Số tiền 3.500 tỷ đồng này cho năm đầu tiên, nhằm đáp ứng 70% nhu cầu, các năm tiếp theo sẽ bổ sung 20% mỗi năm. Phương án này dự tính bắt đầu triển khai vào năm học 2023. Liệu có khả thi?
Cần hình dung quy trình của phương án này như sau. Thay vì các gia đình mua SGK cho con, nay con trẻ đến thư viện nhà trường để đọc. SGK sẽ được sử dụng nhiều lần qua nhiều thế hệ, đi thẳng từ nhà in đến từng trường, giảm được chi phí trung gian qua phát hành. Nhà trường chỉ cần đăng ký qua Sở GD-ĐT các tỉnh/thành số bộ sách trên đầu học sinh của từng cấp học, sau đó thành phố/tỉnh lấy tiền ngân sách mua rồi phân phối về cho các trường. Học sinh đến thư viện đọc SGK tại chỗ rồi trả lại cho thủ thư. Hàng năm, sở GD-ĐT các tỉnh chỉ việc bổ sung số đầu sách bị hư hỏng 10%. Cách này tiết kiệm cho Nhà nước và gia đình học sinh.
Một quy trình thoạt nghe thấy rất hợp lý, trơn tru, có lợi cho nhiều phía và đỡ rắc rối cho bộ chủ quản, tránh được búa rìu dư luận hàng năm. Song trước đề xuất này, có nhiều ý kiến khác nhau, đa phần là nghi ngờ tính khả thi của phương án, e rằng bỏ ra số tiền lớn mà kết quả thu về không như kỳ vọng. Một loạt câu hỏi then chốt đặt ra cho phương án:
Thứ nhất, thư viện đọc tại chỗ còn hấp dẫn? Cách nay chừng 15 năm, khi đến bất cứ trường đại học, cao đẳng và trung học trên thế giới và cả ở Việt Nam, tòa nhà to lớn nhất, đẹp nhất bao giờ cũng là thư viện. Thời ấy thư viện được coi là trung tâm của nhà trường, vì nó là nơi chứa trí khôn của nhân loại, do vậy tòa nhà thư viện bao giờ cũng đứng ở tâm điểm của nhà trường và có kiến trúc độc đáo. Ở TPHCM có thể thấy điều này qua các thư viện của Đại học Quốc gia, Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Tôn Đức Thắng…
Ngày nay, thư viện vẫn còn giá trị ở chừng mực nào đó, nhưng số người đến giảm dần từ khi có sự xuất hiện của loại sách điện tử. Theo đó, các thư viện thực hiện số hóa thông tin, người đọc có thể tiếp cận tài liệu không cần tới thư viện. Trong 10 năm trở lại đây, hầu như các trường đại học có xu hướng chuyển sang xây dựng thư viện thông minh, sử dụng triệt để IT. Như vậy việc đưa sách vào thư viện có phải là cách thức khôn ngoan khi thư viện đọc tại chỗ dần mất vị thế trong hệ thống tri thức?
Thứ hai, làm sao có được hệ thống thư viện đủ phục vụ cho hàng triệu học sinh? Các trường phổ thông từ tiểu học đến THCS và THPT hiện nay hầu như không có thư viện. Nếu có cũng chỉ là một phòng học có vài kệ sách, dăm cái bàn, còn sách cũng nghèo nàn, chủ yếu là những loại báo như Khăn Quàng Đỏ, Mực Tím, hay sách đọc giải trí cho thiếu nhi. Do vậy, để làm được điều này Bộ GD-ĐT phải tính đến việc đầu tư lớn vào cơ sở vật chất như phòng ốc, bàn ghế, máy lạnh, máy tính, trang thiết bị khác kèm theo như camera giám sát, nhà vệ sinh, nước uống… cho gần 10.000 trường (5.912 trường tiểu học, 2.341 trường THCS, 292 trường THPT). Kinh phí đó từ đâu? Ngoài ra, để phục vụ học sinh đọc sách cần có thủ thư, cứ mỗi thư viện có 1 thủ thư cả nước cần có thêm gần 10.000 người nữa. Đây là bài toán khó cho các Sở GĐ-ĐT và hiệu trưởng các trường.
