Kinh tế số và mục tiêu của Đắk Nông đến năm 2030

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Kinh tế số và mục tiêu của Đắk Nông đến năm 2030

Cập nhật: 08/06/2022 | 07:41

Kinh tế số đang là xu thế phát triển tất yếu hiện nay. Định hướng chung, chiến lược quốc gia và kế hoạch của tỉnh về kinh tế số đã có, vấn đề còn lại là làm sao triển khai nhanh chóng và hiệu quả vào các hoạt động thực tế để thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Kinh tế số có thể được hiểu là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistics, tài chính ngân hàng…) mà công nghệ số được áp dụng.

Kinh tế số theo Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nói một cách đơn giản là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số. Mọi lĩnh vực, mọi cá nhân, doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ số làm tốt hơn công việc của mình như dùng camera để giảm số lượng người bảo vệ, hay dùng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy… Đó là số hóa nền kinh tế. Rõ ràng, kinh tế số sử dụng tri thức nhiều hơn và kết quả là giúp tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn.

Trong kinh tế số, hoạt động thương mại điện tử phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian qua. Thống kê từ Bộ Công thương cũng cho thấy, trong 2 năm qua đã có khoảng 2,5 triệu phiên livestream bán hàng mỗi tháng, với sự tham gia của khoảng 50 ngàn nhà cung ứng sản phẩm. Những người dùng cho biết họ sẽ tiếp tục và tăng tần suất sử dụng các nền tảng trực tuyến. Tại Đắk Nông, tỉnh đã và đang xây dựng sàn thương mại điện tử để giúp các doanh nghiệp, người dân giới thiệu, quảng bá, bán các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của tỉnh. Việc bán hàng và mua hàng thông qua hình thức trực tuyến, là một phần không thể thiếu trong phát triển kinh tế số của địa phương. Không chỉ các cửa hàng kinh doanh, kinh tế số cũng đang khiến cho các doanh nghiệp phải thay đổi cách thức vận hành và được xem là sự sống còn để doanh nghiệp phát triển. Đó là nhanh chóng chuyển đổi số để chuẩn hóa quản trị doanh nghiệp và tự động hóa sản xuất, tăng trưởng năng suất lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường thay đổi, cách thức vận hành của các doanh nghiệp chắc chắn cũng phải thay đổi để nhanh chóng thích ứng.

Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 293/KH-UBND về phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu cơ bản là phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 10% GRDP; tỷ trọng kinh tế số từng ngành, lĩnh vực đạt 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt 2%.

Đến năm 2030, Đắk Nông phấn đấu đưa tỷ trọng kinh tế số đạt từ 12% đến 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số từng ngành, lĩnh vực đạt 20%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 100%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 70%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt 3%.

Dù kinh tế số vẫn còn là lĩnh vực rất mới mẻ nhưng bên cạnh sự đầu tư hạ tầng và dẫn dắt của chính quyền địa phương thì sự chung tay đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, các bài học kinh nghiệm quý báu từ các doanh nghiệp sẽ giúp cho việc phát triển kinh tế số đồng bộ và hiệu quả.

Có thể thấy, mục tiêu mà UBND tỉnh Đắk Nông đề ra là khá rõ ràng nhưng muốn để thúc đẩy kinh tế số phát triển, ngoài nhanh chóng hoàn thiện về mặt thể chế cho phù hợp và chặt chẽ thì cần ưu tiên đầu tư hạ tầng số, dữ liệu số, nguồn nhân lực, ngân sách đầu tư cũng như các yếu tố đi kèm. Vấn đề quan trọng hơn cả là đòi hỏi tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới toàn diện từ các cấp chính quyền đến doanh nghiệp và người dân.

 

Bình Minh