Vẫn còn những… “vùng lõm”
Hơn 10 năm công tác chủ yếu ở các địa bàn vùng khó của tỉnh Điện Biên nên cô giáo Lò Thị Diên, trường Mầm non Hua Thanh, huyện Điện Biên (Điện Biên) chứng kiến nhiều đổi thay của giáo dục miền núi.
Từ những ngày còn phải đi bộ vượt núi, băng rừng gọi học sinh, đến nay công tác huy động, duy trì sĩ số đã được đảm bảo và nề nếp hơn. Những con đường từ nhà tới trường ngắn lại và bớt phần gian nan. Song cô Diên thừa nhận vẫn còn những “vùng lõm” ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình giảng dạy.
Đơn vị cô Diên công tác hiện có 1 điểm trường trung tâm và 5 điểm lẻ. Năm học 2021 – 2022 cô phụ trách điểm Nậm Ty – cách trung tâm gần 20km đường đồi núi. Đáng nói, do điểm này chưa có điện lưới quốc gia nên cô Diên không chỉ gặp khó trong đời sống, sinh hoạt, mà quá trình giảng dạy, áp dụng phương pháp mới cũng bị hạn chế.
“Mỗi tuần tôi phải dành trọn hai ngày nghỉ (thứ 7 và chủ nhật) để soạn giáo án, nghiên cứu bài giảng và thiết kế, chuẩn bị tài liệu, đồ dùng học tập cho cả tuần sau. Nhiều bài giảng phải sử dụng máy chiếu nhưng tôi phải in thành tranh, ảnh để thay thế… Mang tiếng dạy ở trường gần thành phố nhưng vì không điện, không đường nên khó khăn vô cùng”, cô Diên tâm sự.
Nhiều điểm trường nằm cách xa trung tâm hàng chục km, giao thông đi lại hết sức khó khăn. |
Còn tại huyện biên giới đặc biệt khó khăn Nậm Pồ thì hiện có 15 trường mầm non, 130 điểm trường lẻ, với gần 7.000 trẻ theo học tại 293 nhóm, lớp. Theo ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Năm học vừa qua tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp giảm 1,5% so với kế hoạch tỉnh giao. Trong đó, riêng tỷ lệ huy động trẻ từ 3 – 36 tháng tuổi giảm 3,6%. So với năm học 2020-2021, địa phương này giảm 14 nhóm, lớp và 213 trẻ.
Nguyên nhân chính của sự giảm sút này được ngành xác định là do thiếu giáo viên mầm non. “Toàn huyện còn thiếu 134 giáo viên mầm non so với quy định. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho triển khai nhiệm vụ của các nhà trường, nhất là công tác phổ cập”, ông Chiến cho hay.
Không những vậy, theo lãnh đạo ngành giáo dục địa phương, điều kiện sinh hoạt của giáo viên tại các điểm trường lẻ còn nhiều thiếu thốn. Đa số các điểm trường xa trung tâm chưa có điện lưới quốc gia (40 điểm trường). Nguồn nước sinh hoạt không ổn định, nhất là vào mùa khô.
“Bởi vậy, không chỉ đội ngũ giáo viên mà các cấp trong ngành cũng đều mong mỏi đề án hỗ trợ mầm non vùng khó sớm được triển khai. Đi cùng với đó là các chính sách bổ sung nguồn nhân lực và bù lấp được những khó khăn đặc thù. Qua đó, tạo điều kiện tốt nhất để nâng cao chất lượng giáo dục”, ông Chiến nói.
Tại nhiều địa phương vùng khó, vì thiếu nhân lực nên áp lực công việc, trách nhiệm của giáo viên mầm non rất lớn. |
Cần sự đồng bộ về chính sách
Theo cô giáo Chu Thị Hải Yến, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Yên (huyện Điện Biên), sự thiếu hụt nhân lực là nguyên nhân chính khiến cho giáo viên mầm non vùng khó càng thêm vất vả. Trên thực tế, trách nhiệm, khối lượng công việc của giáo viên mầm non phải đảm nhiệm hàng ngày rất lớn.
“Nhiều giáo viên phải mang việc trường về nhà, làm thêm giờ, dạy tất cả các môn học bao gồm: Thể dục, âm nhạc và môn đặc thù… Trong khi đó, hiện tại thang bậc lương của giáo viên mầm non lại thấp nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân”, cô Yến cho hay.
Với thực tế này, cô Yến kỳ vọng Đề án mới sẽ có sự quan tâm đồng bộ hơn, đặc biệt là về chính sách đối với giáo viên. “Chúng tôi kiến nghị xem xét lại định mức biên chế giáo viên và các vị trí việc làm trong trường mầm non để đảm bảo thời giờ làm việc cho giáo viên theo quy định. Đồng thời sửa đổi thang bậc lương bằng với giáo viên tiểu học. Có chế độ hỗ trợ dạy thêm giờ, giảm độ tuổi về hưu xuống còn 55 tuổi”, cô Yến nói.
Thực tế những năm qua, để phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, nhiều chính sách đã thực hiện, như: Trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi được hỗ trợ ăn trưa; miễn, giảm học phí cho trẻ 5 tuổi; ưu tiên trong tuyển sinh; chính sách đối với đội ngũ; chính sách đầu tư, phát triển, xã hội hóa…
Những chính sách đồng bộ, nhất là về chế độ đối với giáo viên và học sinh được kỳ vọng là cơ sở pháp lý để giáo dục mầm non vùng khó tiếp tục phát triển. |
Nhờ đó, trong giai đoạn 2015 – 2021, tỷ lệ huy động trẻ ra học tại các cơ sở giáo dục mầm non ở Điện Biên tăng nhanh. Trong đó, độ tuổi nhà trẻ đạt 45,2%, mẫu giáo 99,6%, riêng trẻ 5 tuổi đạt 99,9%. So với mục tiêu cụ thể của Đề án Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 – 2025 thì tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp vượt 10,2%, trẻ mẫu giáo vượt 4,6%.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành Giáo dục Điện Biên, so với nhu cầu thực tiễn vẫn chưa đáp ứng, do sự thiếu cụ thể, đồng bộ từ điều kiện và chính sách. Có thể kể đến như: Chế độ chính sách khuyến khích giáo viên vùng khó khăn chưa được thực hiện triệt để; thiếu biên chế cho giáo dục ở địa phương; một số chính sách chưa theo kịp yêu cầu thực tế; hiệu quả thực của một số chính sách chưa cao, chưa huy động được sự tham gia của toàn xã hội…
Bởi vậy, ngành kỳ vọng đề án hỗ trợ giáo dục mầm non vùng khó sẽ đồng bộ về chính sách và nguồn lực, giúp địa phương tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai. Đặc biệt là ưu tiên nguồn ngân sách để quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, nhà công vụ cho giáo viên vùng khó.
Ngoài ra, sẽ có sự quan tâm cụ thể về chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ vùng đặc biệt khó khăn và nâng mức hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo. Đi cùng với đó là chính sách hỗ trợ trực trưa cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày; giáo viên mầm non dạy ở lớp mẫu giáo ghép, dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số…
“Đây là những cơ sở pháp lý để giáo dục mầm non vùng khó tiếp tục phát triển. Từ đó thu hẹp dần khoảng cách so với vùng có điều kiện thuận lợi”, bà Lò Thị Thời, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên nói.