Tuy nhiên, còn có không ít khó khăn để triển khai hiệu quả việc này. Khắc phục khó khăn cần giải pháp cụ thể và quyết tâm cao của lãnh đạo nhà trường.
Thuận lợi, khó khăn đan xen
Tại Bến Tre, Trường THPT Huỳnh Tấn Phát là một trong những đơn vị có giải pháp mạnh mẽ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số nhằm đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Vinh, nhà trường triển khai hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS), cung cấp bài dạy trực tuyến và quản lý quá trình học tập của học sinh.
Kho tài liệu dạy học trực tuyến được xây dựng để chia sẻ cho người học bằng nhiều hình thức nhằm đa dạng hóa nguồn tài liệu dạy học, như: Lưu trữ trên hệ thống VnEdu LMS, website nhà trường, email lớp, Zalo, Messenger, YouTube, Google classroom…
Giáo viên sử dụng tốt phần mềm, công cụ ứng dụng CNTT hỗ trợ dạy học, xây dựng bài dạy trực tuyến trên bảng điện tử, PowerPoint, phần mềm soạn giáo án E-learning. Tất cả hồ sơ, sổ sách của giáo viên, học sinh đều thực hiện trên môi trường mạng, không sử dụng sổ giấy.
“Trên 30% số tiết học có ứng dụng CNTT, sử dụng phần mềm hỗ trợ dạy học, thực hành, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo… Nhà trường cũng triển khai hiệu quả phương pháp dạy học kết hợp, kiểm tra đánh giá trực tuyến phản ánh tương đối thực chất học sinh. Khi kiểm tra trên phần mềm VnEdu LMS, mỗi học sinh/đề nên không lập nhóm trao đổi đề kiểm tra được”, thầy Nguyễn Quang Vinh cho hay.
Tuy nhiên, thầy Vinh cũng chia sẻ khó khăn khi thiết bị CNTT nhà trường ít; máy tính dùng chung không đủ để đưa CNTT vào việc quản lý, dạy học và đang có tình trạng xuống cấp, hư hỏng. Máy tính phục vụ học tập của học sinh cấu hình yếu, hư hỏng nhiều. Trường không có phòng riêng để giáo viên ghi hình, lồng tiếng vào giáo án E-learning.
Một vài thầy cô còn ngại khó khi ứng dụng CNTT trong giảng dạy; khả năng CNTT chưa cao nên chưa đáp ứng được nhiệm vụ chuyển đổi số. Chất lượng đường truyền chưa ổn định và đa số học sinh học trực tuyến bằng điện thoại nên ít nhiều khó khăn trong tiếp thu bài giảng, kiểm tra đánh giá trực tuyến. Chưa cân bằng được việc học trực tuyến và trực tiếp.
Dù đã tích cực ứng dụng CNTT trong dạy học, kiểm tra đánh giá và đạt kết quả nhất định, nhưng cô Trần Thị Bích Hạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ) thừa nhận còn có khó khăn khi triển khai. Theo đó, nhận thức của một số giáo viên còn bất cập do tuổi cao hoặc khả năng hạn chế.
Một số phụ huynh chưa ủng hộ, chưa muốn thay đổi thói quen truyền thống; có trường hợp thiếu điện thoại thông minh, máy tính để tiếp nhận thông tin, nhiệm vụ học tập từ nhà trường. Cơ sở vật chất, hạ tầng mạng, trang thiết bị chưa đồng bộ, lạc hậu so với yêu cầu đổi mới. Cơ sở dữ liệu của nhà trường còn thực hiện trên nhiều phần mềm, hệ thống khác nhau. Nguồn tài chính dành cho chuyển đổi số hạn chế…
Tại Trường Tiểu học Thụy Sơn (Thái Thụy, Thái Bình), chuyển đổi số phát huy hiệu quả khá tốt trong quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Chanh, nhà trường đã thiết kế sơ đồ hồ sơ điện tử trên website, với các tệp: Hồ sơ của nhà trường, Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, đoàn thể, kế hoạch bài dạy của giáo viên.
