Mẫu phiếu đánh giá xếp loại giáo viên mới nhất 2023?

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Cho tôi tham khảo: Mẫu phiếu đánh giá xếp loại giáo viên mới nhất 2023? Câu hỏi của Chị Trang (Nghệ An)

Tiêu chí để xếp loại chất lượng giáo viên ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quy định như thế nào?

Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức quy định về tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như sau:

Tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

1. Viên chức không giữ chức vụ quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:

a) Thực hiện tốt các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Nghị định này;

b) Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao, trong đó ít nhất 50% nhiệm vụ hoàn thành vượt mức;

2. Viên chức quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:

a) Thực hiện tốt các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều 3 Nghị định này;

b) Các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao đều hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao;

c) Đơn vị hoặc lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, trong đó ít nhất 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành vượt mức;

d) 100% đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên, trong đó ít nhất 70% hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Như vây, tiêu chí để xếp loại chất lượng giáo viên ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bao gồm:

Đối với trường hợp giáo viên không giữ chức vụ quản lý:

– Chính trị tư tưởng tốt;

– Đạo đức và lối sống nề nếp;

– Tác phong và lề lối làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp

– Ý thức tổ chức kỷ luật cao;

– Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết

– Lĩnh vực công tác được giao phụ trách trong đó hoàn thành ít nhất 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành vượt mức.

Đối với trường hợp giáo viên giữ chức quản lý:

– Chính trị tư tưởng tốt;

– Đạo đức và lối sống nề nếp;

– Tác phong và lề lối làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp

– Ý thức tổ chức kỷ luật cao;

– Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị;

– Duy trì kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan;

– Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền;

– Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của cơ quan, trong đó xác định rõ kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, lượng hóa bằng sản phẩm cụ thể.

– Các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết

– Đơn vị hoặc lĩnh vực công tác được giao phụ trách trong đó hoàn thành ít nhất 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành vượt mức;

– 100% đơn vị thuộc quản lý trực tiếp được đánh giá nhiệm vụ trong đó ít nhất 70% hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Mẫu phiếu đánh giá xếp loại giáo viên mới nhất 2023?

Mẫu phiếu đánh giá xếp loại giáo viên mới nhất 2023? (Hình từ Internet)

Trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại chất lượng giáo viên được quy định như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức như sau:

Trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức

1. Đối với viên chức là người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu:

a) Viên chức tự đánh giá, xếp loại chất lượng

Viên chức làm báo cáo tự đánh giá, mức xếp loại kết quả công tác theo chức trách, nhiệm vụ được giao theo mẫu số 03 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Nhận xét, đánh giá viên chức

Tổ chức cuộc họp tại đơn vị nơi viên chức công tác để nhận xét, đánh giá đối với viên chức. Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm toàn thể viên chức của đơn vị.

Trường hợp đơn vị có đơn vị cấu thành thì thành phần bao gồm tập thể lãnh đạo đơn vị, đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên cùng cấp và người đứng đầu các đơn vị cấu thành; đối với đơn vị có quy mô lớn thì người đứng đầu các đơn vị cấu thành có thể tham gia ý kiến bằng văn bản.

Viên chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp, các thành viên tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến, các ý kiến phải được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.

c) Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy đảng đơn vị nơi viên chức công tác.

d) Xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức

Bộ phận tham mưu về công tác cán bộ của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đánh giá tổng hợp ý kiến nhận xét, đánh giá quy định tại điểm b, điểm c khoản này và tài liệu liên quan (nếu có), đề xuất nội dung đánh giá và mức xếp loại chất lượng đối với viên chức.

Cấp có thẩm quyền quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng đối với viên chức.

đ) Cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức thông báo bằng văn bản cho viên chức về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng; quyết định hình thức công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi viên chức công tác, trong đó ưu tiên áp dụng hình thức công khai trên môi trường điện tử.

2. Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý:

a) Viên chức tự đánh giá, xếp loại chất lượng

Viên chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo mẫu số 03 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Nhận xét, đánh giá viên chức

Tổ chức cuộc họp tại đơn vị nơi viên chức công tác để nhận xét, đánh giá đối với viên chức.

Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm toàn thể viên chức của đơn vị hoặc toàn thể viên chức của đơn vị cấu thành nơi viên chức công tác trong trường hợp đơn vị có đơn vị cấu thành.

Viên chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp, các thành viên tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến, các ý kiến phải được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.

c) Xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức

Cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng căn cứ ý kiến tại cuộc họp nhận xét, đánh giá quy định tại điểm b khoản này quyết định nội dung đánh giá và mức xếp loại chất lượng đối với viên chức.

d) Cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức thông báo bằng văn bản cho viên chức và thông báo công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi viên chức công tác về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức; quyết định hình thức công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi viên chức công tác, trong đó ưu tiên áp dụng hình thức công khai trên môi trường điện tử.

Như vậy, trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại chất lượng giáo viên cụ thể:

– Đối với trường hợp giáo viên là người đứng đầu:

Bước 1: Giáo viên tự đánh giá xếp loại chất lượng;

Bước 2: Tổ chức cuộc họp tại đơn vị nơi giáo viên công tác để nhận xét, đánh giá giáo viên;

Bước 3: Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy đảng đơn vị nơi giáo viên công tác;

Bước 4: Xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng giáo viên.

– Đối với trường hợp giáo viên không giữ chức vụ quản lý:

Bước 1: Giáo viên tự đánh giá, xếp loại chất lượng;

Bước 2: Tổ chức cuộc họp tại đơn vị nơi giáo viên công tác để nhận xét, đánh giá giáo viên;

Giáo viên trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp, các thành viên tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến, các ý kiến phải được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.

Bước 3: Cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng căn cứ ý kiến tại cuộc họp nhận xét;

Bước 4: Xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng từ cấp trên.

Mẫu phiếu đánh giá xếp loại giáo viên mới nhất 2023?

Căn cứ theo mẫu số 03 mẫu phiếu đánh giá và xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức kèm theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP quy định như sau:

Tải mẫu phiếu đánh giá xếp loại giáo viên mới nhất năm 2023 tại đây:  Tải về

Download (DOC, 7KB)

Trân trọng!

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Đánh giá xếp loại giáo viên 

Nguyễn Trần Cao Kỵ