Lương GV năm 2023 có thể lên tới gần 20 triệu đồng/tháng nhưng ít người đạt được

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

21/10/2022 06:40

  Cao Nguyên

 

0:00/0:00
0:00
GDVN- Lương giáo viên sẽ lên đến trên dưới 20 triệu đồng/tháng là điều có thể xảy ra trong thời điểm tăng lương cơ sở tới đây nhưng rất ít người đạt được.

Tại buổi Họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra vào ngày 17/10, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo VOV.VN về kỳ họp thứ 4, Quốc hội cho ý kiến về việc tăng lương cơ sở, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết:

Chính phủ đang trình Quốc hội mức tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng, tương đương khoảng 20,8% và tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm khoảng 12,2%;

Hỗ trợ thêm với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức thưởng thấp, tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và các chính sách an sinh xã hội, gắn với lương cơ sở khoảng 20,8. (*)

Giáo viên các cấp đang hưởng mức lương nào?

Hiện nay, mức lương khởi điểm của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đang áp dụng hệ số 2,34 – tương đương 3,487 triệu đồng/tháng. Mức lương cao nhất áp dụng hệ số 6,78 – khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng.

Ngoài lương cơ bản, giáo viên còn được tính thêm các khoản phụ cấp khác như:

Phụ cấp ưu đãi theo nghề = Mức lương tối thiểu chung x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi. ­

Trong đó, tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi gồm các mức: 25%, 30%, 35%, 40%, 45%, 50% (căn cứ Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC).

Lương GV năm 2023 có thể lên tới gần 20 triệu đồng/tháng nhưng ít người đạt được ảnh 1Ảnh minh họa: Lã Tiến

Phụ cấp công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn bao gồm:

Phụ cấp lưu động của giáo viên đang làm chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục buộc phải đi lại thường xuyên giữa các thôn là 0,2 so với mức lương cơ sở.

Phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số cho giáo viên quản lý giáo dục dạy tiếng dân tộc thiểu số là 50% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) (căn cứ Nghị định số 76/2019/NĐ-CP).

Phụ cấp khu vực dành cho giáo viên làm việc tại vùng có yếu tố địa lý khí hậu khắc nghiệt, xa xôi, đường xá đi lại khó khăn, vùng biên giới, hải đảo… (căn cứ Thông tư liên tịch 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT), với hệ số dao động từ 10 – 100% mức lương cơ sở.

Tính cả các khoản phụ cấp, thu nhập của giáo viên các cấp hiện nay dao động khoảng từ 4,2 – 14 triệu đồng/tháng.

Lương giáo viên các cấp sẽ thay đổi thế nào?

Ngày 2/2/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông).

Giả sử lương cán bộ, công chức, viên chức (chỉ bàn đến viên chức giáo viên) được tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng thì ước tính lương khởi điểm của giáo viên hạng III bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ là 4.212.000 đồng/tháng.


Đủ các loại chứng chỉ, giáo viên vẫn phải chờ 9 năm nữa mới lên hạng tăng lương

Với hệ số lương cao nhất là 6,78, giáo viên hạng I sẽ nhận được mức lương là 12.204.000 đồng/tháng. Sau khi cộng thêm các khoản phụ cấp khác, mức thu nhập có thể lên tới gần 20 triệu đồng/tháng.

Tuy vậy, số lượng giáo viên được thăng hạng còn phụ thuộc vào vị trí việc làm. Ví dụ, trường trung học phổ thông có 100 giáo viên thì có thể không cần giáo viên hạng I.

Trong tổng số lương này sẽ trừ các khoản sau: bảo hiểm xã hội 10,5%; bảo hiểm y tế 1,5%; bảo hiểm thất nghiệp 1%. Về đến trường trừ 1% công đoàn phí; 1% Đảng phí (nếu là Đảng viên).

Như vậy, về cơ bản giáo viên sẽ bị trừ bắt buộc từ 14-15% tổng lương (tương đương với 650.000- 697.000 đồng).

Vậy nên, lương giáo viên sẽ lên đến trên dưới 20 triệu đồng/tháng như tính toán là điều có thể xảy ra trong thời điểm tăng lương cơ sở tới đây nhưng rất ít giáo viên đạt được.

Tăng lương cơ bản là hợp tình hợp lí

Nhìn chung, nếu được tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng thì giáo viên mầm non, phổ thông công lập mới ra trường thực nhận khoảng 5 triệu đồng/tháng. Việc tăng lương cơ sở khoảng 20,8% được cho là phù hợp điều kiện ngân sách Nhà nước.

Nhưng mức tăng này vẫn còn là quá thấp so với yêu cầu của cuộc sống. Giáo viên nuôi con ăn học; mua phương tiện đi làm; chi phí khám chữa bệnh, các việc hiếu hỉ và mua nhà cửa, với mức lương như thế không thể kham nổi.

Một số chuyên gia đã từng đưa ra bài toán giả sử hộ gia đình trẻ có tổng thu nhập 20 triệu/tháng muốn mua căn hộ 70m2, đơn giá khoảng 20 triệu đồng/m2, giá nhà khoảng 1,5 tỉ tại Hà Nội thì cần 20 năm để trả hết nợ để mua nhà, trong trường hợp sử dụng 50% thu nhập để trả nợ và lãi suất vay ngân hàng trung bình ở mức 10%/năm như hiện nay.

Tuy vậy, các cơ quan đề xuất tăng lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng từ 1/7/2023 là việc làm hợp tình hợp lí. Bởi 3 năm qua, Nhà nước chưa tăng lương cơ sở do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Hơn nữa, việc chậm tăng hệ số lương khiến đời sống giáo viên gặp rất nhiều rất khó khăn, do lạm phát kinh tế, giá cả tăng cao. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều giáo viên nghỉ việc thời gian qua.

Riêng viên chức ngành giáo dục, việc tăng lương giúp cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên ổn định tâm lí, có thêm động lực dạy học.

Hiện tại, đồng lương giáo viên được đánh giá là quá thấp, họ phải làm nhiều nghề tay trái để mưu sinh, khó toàn tâm toàn ý cho việc dạy học, kéo theo chất lượng giáo dục khó đảm bảo.

Tài liệu tham khảo:

(*) https://vov.vn/chinh-tri/de-xuat-tang-luong-co-so-len-18-trieu-dong-cho-cong-chuc-vien-chuc-post977897.vov

Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên