Vừa học nghề, vừa học văn hóa
Hàng năm, vào thời điểm gần kết thúc năm học, Trường THCS Hoàng Diệu (huyện Ea Kar, Đăk Lăk) đều tổ chức chuyên đề giáo dục hướng nghiệp cho học sinh lớp 9. Có năm, nhà trường tổ chức đi trải nghiệm thực tế tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật để các em được nghe tư vấn trực tiếp.
Theo thầy Hiệu trưởng Phạm Đức Tân, mỗi năm trường có từ 3 đến 5 học sinh chuyển sang học nghề sau tốt nghiệp THCS. Một số nghề được các em đăng ký học nhiều, như: Cơ khí chế tạo, điện tử, điện lạnh, sửa chữa ô tô… Thầy Phạm Đức Tân cho rằng, sau khi tốt nghiệp THCS, nếu có ý định chuyển qua học nghề, học sinh cần xác định rõ năng lực, sở trường, sở thích của mình, từ đó chọn nghề phù hợp và quyết tâm theo đuổi mục tiêu.
Trên địa bàn TP Thuận An (Bình Dương), tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký học nghề khá ổn định. Bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân – Trưởng phòng GD&ĐT TP Thuận An thông tin, số học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT công lập khoảng 65%. Tỷ lệ các em học giáo dục thường xuyên gần 10%, vào trường THPT ngoài công lập xấp xỉ 5%. Còn lại, khoảng 15% đăng ký học nghề, 5% không tiếp tục học mà phụ việc nhà, chăm sóc gia đình.
Chia sẻ lý do, bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân cho biết: Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất hằng năm mà các trường THPT công lập lên chỉ tiêu trình sở GD&ĐT phê duyệt. Thực tế mỗi năm các trường THPT công lập chỉ tiếp nhận được khoảng 70% số học sinh dự thi; một bộ phận không dự thi vào THPT công lập, các em nộp thẳng hồ sơ vào trường trung cấp nghề. Theo học các trường này, học viên vừa có bằng trung cấp nghề, vừa được bổ túc kiến thức văn hóa THPT và chỉ sau 3 năm các em tốt nghiệp và tham gia thị trường lao động.
“Giúp các em có định hướng đúng sau tốt nghiệp THCS, các nhà trường thường triển khai công tác hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 từ đầu năm học. Đến học kỳ II, trường phối hợp với cơ sở trung cấp nghề trực tiếp đến tư vấn, định hướng cho học sinh. Sau đó, tùy theo năng lực, sở thích, điều kiện, các em đưa ra lựa chọn phù hợp. “Con đường học tập còn dài, có thể sau này các em vừa học, vừa làm và việc học tập suốt đời đang là xu thế hiện nay” – bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân chia sẻ.
“Nhà trường đang đào tạo 8 ngành trung cấp, 21 ngành sơ cấp. Các ngành có cơ hội việc làm tốt như: Công tác xã hội, Kế toán doanh nghiệp, Công nghệ ô tô, Điện lạnh, Điện công nghiệp… Sau 2 năm tốt nghiệp trình độ trung cấp, học sinh sẽ tham gia vào thị trường lao động. Các em được trường giới thiệu việc làm, do đó tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm rất cao; thu nhập vào khoảng 6,5 đến 8,5 triệu đồng, tuỳ năng lực. Ngoài học nghề và văn hóa, trường còn dạy thêm các lớp kỹ năng mềm để sau khi ra trường, học viên có đủ kỹ năng làm việc”, ông Nguyễn Văn Hùng thông tin.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hùng – Trưởng khoa Nghiệp vụ và Đối ngoại, Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ công đoàn Bình Dương (tỉnh Bình Dương), hằng năm, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS địa bàn Thuận An đến đăng ký học nghề tại trường khoảng 400 em. Khi vào trường, học sinh được đào tạo song song, vừa học nghề vừa học văn hóa THPT. Về văn hóa, nhà trường tổ chức học hệ 4 môn và 7 môn. Học sinh học nghề và văn hóa 4 môn sau khi tốt nghiệp sẽ được học liên thông hệ cao đẳng ngay tại trường (nhà trường có liên kết với các trường cao đẳng). Học sinh học nghề và văn hóa 7 môn, sau khi tốt nghiệp sẽ được học liên thông lên đại học.
