Nâng cao ý thức, đẩy mạnh hành động bảo vệ môi trường từ ghế nhà trường
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
19:46 28/10/2022
Chia sẻ
Kinhtedothi – Đề cao vai trò của cộng đồng, hạn chế hành vi gây hại ngay từ thói quen hàng ngày là một trong những trọng tâm trong chính sách về môi trường hiện nay. Trong đó, nâng cao tư duy của từng cá nhân khi còn ngồi trên ghế nhà trường là một trong những giải pháp bền vững.
Xây dựng khung tiêu chí trường học xanh
Trong bối cảnh Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành với nhiều điểm mới, đồng thời những nghị định hướng dẫn thi hành nhằm đạt mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, và bảo vệ tầng ozon, ứng phó biến đổi khí hậu có hiệu lực, theo các chuyên gia, cộng đồng dân cư được coi là chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường là điểm mới được quy định trong Luật.
Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường.
Bên cạnh đó, bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày như không khí, nước. Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Đối với cộng đồng, người dân, cần thêm nhiều biện pháp tuyên truyền, tăng cường ý thức bảo vệ môi trường trong thời gian tới để nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về bảo vệ thiên nhiên và môi trường.
Đặc biệt, tại môi trường giáo dục các cấp vốn là lứa chủ nhân tương lai, việc phổ biến rộng rãi, lồng ghép công tác bảo vệ môi trường vào nội dung giảng dạy của các môn học là cần thiết. Việc này phải được thực hiện với sự tham gia của cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh dưới sự kiểm tra, giám sát nghiêm túc. Mặt khác, đẩy mạnh tuyên dương những tấm gương tham gia tích cực, thi đua toàn diện.
Nuôi dưỡng lối sống thân thiện với môi trường, góp phần xây dựng một Hà Nội xanh nhận được sự đồng thuận lớn của các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Theo khảo sát của Sở TN&MT về việc xây dựng Khung tiêu chí trường học xanh, 100% trường học đồng ý rằng đây là việc làm cần thiết, đồng thời cam kết sẵn sàng tiếp tục tham gia thực hiện các giải pháp trường học xanh trong thời gian tới.
Nâng cao các tiêu chí xanh từ môi trường giáo dục.
Nâng cao các tiêu chí xanh từ môi trường giáo dục.
Tín hiệu tích cực
Thông tin từ Sở TN&MT cho biết, từ tháng 9/2022, mô hình thí điểm “Trường học xanh – vì Hà Nội xanh” đã được thực hiện tại 4 quận, huyện. Qua đó đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường về chủ đề không khí, năng lượng, rác thải, nước và không gian xanh. Mô hình đã giúp nâng cao nhận thức của hơn 1.000 giáo viên và 43.000 học sinh về các vấn đề môi trường. Đồng thời khuyến khích học sinh xây dựng thói quen bảo vệ môi trường với ít nhất 40.000 hành động xanh đã được thực hiện.
Tác động nổi bật có thể kể đến như, góp phần giảm khoảng 75% lượng rác thải tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh do các trường học tham gia tích cực trong phân loại và xử lý rác hữu cơ; thực hành tiết kiệm điện, nước tại nhà của nhóm học sinh lớp 4A, 4B trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm giúp giảm khoảng 16% lượng điện tiêu thụ và giảm khoảng 7,5% lượng nước tiêu thụ tại 47 hộ gia đình sau 1 tháng.
Một hoạt động trong chuỗi thí điểm “Xây dựng trường học xanh” tại quận Hoàn Kiếm.
Một hoạt động trong chuỗi thí điểm “Xây dựng trường học xanh” tại quận Hoàn Kiếm.
Nhằm nâng cao nhận thức và hình thành thói quen cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và đặc biệt là học sinh các lứa tuổi trong công tác bảo vệ môi trường, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp cùng Sở TN&MT đã có kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Xây dựng Trường học xanh – Vì một Hà Nội xanh” giai đoạn 2022 – 2025. Trong đó tập trung đánh giá việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường tại cơ sở giáo dục thông qua việc áp dụng mô hình trường học xanh. Đào tạo và rèn luyện thế hệ trẻ có lối sống xanh, bảo vệ môi trường và sức khỏe.
Theo đại diện Sở GD&ĐT, Chương trình sẽ tạo điều kiện cho học sinh nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường, và thay đổi hành vi của học sinh nhằm hướng tới lối sống xanh, giảm thiểu phát thải ô nhiễm trong hoạt động học tập và sinh hoạt tại trường.
Sở GD&ĐT đặt chỉ tiêu, từ 2022 đến 2025 có 100% số trường học/mỗi cấp học trên địa bàn 4 quận, huyện đã thực hiện thí điểm (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đông Anh, Thạch Thất) tham gia Chương trình. Đối với các quận, huyện, thị xã còn lại, đạt trên 70% số trường học/mỗi cấp trên địa bàn tham gia thực hiện Chương trình.
Tổ chức bồi dưỡng cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên về công tác giáo dục, thực hiện hiệu quả việc giảng dạy lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong các môn học theo quy định. Song song, triển khai các hoạt động tuyên truyền, xây dựng trường học xanh cho học sinh với các hình thức phong phú, phù hợp.
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động nâng cao tư duy, để hành động bảo vệ môi trường thành thói quen, Sở GD&ĐT đề nghị phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã, các trung tâm và đơn vị trực thuộc thường xuyên vận động giáo viên, học sinh tích cực tham gia lao động dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, phân loại rác thải, bảo vệ môi trường tại nơi cư trú cũng như tại trường.