Thanh Tịnh học trường Đông Ba, trường Pellerin, đỗ bằng Thành chung, từng dạy tư ở Huế, cộng tác rộng với các báo Phong hóa, Ngày nay, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ Năm, Thanh nghị, Tinh hoa; từng chiếm giải nhất đồng hạng với Phạm Đình Bách trong cuộc thi thơ Hà Nội báo tổ chức (số 5, ra ngày 5/2/1936); đã xuất bản tập thơ Hận chiến trường (1936).
Ngoài ra còn sáng tác truyện ngắn, truyện ký đậm phong cách thôn quê, hoạt kê, phong tục và viết khảo cứu lịch sử, văn hóa. Riêng thơ Thanh Tịnh được người đương thời như Xuân Phương, Nàng Lê (Lê Tràng Kiều), Trần Trần, Nhứt Lưu, Lê Thanh, Kiều Thanh Quế, Trần Thanh Mại, Hoài Thanh – Hoài Chân… giới thiệu, bình điểm.
Đưa nhân tình, thế thái vào thi ca
Nhà thơ Thanh Tịnh thời trẻ. |
Vào năm 1937 đã xuất hiện liền ba tập thơ của ba thi sĩ miền Trung và được bình giả Xuân Phương điểm danh, giới thiệu chung một lần liền ba kỳ trên Tràng An báo (1938).
Xuân Phương đặt tập thơ của thi sĩ Thanh Tịnh lên vị trí trên hết, trước hết: “Tôi đọc tập Hận chiến trường của ông Thanh Tịnh (Nhà in MIRADOR, Huế, 1937, 68 trang – NHS chú). Tôi lạc vào một nơi chiến địa hãi hùng. Những thây người đẫm máu, những khớp xương trắng rỡn, những vong hồn của muôn vạn tinh binh… đều hiển hiện lên trước mắt tôi.
Một hạt sương rơi, phải chăng là giọt máu trào? Một cơn gió tạt, phải chăng là tiếng “gươm linh”: Nhưng ta nặng mối sầu,/ Lệ huyết giỏ đêm thâu./ Tàn canh ta khóc trận,/ Binh tan tướng rụng đầu (Tiếng gươm linh)…
Với ngòi bút ứ huyết, ông Thanh Tịnh đã vẽ ra những cảnh tàn khốc, ghê rợn, cái họa của binh đao. Những buổi chiều mờ, xác người chồng chất làm mồi cho đàn chim say máu. Trong đêm trường, lời chinh phụ kêu than, rên rỉ và ta hãy lắng nghe bên gốc liễu buồn, một mẹ già ngồi khóc chờ con. Ta hãy theo ông đến bãi chiến trường, nơi máu đọng và đầu rơi:
Trận oai hùng phảng phất diễn đâu đây
Mà máu đọng xương khô đầu rơi mãi
Hỡi tướng sĩ tiết hùng còn hăng hái…
Đến đây, ông đau xót, ông chán ngán, ông ôm đầu và ông đã rít lên những tiếng: Thấy tường chưa, binh lửa, thấy tường chưa! (Mặt trận chiều hôm).
Trong lúc trăm nghìn oan hồn yểu tử kêu gào, rên xiết, quằn quại giữa vũng máu chiến chinh, lại xen lẫn vào những tiếng cười hoan lạc của muôn nghìn thanh nữ:
Trong lúc ấy, các ngai vàng chói lọi,
Bốn phương trời rạng rỡ ánh kim thoa.
Buổi tiệc đêm trong điện các hương pha,
Nghìn thanh nữ đầy thân vàng
loáng ngợi…
(Máu và vàng)
Ngoài những bức tranh đầy xương và máu, ông Thanh Tịnh còn hiến cho ta những tấm hình nhỏ bé, nhưng không vì thế mà hình sắc kém tươi. Một cây liễu buồn, một cơn gió nhẹ đưa chiếc thuyền lan, một con ngựa hồng đỏ bên hiên, nhưng trên mình ngựa dũng sĩ không còn thấy nữa.
Ông Thanh Tịnh – với những cảnh tiêu sơ ấy – đã phó thác cho ta tất cả nguồn sầu mong đợi và cả thành Chán Nản xây dựng trong tim ta khi đọc hết tập thơ ông” (Tràng An báo, số 313, ra ngày 19/4/1938, tr.1+3).
