Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển để ổn định vùng Tây Nguyên

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

02/07/2022 | 05:49

0:00/0:00
0:00
TP – Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trước đây Tây Nguyên cần ổn định để phát triển, nay ưu tiên phát triển để giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và thúc đẩy đối ngoại; thích ứng linh hoạt với mọi diễn biến, hóa giải các thách thức để phát triển.

Ngày 1/7, tại Đắk Lắk, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 (NQ10) và Kết luận số 12-NQ/TW ngày 24/10/2011 (KL12) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên.

Phát huy tốt nhất các lợi thế

Tại hội nghị, nhiều đại biểu tập trung trao đổi, đánh giá thực trạng triển khai, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, dự báo; xác định vị trí, vai trò, cơ hội, tầm quan trọng, ảnh hưởng của vùng Tây Nguyên đối với phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh của vùng với vùng Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia và cả nước.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá, sau gần 20 năm thực hiện NQ10 và KL12, vùng Tây Nguyên có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực KT-XH, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đẩy nhanh hoàn thành một số tuyến đường cao tốc

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các tỉnh Tây Nguyên cần đẩy nhanh hoàn thành một số tuyến đường cao tốc (Khánh Hòa-Đắk Lắk, Lâm Đồng-Đồng Nai, Đắk Nông-Bình Phước, Kon Tum-Quảng Nam), nâng cấp các sân bay, kết nối thuận lợi trong nước, khu vực và quốc tế. “Cao tốc định hướng rõ rồi, các tỉnh phải chủ động, khó khăn đến đâu cần báo cáo để gỡ vướng đến đó. Cần ưu tiên huy động các nguồn lực, có kế hoạch cụ thể. Các địa phương phải quyết tâm nỗ lực cao, làm việc nào dứt việc đấy, không có động lực thì không có sản phẩm tốt, không có hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận sau 20 năm thực hiện NQ10 và 10 năm thực hiện KL12, KT-XH vùng Tây Nguyên đạt được nhiều kết quả khá toàn diện. Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỉ đồng, gấp 14 lần năm 2002; GRDP bình quân giai đoạn 2002-2020 là 7,98%, cao nhất trong các vùng.

Vùng Tây Nguyên chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ; công nghiệp phát triển nhanh. Nông nghiệp trở thành vùng sản xuất nông sản lớn, với nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu của cả nước như cà phê, cao su, tiêu, cây ăn quả…

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển để ổn định vùng Tây Nguyên ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm cán bộ, chiến sỹ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, phát triển kinh tế của vùng Tây Nguyên chưa bền vững, tăng trưởng chậm lại. Quy mô GRDP của vùng thấp nhất trong các vùng KT-XH. Các tỉnh Tây Nguyên chưa tự cân đối được ngân sách địa phương. GRDP bình quân đầu người thấp nhất trong các vùng. Giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo cao. Phát triển văn hóa, xã hội, y tế còn nhiều bất cập. Rừng tự nhiên suy giảm về cả diện tích và chất lượng. Nguồn tài nguyên nước có nguy cơ suy giảm…

“Tây Nguyên là địa bàn chiến lược; phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là trách nhiệm của các cấp, ngành, hệ thống chính trị, trong đó phải chú trọng phát huy tinh thần tự lực, tự cường và đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn”, Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên và các bộ, ngành phải bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ 5 tỉnh trong vùng để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Mục tiêu phát triển Tây Nguyên cần thống nhất, đặt trong tổng thể các mục tiêu chung của cả nước. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên kết hợp hài hòa, hợp lý trên các trụ cột: Kinh tế – xã hội – môi trường – quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của từng địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết vùng và nội vùng, liên kết chặt chẽ với duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ; kết nối nhanh với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Tiểu vùng sông Mê Công và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia và ASEAN.

Đẩy mạnh liên kết vùng

Thủ tướng chỉ rõ thời gian tới vùng Tây Nguyên cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; xây dựng quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc dựa trên yếu tố đặc trưng là con người, văn hóa, truyền thống lịch sử, đất, nước và rừng của Tây Nguyên; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi; hoàn thành một số tuyến đường cao tốc, nâng cấp sân bay, kết nối thuận lợi trong nước, khu vực và quốc tế; thực hiện việc chuyển đổi, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin sang hạ tầng số song hành với quá trình chuyển đổi số quốc gia trên tất cả các lĩnh vực…

Cũng theo Thủ tướng, vùng phải nghiên cứu cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, đặc biệt chú trọng ngành nông, lâm nghiệp và du lịch. Phát huy nguồn lực đất đai trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển KT-XH tương xứng với vị trí chiến lược của Tây Nguyên với cả nước; đảm bảo quỹ đất sản xuất cho người dân, trong đó có đồng bào di dân tự do; xử lý có hiệu quả quản lý đất đai các nông-lâm trường.

Thủ tướng chỉ rõ, phải bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc, coi đây là một trong những khâu đột phá cho sự phát triển nhanh, bền vững của vùng. Tập trung tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nhà nước, ở Trung ương và địa phương, cả ở trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển vùng Tây Nguyên.