Thứ ba, giả sử phòng ốc khang trang có rồi liệu các em có đến đọc SGK? Câu này không khó trả lời, vì hết giờ học cha mẹ đến đón về nhà hoặc đưa con đi học thêm, còn chủ nhật chắc chả cha mẹ nào cho con đến thư viện để đọc sách SGK. Hơn nữa, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… việc mỗi gia đình mua cho con bộ SGK là điều bình thường, nên chúng không cần đến thư viện nhà trường. Hiện nay một vài trường có thư viện riêng, như Trường Trần Đại Nghĩa đầu tư thư viện thông minh với nhiều tỷ đồng, nhưng học sinh đến chủ yếu chơi game, lướt mạng…
Thứ tư, thế giới người ta làm như thế nào? Ở một số quốc gia, học sinh không phải mua SGK, nhưng họ có kế hoạch tái sử dụng. Tại Nga, các em được trường phát sách vào đầu năm và thu lại vào cuối năm để cho khóa sau, học sinh phải cam kết giữ gìn sách cẩn thận. Ở Nhật Bản, SGK được phát miễn phí ở trường công. Phía sau mỗi cuốn đều in thông điệp: “Cuốn SGK này được gửi gắm đến các bạn là những chủ nhân tương lai của Nhật Bản. Sách được cấp phát miễn phí từ tiền thuế của nhân dân. Hãy sử dụng một cách cẩn thận”. Còn tại Mỹ, các nước Bắc Âu, chi phí mua sách do trường chi trả. Học sinh dùng sách tại trường như tài liệu tham khảo, không mang về nhà. Giáo viên dạy chủ yếu dựa vào khung chương trình và ít sử dụng SGK.
Gần đây, nhiều nước triển khai sâu rộng SGK điện tử, nên sách bản giấy cũng giảm bớt số lượng in. Xu thế SGK điện tử có thể trở thành chủ đạo vì nó không tốn tiền in ấn, việc thay đổi cấu trúc, nội dung cũng đơn giản bằng những thao tác trên các phần mềm có sẵn. Mặc dù vậy, cũng có quan điểm nên giữ SGK bản giấy ở cấp tiểu học, vì ở tuổi này cần giáo cụ trực quan hơn các cấp khác.
Câu hỏi cuối cùng, phương án này khả thi ở nơi đâu và cho ai? Cho đến lúc này, mọi người, nhất là giáo viên, nhà quản lý giáo dục đều có chung nhận định phương án này hay nhưng không nên làm đại trà cả nước, chỉ nên tập trung cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng nông thôn còn nghèo. Ở những vùng núi cao ở Tây Bắc, Đông Bắc và Tây nguyên còn nhiều trường học rất khó khăn, Bộ GD-ĐT nên đầu tư cho mỗi trường 1 thư viện đa năng. Theo đó, ở đây không chỉ có sách còn có các hoạt động vui chơi giải trí, hoạt động ngoại khóa như thể thao, nhạc, họa, học các kỹ năng. Bộ GD-ĐT nên làm thí điểm ở một vài nơi trước khi nhân rộng, nhưng không nên làm ở các thành phố lớn, nếu triển khai đồng loạt rất có thể phí phạm 3.500 tỷ đồng từ tiền thuế của dân.
Sáng kiến là cần thiết, nhất là trong giáo dục để tránh lạc hậu, khô cứng. Nhưng việc đề xuất mua SGK đưa vào thư viện các trường cho các cháu học là điều rất khó thực hiện. Đừng cố gắng tốn tiền, vô ích. Coi chừng sáng kiến thành tối kiến.
TS. Nguyễn Minh