Nồng nàn rượu cần Đắk Nông

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Rượu cần đối với đồng bào Tây Nguyên nói chung và người M’nông, Ê đê ở Đắk Nông nói riêng là một sản phẩm văn hóa vật chất, tinh thần của mỗi gia đình, cộng đồng. Đến với Đắk Nông, du khách sẽ được thưởng thức thứ rượu cần thơm ngon mang hương vị đặc trưng của vùng đất Nam Tây Nguyên.

Nguyên liệu rượu cần

Các chất liệu làm nên rượu cần Đắk Nông đều là sản vật của đất và nước, núi và rừng Tây Nguyên. Đó là gạo nếp, gạo tẻ, bắp, mỳ, khoai… hòa quyện với chất men được cất lên từ tinh túy của một số lá cây, rễ cây rừng. Rượu đổ 1/4 ché đựng toàn bộ nguyên liệu đã ủ men. Trước đây, người Ê đê thường dùng các loại ché Tuk, ché Tang màu da lươn là những loại ché quý dùng trong dịp lễ lớn nhưng hiện nay chỉ dùng các loại ché thường như ché ba. Còn người M’nông thì dùng các loại ché mà họ gọi là Yang Bung, R’Lungman. Các cần tre, trúc dài cỡ 1m, được hơ lửa vuốt thẳng ra và đục thông ruột sau đó được uốn cong. Các dụng cụ đong nước vào ché như ca, sừng trâu đục thủng đáy…

Để có được ché rượu, đồng bào phải tiến hành nhiều công đoạn, từ chuẩn bị nguyên liệu đến cách thức chế biến, tính toán thời gian phù hợp, sao cho vừa kịp sử dụng và rượu đạt chất lượng cao nhất. Ở Đắk Nông, nhiều gia đình đồng bào dân tộc biết làm rượu cần, nhưng tỷ lệ lại là bí quyết riêng chỉ được phép truyền trong mỗi nhà. Do đó, rượu được tạo ra bởi những hương vị khác nhau theo sở thích của từng gia đình.

Uống rượu cần trong lễ hội

Văn hóa uống rượu cần

Uống rượu cần có nét văn hóa và những nghi lễ độc đáo. Chủ nhà mở ché rượu và đọc lời cầu khấn Giàng đem lại sức khỏe, may mắn cho khách. Sau đó, chủ nhà nếm trước một ngụm nhỏ rồi nâng cần trao cho khách. Khách đỡ lấy cần bằng hai tay, tay trái đặt lên đầu cần, tay phải cầm phần thân cần sát miệng ché, nhẹ nhàng vuốt dọc lên rồi uống. Chủ nhà sẽ thân chinh hoặc cử một người, thường là những thiếu nữ mặc váy thổ cẩm thêu hoa văn xinh đẹp, cầm ca (trước kia thường dùng sừng trâu) tiếp nước vào ché. Cách rót nước như vậy gọi là đong “kang”. Để xét công bằng về lượng rượu cho mỗi người, chủ nhà dùng cành cây gác ngang miệng ché, có nhánh cắm xuống mặt nước một đoạn chừng một phân. Khi người uống hút rượu, mực nước thấp xuống, đến đoạn đầu nhánh cây là đủ phần mình.

Rượu cần có nồng độ nhẹ, hương vị nồng nàn của men lá rừng khiến người uống có cảm giác lâng lâng ngây ngất, dẫu say nhưng vẫn muốn được uống thêm, vui mãi. Vị rượu ngọt êm, nồng đượm, đem lại cho con người sự thăng hoa, khỏe mạnh, sung mãn và hạnh phúc hòa quyện.

Hiện nay, rượu cần là một đặc sản được ưa chuộng của hầu hết những ai đến Đắk Nông. Được thưởng thức hương vị nồng nàn, dịu ngọt của rượu cần trong dịp lễ hội, trong không gian hùng vĩ, đậm chất sử thi, những đêm lửa trại bên ánh lửa bập bùng…, trong những ngôi nhà sàn, hay trong những quán ăn, nhà hàng, những cuộc vui của gia đình, bầu bạn mang đặc trưng Tây Nguyên…, đây là nét quyến rũ và hấp dẫn mời gọi du khách gần xa đến với mảnh đất Đắk Nông mến khách, nồng hậu và tươi đẹp.

Khả Hân (g/t)