Các kế hoạch, báo cáo, quy chế… của trường, đoàn thể, tổ chuyên môn cũng được đăng tải lên hồ sơ điện tử. Trường chỉ đạo cán bộ, giáo viên sử dụng tốt học liệu điện tử, sách mềm phục vụ dạy học; 100% giáo viên đã sử dụng kế hoạch bài dạy điện tử. Nhiều phần mềm trong quản lý được nhà trường sử dụng hiệu quả… Tuy nhiên, nhà trường cũng gặp khó khăn chung là thiết bị còn thiếu; một số giáo viên cao tuổi tiếp cận còn chậm…
THCS Kim Đồng (Tân Lạc, Hòa Bình) là trường có kết quả ứng dụng CNTT khá ấn tượng. Thông tin từ thầy Phó Hiệu trưởng Trịnh Đình Thành, 100% giáo viên nhà trường sử dụng thành thạo các nền tảng số; một số bộ môn đã số hóa việc đánh giá thường xuyên.
Năm học 2023 – 2024, nhà trường thực hiện số hóa trong quản lý giáo án; tiếp tục sử dụng hệ sinh thái của nền tảng trực tuyến OLM trong quản lý, dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh; tạo không gian học tập rộng lớn. Tuy nhiên, nhà trường chưa được phép số hóa học bạ của học sinh do tính pháp lý chưa cao.
Tiết học ứng dụng CNTT tại Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa. |
Dành nguồn lực xứng đáng cho chuyển đổi số
Năm học 2023 – 2024, Trường THPT Huỳnh Tấn Phát triển khai triệt để các ứng dụng và phần mềm trực tuyến phục vụ công tác giảng dạy và học tập, kết nối môi trường mạng nhằm tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện 3 môi trường giáo dục nhà trường – gia đình – xã hội. Tiếp tục thực hiện ký chữ ký số trên học bạ và sổ gọi tên ghi điểm của học sinh 3 khối 10, 11, 12. Đồng thời, số hóa các loại văn bản, giấy tờ của học sinh, giáo viên để lưu trữ được lâu dài và đầy đủ hơn.
“Giải pháp chúng tôi đưa ra là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về tầm quan trọng của việc thực hiện CNTT và chuyển đổi số vào quản lý, giảng dạy và học tập. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; tiếp tục triển khai mô hình trường học điện tử, xây dựng mô hình giáo dục điện tử đáp ứng yêu cầu phát triển trên cơ sở đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, được sự đồng thuận của phụ huynh, các cấp quản lý”, thầy Nguyễn Quang Vinh cho hay.
Còn với Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa, cô Trần Thị Bích Hạnh chia sẻ, năm học 2023 – 2024, nhà trường tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các hoạt động giáo dục. Đồng thời, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và công tác thống kê trong giáo dục.
“Chúng tôi xác định cần thường xuyên rà soát, có kế hoạch mua sắm bổ sung, duy trì, nâng cấp trang thiết bị đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. Đầu năm học 2023 – 2024, nhà trường phối hợp với Viettel nâng cấp đường truyền mạng Internet bảo đảm phục vụ tốt cho việc truy cập mạng của nhà trường. Cùng với đó, bố trí nguồn kinh phí hợp lý, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tìm nguồn tài trợ trang bị cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại phục vụ ứng dụng CNTT trong giảng dạy, học tập”, cô Trần Thị Bích Hạnh chia sẻ.
Tương tự, Trường Tiểu học Thụy Sơn cũng huy động các nguồn lực để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang bị thêm máy tính, tivi cho các lớp học. Tiến tới 100% lớp có máy tính, tivi kết nối mạng tốt để phục vụ dạy học. Đồng thời, tiếp tục bồi dưỡng trình độ tin học cho cán bộ, giáo viên; chủ động tiếp cận các phần mềm, công nghệ mới để phục vụ tốt cho quản lý dạy và học.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2023 – 2024 là tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng CNTT trong dạy và học, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: Bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai nền tảng cung cấp khóa học trực tuyến dùng chung.