Lễ ăn cơm mới của người Ê đê

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Lễ ăn cơm mới của người Ê đê được tổ chức hàng năm vào dịp cuối mùa rẫy, sau khi thu hoạch lúa, vào mùa lễ hội Tây Nguyên. Lễ hội được tổ chức nhằm tổng kết lại những thành quả của đồng bào sau mùa màng bội thu; cầu cho một năm mới thuận lợi đến với những vụ mùa tiếp theo.

Ý nghĩa ngày lễ

Lễ ăn cơm mới không diễn ra đồng loạt mà theo tuần tự, lễ được trải đều từ nhà này sang nhà khác, bắt đầu từ tháng Chạp đến tháng Giêng trong không khí nhộn nhịp, hân hoan của dân làng. Trong những ngày này, người dân Ê đê tạm gác hết các công việc khác lại, họ cùng nhau vui chơi, ăn uống và múa hát. Đây không chỉ là dịp để người Ê đê tận hưởng những thành quả sau một năm lao động vất vả, mà ý nghĩa lớn nhất ngày lễ này mang lại là để người dân tạ ơn thần lúa và chuẩn bị đón năm mới, đón xuân.

Các bước chuẩn bị

Để ngày lễ diễn ra thuận lợi, mỗi người dân trong làng đều háo hức chuẩn bị, mỗi người một việc. Trong nhà, người đàn ông là trụ cột nên sẽ lo việc chuẩn bị rượu cần, heo, gà để giết thịt, vào rừng chặt cây, đẽo cột gơng (cột để buộc ché rượu cần trong lễ), còn phụ nữ thì đảm đương bếp núc, nấu nướng. Người già, trẻ nhỏ ai cũng tất bật chọn váy, áo, khố… đẹp nhất để mặc trong ngày lễ quan trọng nhất trong năm này.

 Già làng thực hiện lễ cúng

Lời khấn nguyện biết ơn

Mọi thứ đã được chuẩn bị xong, cẩn thận và đầy đủ, dân làng mời thầy cúng được tín nhiệm nhất để làm lễ. Sau khi quần áo chỉnh tề, tiếng chiêng với nhịp điệu vừa trầm hùng, vừa náo nức nổi lên, thầy cúng thay mặt dân làng đọc lời khấn nguyện để tỏ lòng biết ơn, thành kính các thần.

Mọi nghi lễ diễn ra trang nghiêm và nhanh gọn, sau đó là bắt đầu tiệc vui. Hòa trong tiếng nhạc cồng chiêng rộn ràng, mọi người từ già đến trẻ đều vui vẻ ăn uống, vui chơi, ca hát… Không chỉ những người trong buôn làng, khách khứa khi mời đến dự lễ này đều được đón tiếp nồng nhiệt và khi ra về sẽ được gia chủ trao tay một gói nhỏ thức ăn như để chia đều may mắn, sự sung túc cho mọi nhà.

Kể Khan – khúc tráng ca Ê đê

Tiệc vui sẽ diễn ra cho đến tận đêm. Khi đó, người dân trong làng không ca hát, nhảy múa nữa mà họ tập trung lại, ngồi quây quần bên nhau để nghe già làng hoặc một người giỏi giang, hiểu biết rộng kể Khan – khúc tráng ca truyền thống của người Ê đê. Trong không gian yên tĩnh của đất trời, giọng kể của già làng lúc trầm hùng lúc nhẹ nhàng, đầm ấm như đưa người nghe quay về với không khí cổ xưa trong âm hưởng của bản hùng ca với hình ảnh những dũng sĩ như Đăm San, Đăm Di đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào của người dân trong khắp buôn làng.

Lễ ăn cơm mới là dịp để người dân Ê đê hồi ức lại quá khứ hào hùng của họ và trong không khí mùa xuân của năm mới, đây là khoảng thời gian để họ ăn uống, ca hát thâu đêm, để rồi sau đó lại bắt tay vào một vụ mùa mới với mong muốn mùa màng bội thu, ấm no và may mắn.

Nguyễn Hồng (t.h)