Chọn nghề tránh “ngồi nhầm vị trí” trong tương lai

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Đăng Chung – Hồng Hải

 

0:00/0:00
0:00
GD&TĐ – Ngay đầu vào lớp 10, trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chủ động tư vấn giúp học sinh định hướng nghề nghiệp, tránh “ngồi nhầm vị trí” trong tương lai.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa tư vấn tuyển sinh cho học sinh.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa tư vấn tuyển sinh cho học sinh.

Giúp trò chọn hướng đi phù hợp

Cô Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa cho biết, năm nào nhà trường cũng tổ chức chương trình tư vấn cho học sinh. Việc tư vấn hướng nghiệp được thực hiện liên tục 3 năm (lớp 10 đến lớp 12), mỗi năm có cấp độ và mức độ khác nhau để các em định hướng lựa chọn ngành, nghề.

Năm học 2022-2023, dự kiến số học sinh lớp 10 của nhà trường là 675 em, chia làm 15 lớp. Thực hiện chương trình GDPT 2018, trường chia làm 6 mô hình lớp học, 5 lớp liên kết quốc tế.

Theo cô Nhiếp, tổ hợp KHTN chia làm 3 mô hình: Mô hình 1 (Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Tin học); Mô hình 2 (Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Tin học); Mô hình 3 (Vật lí, Hóa học, Sinh học, GDKT&PL, Tin học). Còn KHXH: Mô hình 1 (Lịch sử, Địa lí, GDKT&PL, Vật lí, Tin học); Mô hình 2 (Lịch sử, Địa lí, GDKT&PL, Hóa học, Tin học); Mô hình 3 (Lịch sử, Địa lí, GDKT&PL, Sinh học, Tin học).

“Đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT 2018, có nhiều môn học lựa chọn khác nhau. Vì vậy, ngay khi có điểm chuẩn thi lớp 10, nhà trưởng tổ chức buổi tư vấn nhập học giúp phụ huynh và học sinh có thể lựa chọn mô hình lớp, tức chọn những môn học phù hợp với việc lựa chọn nghề và chọn trường sau này. Đó là một trong những giải pháp giúp giảm tối đa việc học trò bị thất nghiệp hay học những ngành, nghề không như mong muốn…”, cô Nhiếp chia sẻ.

Chọn nghề tránh “ngồi nhầm vị trí” trong tương lai ảnh 1
Cô Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa chia sẻ với Báo GD&TĐ.

Để chọn được mô hình lớp học đúng đắn, học sinh nhận định được điểm mạnh, điểm hạn chế của mình.

“Ngay từ lớp 10, chúng tôi cho các em làm bài trắc nghiệm Holland (trắc nghiệm tính cách), xem tính cách của các em phù hợp ngành, nghề nào.

Đồng thời, phân tích cho các em hiểu các mô hình lớp học phù hợp với từng đối tượng như thế nào. Mô hình các lớp KHTN phù hợp với học sinh có tố chất học tập tốt các môn KHTN, chắc kiến thức KHTN từ THCS. Phù hợp với học sinh chọn nghề nghiên cứu, kĩ thuật nghiệp. Các lớp KHXH phù hợp với học sinh có tố chất học tập tốt các môn KHXH; phù hợp với học sinh lựa chọn nghề nghệ thuật, xã hội, quản lý…” cô Nhiếp cho biết.

Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa đưa ra 5 nguyên tắc “vàng” trong định hướng nghề nghiệp cho học sinh: chọn nghề, chọn trường, chọn và sắp xếp phương án xét tuyển, chắc cơ bản, chiến lược. Trong đó, quan trọng nhất là tư duy chọn nghề trước. Chọn nghề từ việc học sinh yêu thích rồi mới đến việc các em có khả năng, năng lực.

Việc lựa chọn ngành, nghề phù hợp góp phần tạo kết quả tốt trong kỳ thi cũng như sự thành đạt của học sinh trong tương lai, cô Nhiếp nhấn mạnh.

Dạy kiến thức song song trải nghiệm

Nhằm xây dựng hoạt động giáo dục hiệu quả, bắt đầu từ năm 2021 trường THPT Yên Hòa không có lớp chọn. Thay vào đó là chương trình lớp liên kết quốc tế, nhà trường kết hợp với 2 đơn vị ACET và SACE Education Vietnam tổ chức dạy học ielts cho học sinh.

Cô Nhiếp chia sẻ, trước đây tiếng anh không phải thế mạnh nhưng từ khi triển khai chương trình liên kết, nhà trường luôn lọt top 10 trường có điếm tiếng anh cao nhất Hà Nội. Năm học 2021- 2022, 52,5% học sinh có chứng chỉ tiếng anh để xét tuyển vào các trường đại học. Chủ yếu học sinh đạt 6.5 ielts trở lên.

Chọn nghề tránh “ngồi nhầm vị trí” trong tương lai ảnh 2
Giáo viên trường THPT Yên Hòa tư vấn hỗ trợ thí sinh trong việc nhập học và hướng nghiệp.

Ngoài giáo dục kiến thức, rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh là nhiệm vụ trọng tâm của trường THPT Yên Hòa. Thực hiện tốt nhiệm vụ đó, nhà trường lấy chương trình GDPT 2018 làm cốt lõi, quay xung quanh xây dựng dạy học theo chủ đề.

Trường thường xuyên tổ chức họat động ngoại khóa, trải nghiệm và dạy học tăng cường để củng cố kĩ năng kiến thức, tâm lý làm bài cho học sinh. Đơn cử, nhà trường kết hợp với tổ chức phi chính phủ tổ chức hoạt động trải nghiệm đi Mai Châu – Hòa Bình cho học sinh lớp liên kết quốc tế. Sau chuyến đi, các em nhận được Chứng chỉ tình nguyện tương đương 48h hỗ trợ cộng đồng vào hồ sơ tình nguyện, cô Nhiếp cho biết.

Bên cạnh đó, trường THPT Yên Hòa chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên có chuyên môn, năng lực cao. Đồng thời, cuối năm làm phiếu trưng cầu ý kiến, ghi nhận mặt tích cực, hạn chế để sửa đổi kịp thời, nhanh chóng.

Trong công tác giáo dục, cùng với nhà trường, phụ huynh đóng vai quan trọng giúp học sinh phát triển toàn diện. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều phụ huynh chưa hiểu con mình, đặt nặng áp lực điểm số với các em.

Chia sẻ về điều này, cô Nhiếp đưa ra một số lời khuyên dành cho phụ huynh. Đầu tiên, phụ huynh không nên so sánh con mình với những đứa trẻ khác bởi mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, chúng có năng lực khác nhau; các con không thể giỏi hết mọi thứ được nên hãy tôn trọng cả điểm mạnh và điểm yếu của con; phụ huynh cần ủng hộ và động viên con hơn là chỉ trích, phê bình. Đặc biệt, hãy luôn lắng nghe con mình….

Được học tập trong môi trường an toàn, lành mạnh với các thầy cô giáo tâm lý nên dù không tham gia nhiều vào các giải quốc tế nhưng đa số học sinh trường THPT Yên Hòa đều thi đỗ vào trường đại học top đầu.