Giáo viên đang công tác có thể được nhận những loại phụ cấp, trợ cấp nào?
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
21/07/2022 06:58 Bùi Nam
Nữ miền Bắc
Nữ miền Nam
Nam miền Nam
Một số giáo viên có thắc mắc về việc hưởng các loại phụ cấp, trợ cấp trong quá trình công tác.
Bài viết dưới đây xin được tổng hợp các khoản phụ cấp, trợ cấp mà giáo viên đang hưởng theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Ảnh minh họa – Lã Tiến |
Các khoản phụ cấp khi giáo viên công tác trong điều kiện bình thường
Dưới đây là các khoản phụ cấp mà giáo viên được hưởng gồm:
Thứ nhất, phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi.
Mức hưởng: (Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng = Mức lương tối thiểu chung x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.)
Hệ số phụ cấp: gồm các mức 25%, 30%, 35%, 40%, 45% và 50%. Cụ thể:
Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, các học viện, trường bồi dưỡng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương và các trường chính trị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ nhà giáo giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm và nhà giáo dạy môn khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh): 25%;
Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở đồng bằng, thành phố, thị xã; trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề; các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh: 30%;
Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, thị xã; các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa: 35%;
Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm (đại học, cao đẳng, trung học), trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo và nhà giáo dạy môn chính trị trong các trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề: 40%;
Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy các môn khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng: 45%;
Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa: 50%.
Thứ hai, phụ cấp thâm niên nhà giáo
Điều 4 Nghị định 77/2021/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo như sau:
Nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%
Mức tiền phụ cấp thâm niên bằng hệ số lương theo chức danh nghề nghiệp viên chức cộng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng x mức lương cơ sở do Chính phủ quy định từng thời kỳ x mức (%) phụ cấp thâm niên được hưởng.
Bên cạnh đó, nhà giáo còn được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nếu đủ thời gian hưởng lương ở bậc cuối cùng.
Thứ ba, phụ cấp đặc thù đối với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân, người có trình độ kỹ năng cao dạy thực hành
Nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân ưu tú trở lên hoặc người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được hưởng phụ cấp đặc thù được quy định.
Mức phụ cấp đặc thù = 10% [mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)]
Thứ tư, phụ cấp ưu đãi và phụ cấp trách nhiệm công việc đối với nhà giáo dạy người khuyết tật
Đối với nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập dành riêng cho người khuyết tật hoặc lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập: Phụ cấp trách nhiệm công việc bằng mức 0.3 so với mức lương cơ sở; phụ cấp ưu đãi là 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);
Làm thế nào để hưởng, cách tính phụ cấp dạy trẻ khuyết tật hòa nhập cho thầy cô |
Đối với nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập: 0.3 mức lương cơ sở, cộng phụ cấp 40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);
Đối với nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp hòa nhập cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,2 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi trên mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) như sau: Lớp hòa nhập có từ 5% đến dưới 10% học viên là người khuyết tật: 35%; lớp hòa nhập có từ 10% đến dưới 20% học viên là người khuyết tật: 40%; lớp hòa nhập có từ 20% đến dưới 30% học viên là người khuyết tật: 45%; lớp hòa nhập có từ 30% đến dưới 40% học viên là người khuyết tật: 50%; lớp hòa nhập có từ 40% đến dưới 50% học viên là người khuyết tật: 55%; lớp hòa nhập có từ 50% đến dưới 60% học viên là người khuyết tật: 60%; lớp hòa nhập có từ 60% đến dưới 70% học viên là người khuyết tật: 65%.
Đối với nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp hòa nhập cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,2 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi trên mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) như sau: Lớp hòa nhập có từ 5% đến 10% học viên là người khuyết tật: 5%; lớp hòa nhập có từ 10% đến 20% học viên là người khuyết tật: 10%; lớp hòa nhập có từ 20% đến 30% học viên là người khuyết tật: 15%; lớp hòa nhập có từ 30% đến 40% học viên là người khuyết tật: 20%; lớp hòa nhập có từ 40% đến 50% học viên là người khuyết tật: 25%; lớp hòa nhập có từ 50% đến 60% học viên là người khuyết tật: 30%; lớp hòa nhập có từ 60% đến 70% học viên là người khuyết tật: 35%
Thứ năm, phụ cấp đối với nhà giáo dạy thực hành
Nhà giáo dạy thực hành, dạy tích hợp (sau đây gọi chung là nhà giáo dạy thực hành) tại phòng thực hành, xưởng thực hành của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ với những ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có một trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.