Cần hướng nghiệp kỹ lưỡng
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp sau THCS, thầy Nguyễn Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) cho rằng: Khi thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, học sinh sẽ hiểu hơn các ngành nghề và nghiêm túc suy nghĩ về sở thích, ước mơ tương lai của mình. Từ đó, các em chọn hướng đi phù hợp với năng lực, sở thích, hoàn cảnh gia đình… góp phần thực hiện tốt công tác tư vấn, phân luồng học sinh sau khi học xong THCS. Đưa lời khuyên, theo thầy Nguyễn Tiến Dũng, phụ huynh và học sinh cần thay đổi suy nghĩ, không chỉ có một con đường sau khi tốt nghiệp THCS là học tiếp THPT.
Ngay từ cấp THCS, học sinh đã được nhà trường tư vấn để các em sớm định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Ảnh: INT |
“Nếu không đỗ vào THPT công lập, các em đừng tự ti, chán nản. Trường nghề giúp các em có cơ hội trở thành công nhân kỹ thuật lành nghề, được đào tạo bài bản. Ngoài thông tin về quyền lợi khi chọn học nghề, các nhà trường thông qua tư vấn, hướng nghiệp cũng nêu rõ những khó khăn phải đối mặt khi học sinh trung bình, yếu học lên THPT bởi chương trình học nặng hơn. Học sinh không theo kịp dễ dẫn đến chán nản và có nguy cơ bỏ học cao.
Trong khi đó, chọn học trường nghề, các em được thực hành là chủ yếu và rút ngắn thời gian học tập, sớm có việc làm phù hợp. Sau 3 năm học tại các trung tâm GDTX hoặc trường nghề, các em vừa có trình độ văn hoá, trình độ tay nghề vững vàng, sẵn sàng tham gia lao động sản xuất, tạo ra thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần xây dựng quê hương. Ngay ở xã Thụy Liên, Khu công nghiệp Liên Hà Thái khi đi vào hoạt động sẽ huy động lực lượng hàng chục nghìn công nhân tham gia”, thầy Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề hướng nghiệp, ThS tâm lý lâm sàng Nguyễn Thị Hồng Nhung – giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng; Phó Giám đốc chuyên môn Công ty Nghiên cứu và Tham vấn Tâm lý Family (Đà Nẵng) nhắc đến việc nên cho trẻ làm trắc nghiệm tính cách Hollandtrong công tác hướng nghiệp. Đây là công cụ hữu ích, khoa họcnổi tiếng trên thế giới và được nhiều trường sử dụng. Bên cạnh đó, theo thống kê, con người có đến 9 loại trí thông minh. Bởi vậy, người lớn cần định hướng dựa trên năng lực thế mạnh, từ đó kích thích đam mê, động lực, giúp trẻ học tốt hơn. Ví dụ, trẻ có năng khiếu hội họa nên hướng đến lĩnh vực nghề nghiệp liên quan, như thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang…
Lưu ý tiếp theo là nhu cầu của trẻ. ThS Nguyễn Thị Hồng Nhung cho rằng, con người có 5 loại nhu cầu (theo tháp nhu cầu maslow): Nhu cầu sinh học (được sống, ăn, mặc, ngủ…); Nhu cầu an toàn (được an toàn, ổn định…); Nhu cầu xã hội (được yêu thương, được tham gia cộng đồng…); Nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu được khẳng định bản thân. Cha mẹ, thầy cô ngoài hiểu năng lực của con/học trò, cần thỏa mãn được các nhu cầu nói trên. Thay vì quyết định, làm hộ, hãy để trẻ tự đưa ra lựa chọn để được thỏa mãn nhu cầu cuối cùng, tự tin thể hiện bản thân.
“Cha mẹ phải tính đến xu thế nghề nghiệp, các ngành, công việc xã hội cần. Cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất, cha mẹ, thầy cô cần xem trẻ thích gì. Khi chọn được ngành học đúng sở thích, đam mê, trẻ sẽ có động lực và dễ dàng vượt qua các trở ngại, khó khăn để phấn đấu vươn lên”. – ThS Nguyễn Thị Hồng Nhung