Chuyển đổi số trong giáo dục – tất yếu để “học tập suốt đời”
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
Phan Thế Hoài
Chuyển đổi số mang lại những lợi ích rất lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Công nghệ big data (dữ liệu lớn) giúp phân tích hành vi học tập của người học để có hỗ trợ, tư vấn phù hợp. Bên cạnh đó, Tài nguyên học liệu mở giúp kiến thức được lan toả nhanh chóng và người học chủ động.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục – tất yếu để “học tập suốt đời”
Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số thứ 2 sau lĩnh vực y tế. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của giáo dục và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục có tác động rất lớn đối với sự phát triển của đất nước.
Chuyển đổi số mang lại những lợi ích rất lớn như: nâng cao chất lượng giáo dục. Công nghệ big data (dữ liệu lớn) giúp phân tích hành vi học tập của người học để có hỗ trợ, tư vấn phù hợp. Tài nguyên học liệu mở, giúp người học, người dạy kết nối với kiến thức hiệu quả dù họ ở đâu và trong khoảng thời gian nào.
Để thực hiện đề án Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý giáo dục, tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá thông minh.
Việc triển khai giảng dạy AI (trí tuệ nhân tạo) trong trường phổ thông là một trong những hoạt động nhằm thực hiện đề án. Từ năm học 2022 – 2023, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm giảng dạy AI trong chương trình chính khóa ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Cùng với đó, năm học 2022 – 2023, Thành phố Hồ Chí Minh dành 35% thời lượng để dạy học trên Internet. Theo lãnh đạo ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, việc tổ chức dạy học trên Internet nhằm tăng cường khả năng tự học, sự tích cực học tập, tăng đọc hiểu của học sinh. Có kiểm tra đánh giá sẽ giúp thầy cô lượng hóa được học sinh. Khi kiểm tra thầy cô sẽ biết học sinh có tự học hay không.
Chuyển đổi số nhìn từ đại dịch COVID-19
Vào thời điểm tháng 5/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo đã có báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 gửi đến các đại biểu Quốc hội cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV. Trong đó, báo cáo nêu rõ những khó khăn của quá trình dạy, học online trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Theo đó, có 43% giáo viên gặp khó khăn khi học sinh không hợp tác trong quá trình học online và 35,5% giáo viên gặp khó khăn khi cha mẹ học sinh không hỗ trợ, hợp tác. Có 26,5% học sinh gặp khó khăn trong việc giao tiếp với thầy, cô dưới hình thức online.
Nhóm tác giả của Bùi Quang Dũng, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết, việc chuyển đổi hình thức học tập truyền thống sang học tập online đã tạo ra không ít những thách thức đối với sinh viên Khoa Du lịch. Cụ thể, có 73,7% sinh viên cảm thấy gò bó, không được đi lại. Những yếu tố tâm lý như “khó tập trung”, “thiếu động lực” cũng là một trong những rào cản mà sinh viên gặp phải khi học tập online.
Triển khai dạy học online đi từ một tỉ lệ nhất định
Nếu không thể thay thế hoàn toàn thì việc dạy và học online theo một tỉ lệ nhất định (khoảng 35%) ở các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có điều kiện về cơ sở vật chất và bắt buộc ở tất cả các trường đại học, cao đẳng trên cả nước là tỉ lệ khả thi.
Dẫu biết rằng, chuyển đổi số trong giáo dục còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: cơ sở vật chất nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học; cơ sở dữ liệu số hóa chuyên ngành đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về nhân lực, việc xây dựng kho học liệu số nếu làm không bài bản sẽ gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc; hành lang pháp lí dạy học online vẫn còn bất cập; việc xây dựng chương trình học, kiểm tra, đánh giá online không phải một sớm một chiều là có thể làm được.
Để chuyển đổi số trong giáo dục mang lại hiệu quả đòi hỏi học sinh, sinh viên phải nâng cao khả năng ngoại ngữ. Quyết định phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022-2030”, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 25/11/2022 có nội dung, đến năm 2030, tất cả trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông thành lập hoặc duy trì thường xuyên ít nhất một câu lạc bộ ngoại ngữ và hội nhập quốc tế, cũng nhằm mục đích này.Tuy nhiên, phương pháp dạy và học online vẫn gặp thách thức về công nghệ, cách đánh giá năng lực người học…
Nhìn vào việc dạy học online ở các nước phát triển thì đơn giản hơn nhiều. Giáo sư Trương Nguyện Thành (Tiến sĩ Hóa tính toán tại Đại học Minnesota, Giáo sư Danh dự Đại học Utah) chia sẻ, vào thời điểm cuối năm 2020 và 2021, tại căn hộ của ông ở Thành phố Hồ Chí Minh, 2 giờ sáng mỗi ngày trong tuần ông thức dậy và giảng dạy cho gần 500 sinh viên ở Mỹ dễ dàng, thuận tiện, cả thầy và trò không gặp bất cứ khó khăn gì.
Cũng theo Giáo sư Trương Nguyện Thành, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, những người tổ chức đào tạo thường nghĩ việc học tập trực tiếp rất ổn thỏa, dạy online là thừa. Trong khi đó, các trường đại học tại Mỹ và những nước tiên tiến khác hiểu rằng hệ thống dạy online và quản lý lớp học là một công cụ hỗ trợ giảng viên đào tạo tốt hơn nữa chứ không phải công cụ thay thế.