Mức hưởng: phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính theo mức Iương cơ sở, gồm các mức sau đây: 1 yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: mức 0,1; 2 yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: mức 0,2; yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: mức 0,3; 4 yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: mức 0,4.
Các khoản phụ cấp khi giáo viên công tác vùng đặc biệt khó khăn
Theo quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP, các loại phụ cấp, trợ cấp giáo viên được hưởng khi công tác ở vùng đặc biệt khó khăn gồm:
Thứ nhất, phụ cấp thu hút:
Giáo viên được nhận phụ cấp 70% (mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung); thời gian thực tế làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn không quá 05 năm (60 tháng).
Thứ hai, phụ cấp công tác lâu năm
Mức hưởng phụ cấp hàng tháng tính theo mức lương cơ sở và thời gian thực tế làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, cụ thể:
Mức 0,5 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm;
Mức 0,7 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng ĐBKK từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm;
Mức 1,0 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng ĐBKK từ đủ 15 năm trở lên.
Thứ ba, trợ cấp lần đầu
Chế độ phụ cấp, trợ cấp cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn có gì mới? |
Mức trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
Trường hợp có gia đình cùng đến công tác ở vùng đặc biệt khó khăn thì ngoài trợ cấp lần đầu, còn được trợ cấp:
Tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi tính theo giá vé, giá cước thực tế của phương tiện giao thông công cộng hoặc thanh toán theo mức khoán trên cơ sở số kilômét đi thực tế nhân với đơn giá phương tiện vận tải công cộng thông thường (tàu, thuyền, xe ô tô khách);
Trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình.
Thứ tư, trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn
Mỗi năm công tác ở vùng đặc biệt khó khăn được trợ cấp bằng 1/2 mức lương tháng hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) tại thời điểm chuyển công tác ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu (hoặc nơi công tác được cấp có thẩm quyền quyết định không còn là vùng đặc biệt khó khăn). Áp dụng cho giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm trở lên.
Thứ năm, thanh toán tiền tàu xe khi nghỉ phép hoặc nghỉ tết hàng năm
Ngoài tiền lương được hưởng theo quy định của pháp luật còn được thanh toán tiền tàu xe đi và về thăm gia đình theo quy định gồm:
Phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt, nước sạch: Mức trợ cấp 01 tháng: a x (c – d). Mức trợ cấp 01 năm: a x (c – d) x b
Trong đó: a là định mức tiêu chuẩn 6m3/người/ tháng; b là số tháng thực tế thiếu nước ngọt và sạch trong 01 năm; c là chi phí mua và vận chuyển 01 mét khối nước ngọt và sạch đến nơi ở và nơi làm việc của người được hưởng; d là giá nước ngọt và sạch để tính chi phí nước ngọt và sạch trong tiền lương tính bằng giá kinh doanh 01 mét khối nước sạch.
Thứ sáu, phụ cấp lưu động, trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ
Trường hợp được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cử đi học bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm thì được hỗ trợ tiền mua tài liệu học tập và hỗ trợ 100% tiền học phí, chi phí đi lại từ nơi làm việc đến nơi học tập.
Trường hợp công tác tại vùng dân tộc ít người tự học tiếng dân tộc để phục vụ nhiệm vụ được giao thì được hỗ trợ tiền mua tài liệu và tiền bồi dưỡng cho việc tự học tiếng dân tộc ít người bằng số tiền hỗ trợ cho việc học tập ở các trường, lớp chính quy.
Thứ bảy, phụ cấp ưu đãi theo nghề
Phụ cấp ưu đãi theo nghề bằng 70% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)
Thứ tám, phụ cấp lưu động
Mức hưởng phụ cấp = 0,2 so với mức lương cơ sở, áp dụng đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục đang làm chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục mà phải thường xuyên đi đến các thôn.
Thứ chín, phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số
Mức hưởng phụ cấp = 50% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Trên đây là các loại phụ cấp, trợ cấp mà giáo viên có thể được nhận trong quá trình công tác.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.