Sau khi giới thiệu tiếp các tập thơ của Chế Lan Viên, Hoàng Diệp, Xuân Phương đi đến nhận diện, so sánh, đánh giá: “Ông Thanh Tịnh với tập Hận chiến trường đã tả hết sự tàn ác của chiến tranh, đã níu hồn ta lại những nơi tràn cả thây người, nặc cả mùi tanh của máu xương và sặc sụa cả hơi thuốc súng.
Có lúc ông lại nhịp đàn lòng theo điệu trầm bổng của một chiều mong đợi, của nỗi niềm thương tiếc dưới bóng trăng chênh, hay là một linh hồn “Lạc lối giữa thành sầu mù mịt” (…). Các thi sĩ thường sung sướng hay đau khổ và thường sống trong những cảnh tưởng tượng. Họ sống riêng trong những thế giới riêng của họ.
Nhưng thế giới ấy là bãi Chiến Trường của ông Thanh Tịnh, là cái tháp điêu tàn của ông Chế Lan Viên, là những xác lá chết của ông Hoàng Diệp… Nói tóm lại, làng thơ năm 1937 đã hiến cho ta ba viên ngọc quý: Hận chiến trường, Điêu tàn và Xác thu” (Tràng An báo, số 314, ra ngày 22/4/1938, tr.1+3).
Khi tìm hiểu về chủ điểm mùa thu, Nàng Lê (Lê Tràng Kiều) đã chứng dẫn thơ Tương Phố, Lưu Trọng Lư, Yến Lan, Chế Lan Viên và đi đến bình điểm thơ thu Thanh Tịnh: “Tuy thu buồn. Thu đến với vầng mây xam xám một màu xanh thảm đạm để khêu những đau thương của lòng người trống rỗng. Nhưng người ta vẫn say thu, mến thu.
Như người ta đã đắm đuối người tình nhân có nhan sắc não nùng. Vì thế, tuy – như lời thơ của thi sĩ Thanh Tịnh: Mỗi lần nắng tắt tiết thu sang,/ Thi sĩ đua nhau khóc lá vàng… Nhưng lúc thu đi người ta lại nhớ. Nhớ thắm thiết” (Tiểu thuyết thứ Năm, số 3, ra ngày 20/10/1938, tr.7).
Sự phóng tác làm nên tên tuổi
Đặc biệt hơn, trong bài viết về trạng thái hoài cảm quá khứ, Lê Tràng Kiều dẫn tác gia Đường thi Trung Hoa (Triệu Hổ, Thôi Hiệu, Lưu Vũ Tích) và những Nguyễn Bính, Chế Lan Viên và liên hệ, chứng dẫn bài thơ Rồi một hôm của Thanh Tịnh (phóng tác từ bài thơ Et s’il revenait un jour – Và nếu một ngày chàng trở lại của nhà thơ Bỉ Maurice Maeterlin, 1862-1949): “Những cảnh cũ như thế và như thế này, hẳn một chiến sĩ đã “nhất khứ” cũng không dám “phục phản” nữa:
Rồi một hôm nếu về cha hỏi:
Mẹ ở đâu con biết nói sao?
Con hãy bảo trông cha mòn mỏi,
Mẹ từ trần sau mấy tháng đau…
– Nếu cha hỏi sao nhà vắng vẻ,
Mẹ khuyên con hãy trả lời sao?
Con hãy chỉ bình hương khói rẽ,
Và trên giường chỉ đĩa dầu hao…
– Nếu cha hỏi cặp đào trước ngõ
Sao chỉ còn một gốc ngả nghiêng?
Con hãy chỉ một cây đào nhỏ,
Bên cây tùng rồi đứng lặng yên.
– Còn mồ mẹ nếu cha muốn biết,
Phải hướng nào con nói cùng cha?
– Con lặng chỉ bầu trời xanh biếc,
Và bên trời chỉ nội cỏ xa…
(Tiểu thuyết thứ Năm, số 9, ra ngày 1/12/1938, tr.7).
Tiếng vang thơ Thanh Tịnh dội tới Sài Gòn. Bình giả Nhứt Lưu tập trung phân tích bài thơ Mong mỏi (sách Thi nhân Việt Nam tuyển in và ghi nhan đề Mòn mỏi) qua giới thiệu, gửi gắm của nữ độc giả Vân Ngọc: “Ngồi hưởng ứng và hoan nghinh trước nhứt mục “Lá thắm” nầy là cô Vân Ngọc.
