Cần thêm nỗ lực của người học và cộng đồng để xóa mù chữ
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
Trước tình hình tỷ lệ người dân mù chữ vẫn còn cao, hiện nay, công tác xóa mù chữ được các địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao dân trí, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Còn gặp nhiều khó khăn
Thống kê, đến tháng 12/2021, tổng dân số của tỉnh có độ tuổi từ 15-60 tuổi là 464.394 người; trong đó, số người biết chữ là 436.798 người, chiếm 94,06%, cao hơn năm 2020 là 0,94%. Tuy nhiên, số người trong các độ tuổi tăng lên, nên tỷ lệ người mù chữ của tỉnh vẫn còn cao so với chỉ tiêu của cả nước.
Người mù chữ tập trung chủ yếu ở vùng biên giới, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn của tỉnh. Đối tượng mù chữ chủ yếu là người dân tộc thiểu số.
Đến nay, có 7/8 huyện đạt chuẩn mức độ 2 và 1 huyện đạt chuẩn mức độ 1. Năm 2021, một số địa phương đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở địa phương triển khai thực hiện công tác xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ với 17 lớp, thu hút 505 học viên tham gia.
Lớp xóa mù chữ do Phòng GD-ĐT huyện Đắk Glong tổ chức tại xã Đắk Ha |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mù chữ tăng là do tình hình phát triển kinh tế, xã hội đang gặp một số khó khăn nhất định, kết cấu hạ tầng còn hạn chế, tỷ lệ đói nghèo vẫn còn cao, một bộ phận dân trí vùng khó khăn còn thấp, tình trạng dân di cư tự phát đang có diễn biến phức tạp…
Hệ thống trường lớp đã được củng cố, đầu tư xây dựng nhưng do địa bàn dân cư rộng nên khoảng cách từ nhà đến trường của một số học sinh khá xa. Một số vùng điều kiện giao thông đi lại còn khó khăn, ảnh hưởng việc học sinh đến trường, đến lớp. Đây là một trở ngại lớn đối với công tác xóa mù chữ của tỉnh.
Ở một số xã vùng sâu, vùng khó khăn, dân cư sống không tập trung, có nhiều điểm trường lẻ, lớp ghép, nên việc nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm các yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn còn khó khăn. Việc mở các lớp xóa mù chữ chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới và cấp chung cho công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ hằng năm. Việc huy động mở lớp xóa mùa chữ còn gặp nhiều khó khăn nhất định, không đủ nguồn kinh phí để huy động người mù chữ ra học.
Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập
Mặc dù ngành Giáo dục, các cấp chính quyền địa phương hàng năm vẫn có những hình thức để mở các lớp xóa mù chữ nhưng số lượng các lớp hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn.
Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, để giảm được tỷ lệ người mù chữ cần các giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thời gian tới, ngành Giáo dục phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học; tuyên dương học sinh giỏi, học sinh vượt khó học tốt, hỗ trợ gia đình khó khăn tiếp tục cho con đi học.
Các lớp học xóa mù chữ đều thu hút đông đảo người dân tham gia |
Đối với các trường hợp vì nghèo mà mù chữ, bỏ học, ngành phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể sử dụng quỹ xóa đói, giảm nghèo, quỹ khuyến học… để hỗ trợ học bổng, giúp quần áo, sách vở, nhằm tạo điều kiện cho các em yên tâm đến lớp. Các đơn vị, địa phương cần phát huy vai trò của các già làng, trưởng bon, thôn, dòng họ trong việc vận động người mù chữ ra lớp học.
Đối với các lớp xóa mù chữ, thực hiện linh hoạt các phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động phù hợp với bài học, đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ. Giáo viên xây dựng các học liệu, đồ dùng trực quan phù hợp với người học, gắn nội dung dạy học với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Cùng với đó, việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ công tác xóa mù chữ, hỗ trợ cho học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số có nguy cơ bỏ học vì điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn đóng vai trò quan trọng, sẽ được thực hiện thường xuyên hơn.
Bài, ảnh: Nguyễn Hiền