa xác lập kỷ lục châu Á thì xem chưa khám phá trọn vẹn vùng đất cực Nam của đất nước mình