Rất ham mộ thi văn, nhưng tiếc thay, cô chưa bao giờ sản xuất ra được bài nào. Đó là lời tự thú của cô. Bởi vậy, cô mới gởi cho tôi đọc thơ của ông Thanh Tịnh, một nhà thơ có tiếng ở đất Thần kinh. Cử chỉ thật thà ấy cũng chứng tỏ được lòng nhiệt thành của cô đối với làng thơ và làm tôi càng cảm mến.
Vậy, xin mời các bạn hãy đọc qua cùng tôi:
Em ơi, nhẹ cuốn bức rèm tơ,
Tìm thử chân mây khói tỏa mờ,
Có bóng tình quân muôn dặm ruổi,
Ngựa hồn tuôn bụi cõi xa mơ?
Xa nhìn bên cõi trời mây,
Chị ơi, em thấy một cây liễu buồn…
Bên rừng, em hãy lặng nhìn theo,
Có phải chăng em ngựa xuống đèo.
Chị ngỡ như chàng lên tiếng gọi,
Trên mình ngựa hý, lạc vang reo?…
Bên rừng ngọn gió rung cây,
Chị ơi con nhạn lạc bầy kêu sương…
Tên chị ai gieo giữa gió chiều,
Phải chăng, em hỡi, tiếng chàng kêu.
Bên dòng sông lặng em nhìn thử,
Có phải chăng người của chị yêu?…
Sóng chiều đùa chiếc thuyền lan,
Chị ơi, con sáo gọi ngàn bên sông…
Ô kìa! Bên cõi trời đông,
Ngựa ai còn ruổi dặm hồng xa xa…
Này lặng, em ơi, lặng lặng nhìn,
Phải chăng mình ngựa sắc hồng in.
Nhẹ nhàng em sẽ buông rèm xuống,
Chị sợ trong sương bóng ngựa chìm…
Ngựa hồng đã đến bên hiên,
Chị ơi! Trên ngựa chiếc yên…
vắng người.
(Mong mỏi)
Còn gì cảm động hơn nữa? Cảnh chờ mong của người chinh phụ trông chồng, đang vì nghĩa vụ, vì bổn phận, theo tiếng gọi của binh đao, để trả thù nhà nợ nước. Lại thảm thay, nơi quê nhà quạnh quẽ, chỉ còn một chị một em.
Những nỗi niềm thương nhớ đã biến người chị ra thẫn thờ, uể oải, rồi trong lúc buồn chị bỗng mơ thấy tình quân cỡi ngựa hồng rong ruổi ở chốn trời xa. Chị mới kêu em bảo cuốn bức rèm tơ lên trông thử nhưng chị sợ em động mạnh bức rèm làm tan bóng kẻ chinh phu, nên bảo em nhẹ cuốn.
Nội chữ “nhẹ” trong câu thứ nhất đã biểu lộ được tư chất và tâm tình người cô phụ. Vậy mà, nào đâu bóng chàng tráng sĩ? Chỉ một cuộc liễu buồn đứng ủ rũ bên cõi trời mây.
Chị cũng còn hy vọng, bảo em xem lại bên rừng, coi có phải chàng cỡi ngựa xuống đèo để tiếng lạc vang reo đâu đó? Nhưng than ôi, lại là một ảo ảnh. Chỉ có tiếng nhạn kêu sương vì bị bạt gió lạc bầy. Đọc đoạn:
Tên chị ai gieo giữa gió chiều,
Phải chăng, em hỡi, tiếng chàng kêu.
Bên dòng sông lặng em nhìn thử,
Có phải chăng người của chị yêu?…
Tôi tưởng chừng như nghe được lời thành thật phát tự nơi cửa miệng của người trong cuộc, chớ không phải lời thơ của tác giả. Thật nó trơn tru và suôn sẻ làm sao! Chỉ những lời bình thường và giản dị, không chuốt ngót, không cầu kỳ.
Nhưng, nầy đây, con ngựa hồng đã thấy thấp thoáng ở ngoài xa mà chị lại sợ không cho em nhìn nữa, chỉ e rồi ngựa lại chìm mất trong sương mù, vì thấy tiếng động mạnh. Ba chữ “lặng” ở trong câu thứ 21 làm nhẹ hẳn câu thơ và chỉ rõ được nỗi lòng tha thiết của chị. Con ngựa hồng đã về đến bên hiên thật, nhưng chỉ còn một chiếc yên trơ trọi ở trên lưng. Còn người cỡi, nào đâu ngó thấy? Hai câu:
Ngựa hồng đã đến bên hiên,
Chị ơi! Trên ngựa chiếc yên…
vắng người.
