Cùng vào cuộc
Theo chia sẻ của các thầy, cô giáo, sự phối hợp các lực lượng trong giáo dục trẻ (gia đình, nhà trường, đoàn thể, hội…) đóng vai trò quan trọng. Nếu phát huy tốt, trẻ từ khi sinh ra, lớn lên được chăm sóc, dạy bảo; sống trong môi trường an toàn; có điều kiện phát triển toàn diện.
“Uốn nắn” từ nhà đến trường là một trong những giải pháp được Trường THCS thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) triển khai có hiệu quả. Trong đó, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh luôn có sự đồng hành của gia đình, nhà trường và xã hội. Theo thầy Phạm Văn Lục, nguyên Hiệu trưởng nhà trường, để hoàn thành mục tiêu giáo dục, đào tạo học sinh cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của cả ba môi trường giáo dục:
Nhà trường – gia đình – xã hội; trong đó, nhà trường là nhân tố giữ vai trò chủ đạo. Trong thực tế, môi trường xã hội bên cạnh tác động, ảnh hưởng tích cực, do thiếu từng trải, ít vốn sống lại hiếu động, trẻ dễ bắt chước theo mặt trái dẫn đến vi phạm chuẩn mực xã hội, tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách.
Xác định vai trò của “3 nhà”, Ban giám hiệu Trường THCS thị trấn Thới Lai có kết hoạch phối hợp cụ thể. Trước tiên, nhà trường xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục học sinh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, thể chất, sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng chống tội phạm, tai nạn thương tích, an toàn giao thông, đuối nước, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường… Phối hợp với gia đình quản lý, giám sát việc học tập, rèn luyện; động viên khen thưởng học sinh có thành tích; giáo dục học sinh chậm tiến bộ.
Trường chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương, chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học; Huy động nguồn lực của cộng đồng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, xây dựng phong trào học tập và đảm bảo môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn. Ban giám hiệu đặc biệt quan tâm, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trong và ngoài nhà trường; Đưa nội dung, mục tiêu giáo dục trong nhà trường vào các tổ chức xã hội trong địa phương như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, nhằm thống nhất định hướng tác động đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.
“Phụ huynh thấy việc giáo dục học sinh của trường hiệu quả, phát huy vai trò nhà trường là trung tâm văn hóa giáo dục của địa phương như tổ chức phổ biến, chuyển giao các tri thức khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội… đặc biệt là kiến thức, biện pháp giáo dục trẻ. Từ đó, cha mẹ hiểu được đặc điểm trong đời sống, tâm sinh lý của trẻ hiện nay, góp phần cải tạo môi trường gia đình và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn”, anh Nguyễn Minh Xuân, phụ huynh học sinh Trường THCS thị trấn Thới Lai, chia sẻ.
Học sinh quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) tham quan, trải nghiệm Khu di tích Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. |
Phát huy giáo dục ngoài trường lớp
Các trường học ở TP Cần Thơ còn thực hiện lồng ghép công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong và ngoài trường học. Hiện, 100% trường học ở thành phố thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa; có Tổ tư vấn tâm lý học đường. Ngành Giáo dục thành phố còn chú trọng các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống để tạo sự đoàn kết, gắn bó trong học sinh. Mỗi cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động trải nghiệm, văn nghệ, thể thao nhằm tạo môi trường thân thiện, gắn kết giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên. Phần lớn các trường đều phối hợp với tổ chức Ðoàn, Ðội để tổ chức chuyến về nguồn, phong trào “Ðền ơn đáp nghĩa”, “Em yêu lịch sử Việt Nam”; xây dựng các mô hình cột mốc Trường Sa, Hoàng Sa…
Nhiều mô hình giảng dạy tích hợp và hoạt động giáo dục trải nghiệm tiêu biểu tại Cần Thơ được thầy, cô giáo, phụ huynh hưởng ứng tích cực như: Giáo dục đạo đức học sinh thông qua mô hình “Sinh hoạt các câu lạc bộ trong trường học” của Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua mô hình “Phòng tư liệu Hồ Chí Minh” của Trường THPT Thuận Hưng; Công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc xây dựng “Văn hóa ứng xử” trong trường học của Trường THPT Trung An; Xây dựng trường học Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn của Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh; Tuyên truyền, giáo dục chủ quyền biển, đảo hay giáo dục phòng chống tội phạm, ma túy trong trường học…
Theo đại diện Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, ngành Giáo dục thành phố thường xuyên phối hợp với sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ giáo viên như: Khai thác và sử dụng mạng xã hội an toàn và hiệu quả; kiến thức, kỹ năng công tác Đoàn, Hội, Đội cho Bí thư Đoàn trường, Tổng phụ trách Đội; thuyết minh di tích, lịch sử, văn hóa tại địa phương; tuyên truyền, giáo dục đảm bảo an ninh, trật tự… Các trường tích cực, chủ động phối hợp với phụ huynh học sinh và chính quyền, đoàn thể trong việc xây dựng, tổ chức, quản lý hoạt động giáo dục học sinh trong trường học và tại địa phương. Nội dung và hình thức rất phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), cho biết: Nhờ phối hợp chặt chẽ nên học sinh có ý thức học tập tốt, động cơ học tập đúng đắn, lý tưởng cao đẹp, tự hào về truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, địa phương. Đa số học sinh chăm ngoan, lễ phép, cố gắng trong rèn luyện đạo đức và lối sống, không có trường hợp học sinh vi phạm đạo đức, lối sống nghiêm trọng. Thành phố không có tình trạng bạo lực học đường nghiêm trọng, hạnh kiểm khá tốt của học sinh chiếm tỷ lệ khá cao, đạt gần 90%.
Ðoàn viên thanh niên, học sinh là lực lượng quan trọng thúc đẩy phong trào, hoạt động tại các đơn vị; lực lượng then chốt trong xây dựng và phát triển thành phố. Vì vậy, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho đoàn viên thanh niên, học sinh luôn là nhiệm vụ cốt lõi được tổ chức Ðoàn, Hội trên địa bàn thành phố quan tâm, thực hiện, được đông đảo đoàn viên thanh niên, học sinh tham gia. Các cấp Ðoàn, Hội đã cụ thể hóa công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho đoàn viên thanh niên, học sinh bằng nhiều mô hình, hoạt động thiết thực và ý nghĩa. – Chị Lư Thị Ngọc Anh, Bí thư Thành đoàn TP Cần Thơ