Kết thúc câu chuyện một cách quá thê thảm. Tôi không hiểu rồi người chị, khi nghe câu chót ấy sẽ ra sao? Hay cũng ngã quỵ, ngất lịm đi.
Toàn bài thơ là một tiếng than ảo não rất dài của người chinh phụ mà ông Thanh Tịnh đã cho xen vào mấy vần lục bát làm nên những tiếng nức nở đau thương.
Cả một câu chuyện lòng chua xót mà ông tóm tắt ở trong những điệu vần đơn sơ làm tôi đọc tới mà bắt ngậm ngùi liên tưởng tới chuyện Lan rừng của Nhất Linh cũng tả ở đoạn chót con ngựa mang yên vắng chủ trở về” (Sài Gòn, số 14244, ra ngày 12/10/1939, tr.3).
Đến công trình đại thành Thi nhân Việt Nam, 1932-1941, anh em bình giả Hoài Thanh – Hoài Chân tuyển của Thanh Tịnh hai bài Mòn mỏi và Tơ trời với tơ lòng (đồng hạng với Vũ Đình Liên, Huy Thông, Nguyễn Vỹ, Yến Lan, Phạm Hầu, Xuân Tâm, Bàng Bá Lân, Bích Khê, Nguyễn Nhược Pháp, Mộng Tuyết, Nguyễn Xuân Huy) và đi sâu phân tích, nhận định: “Xem thơ Thanh Tịnh cái cảm giác trội nhất của tôi là thấy một cái gì cứ dàn trải, dàn trải hoài mà lại lỏng. Có lẽ là một mặt hồ.
Cũng chưa đúng. Hồ còn có bờ, có hình nhất định. Ở đây không có bờ, và nước – âu cũng phải gọi là nước – cứ chảy tràn lan. Những cảnh sắc in hình trên mặt nước vẫn thường thay đổi: Có khi là một cây liễu rũ, cũng có khi là một lũy tre. Nhưng cảnh sắc dầu có khác, bao giờ cũng chỉ ngần ấy nước mà thôi.
Có một lần người ta bỗng thấy trên mặt nước dựng lên một lâu đài xương máu (Hận chiến trường, mấy vần thơ máu, 1936); nhưng khi người ta tới nơi, nó lại biến đâu mất. Thì ra một ảo ảnh… Kể chỗ này cũng trống trải. Hình như đằng xa kia, có vài ngọn núi. Nhưng đây vẫn là nơi hò hẹn của những ngọn gió bốn phương.
Mỗi lần gió đến, mặt nước không buồn cưỡng, cứ tự nhiên lướt theo chiều gió. Có khi người ta còn thấy nó vươn mình lên cho ngang tầm gió, tưởng chừng như nó muốn hóa thân làm gió. Nhưng gió qua lại thôi và rồi nó cũng giữ được cái mềm mại, cái ẩn ước là bản sắc của nó” (Huế, 1942)…
Vào chặng cuối phong trào Thơ mới, nhà phê bình Lê Thanh khi bàn về thể loại kịch viết bằng thơ đã dẫn lời Thanh Tịnh bàn về cảm hứng, phong vị nền thơ đương thời: “Một nhà văn ở thần kinh, sau khi in được một tập gồm có nhiều bài thơ của phái “Thơ mới” ngày nay, trịnh trọng đem một bản lại tặng một thi sĩ hồi ấy đang đứng giám đốc một tờ báo có tiếng.
Nhà thi sĩ sau khi xem qua loa tập thơ, không ngần ngại trao lại tác giả với những lời đại khái: “Ngài cho tập thơ, xin cảm ơn ngài, nhưng tôi lại giả lại ngài, thơ các ngài làm thế này dân tộc mình trầm luân là phải, cầm tập thơ buồn bao nhiêu, lại thương cho dân tộc mình bấy nhiêu” (Tri Tân tạp chí, số 133, tháng 3/1944, tr.4-5)…
Trong phong trào Thơ mới, Thanh Tịnh mạnh cả về thơ ca và văn xuôi. Số lượng thơ Thanh Tịnh không nhiều nhưng có sức lan tỏa khắp ngoài Bắc trong Nam. Người đương thời phong trào Thơ mới đánh giá cao thơ Thanh Tịnh ở chất trữ tình, nỗi đau thế sự và những tứ thơ sâu lắng, độc đáo…