Triển khai Chương trình mới với lớp 3: Lưu ý từ chuyên gia, cán bộ quản lý

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Đức Trí

 

0:00/0:00
0:00
GD&TĐ – Với những yêu cầu, đặc thù riêng, Chương trình GDPT mới với lớp 3 đòi hỏi các nhà trường, đội ngũ giáo viên sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt.
Trong giờ học tại Trường Tiểu học thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức (Long An). Ảnh minh họa
Trong giờ học tại Trường Tiểu học thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức (Long An). Ảnh minh họa

“Thấm” mục tiêu, yêu cầu Chương trình mới

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng – Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đã lưu ý giáo viên một số vấn đề cơ bản khi bước vào triển khai Chương trình (CT) GDPT 2018 đối với lớp 3 năm học tới.

Trước hết, việc triển khai vẫn theo tinh thần chung là giáo viên đổi mới phương pháp dạy học trong tổ chức các hoạt động đọc, viết, nghe tại lớp cho học sinh. Thông qua đó phát triển kỹ năng khác với phương pháp dạy học truyền thống.

Giáo viên chuyển từ mục tiêu cung cấp kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh, giờ dạy phải được tiến hành theo hình thức giáo viên là người đứng lớp tổ chức các hoạt động học tập cho người học, thông qua đó học sinh sẽ phát triển được những năng lực mình có hoặc muốn cũng như sự kỳ vọng của bản thân.

Cùng đó, theo PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 đều có sự tiếp nối các năm trước, là tài liệu mở nên giáo viên có thể sử dụng linh hoạt, sáng tạo từ phân bổ thời lượng về bài học, các hoạt động học tập, ngữ liệu, câu hỏi… Giáo viên hoàn toàn có thể dựa vào sách giáo khoa như một tài liệu phục vụ cho việc dạy học chứ không phải tuân thủ nghiêm ngặt như trước đây.

Việc kiểm tra đánh giá ra sao để tương thích với mục tiêu đặt ra cũng cần hết sức lưu ý. Nếu mục tiêu đặt ra là phát triển phẩm chất năng lực người học thì kiểm tra đánh giá thường xuyên và kiểm tra đánh giá định kỳ phải nhất quán với mục tiêu như vậy.

Đối với vấn đề bồi dưỡng, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng cho rằng trước khi dự tập huấn giáo viên cần nghiên cứu kỹ tài liệu được các nhà xuất bản công bố đầy đủ trên kênh thông tin. Nghiên cứu kỹ sách giáo khoa, sách giáo viên, sách bài tập, tài liệu phục vụ tập huấn, video clip bài dạy minh họa… giúp quá trình tập huấn hiệu quả hơn.

Thầy cô tham gia tập huấn cần trở thành người học chủ động và tích cực chứ không nên chỉ ngồi nghe. Nếu báo cáo viên chỉ trình bày một chiều từ đầu đến cuối sẽ không biết giáo viên có nhu cầu gì? Muốn nghe thông tin hướng nào? Hay việc dạy học lớp 1, 2… năm học vừa qua có thuận lợi, khó khăn ra sao? Giáo viên tham gia tập huấn càng chủ động bao nhiêu thì hiệu quả càng cao bấy nhiêu.

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng bày tỏ: Những lưu ý trong triển khai CT, SGK mới đối với lớp 3 về cơ bản không mới nhưng không thừa. Minh chứng là: Năm học vừa qua khi triển khai SGK lớp 6 vẫn còn một số giáo viên chưa phân biệt được việc dạy học theo phát triển năng lực với dạy học theo định hướng cung cấp kiến thức; Nhiều giáo viên Ngữ văn chưa phân biệt được dạy học truyền thống với yêu cầu sách giáo khoa mới…

Điều này một phần do dịch bệnh làm sự tương tác giữa tác giả sách, báo cáo viên nhà xuất bản với giáo viên các địa phương bị hạn chế. Cùng đó giáo viên dạy học sinh theo hình thức trực tuyến nên chưa phát huy hết hiệu quả của sách giáo khoa mới.

Những hạn chế trên khiến cho giờ dạy của giáo viên cơ bản là phương pháp truyền thống, vẫn diễn giải, nói nhiều. Học sinh vốn thụ động nhưng giáo viên chưa có phương pháp kích hoạt, tạo hứng thú nên vẫn ngồi nghe là chính. Như vậy sẽ quay lại với phương pháp dạy học truyền thống, đi chệch yêu cầu của CT GDPT 2018.

Triển khai Chương trình mới với lớp 3: Lưu ý từ chuyên gia, cán bộ quản lý ảnh 1
Ảnh minh họa/ INT

Linh hoạt chuẩn bị nhân lực, nguồn lực

Ông Nguyễn Duy Hải, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD&ĐT Lâm Đồng cho rằng: Năm học 2022 – 2023 triển khai CT GDPT 2018 đối với lớp 3 có lưu ý đặc biệt (Tiếng Anh, Tin học trở thành môn học bắt buộc). Như vậy, công tác chuẩn bị của các nhà trường đối với vấn đề cơ sở vật chất, giáo viên cần chu đáo, bảo đảm để dạy học hiệu quả, thành công.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều địa phương, nhà trường vẫn thiếu giáo viên (đặc biệt giáo viên Tiếng Anh) nên cần linh hoạt trong khâu chuẩn bị. Có thể tiến hành theo nhiều cách như biên chế, hợp đồng, thỉnh giảng… để bảo đảm đủ về số lượng.

Trong nhà trường nếu nhiều lớp, ít giáo viên Tin học tiếng Anh, cần ưu tiên tập trung đội ngũ giáo viên để dạy học tiếng Anh, Tin học cho toàn bộ lớp 3. Với các lớp còn lại không nằm trong định mức tiết dạy có thể thỏa thuận với cha mẹ học sinh về thời lượng, thuê giáo viên để triển khai.

Bên cạnh đó cần chuẩn bị nguồn lực, cơ sở vật chất bởi với môn Tin học. Để “tháo gỡ” hiệu quả đối với trường còn hạn chế về cơ sở vật chất, có học sinh điểm trường cần bố trí đưa học sinh lớp 3 về điểm chính học Tin học hợp lý để có thể huy động phụ huynh hỗ trợ trong việc đưa đón học sinh về trường trung tâm (trường hợp không dồn được học sinh về trường trung tâm).

Ông Hải cũng lưu ý: Tin học và Công nghệ là một môn học nhưng 2 sách giáo khoa riêng biệt. Tin học do giáo viên Tin học dạy, Công nghệ do giáo viên tiểu học dạy. Do đó, giáo viên Tin học muốn giảng dạy Công nghệ phải được bồi dưỡng theo Quyết định 2435 của Bộ GD&ĐT; Cùng đó, địa phương cần hoàn thiện bồi dưỡng 9 Mô – đun cho cán bộ quản lý; giáo viên.

Việc tuyên truyền triển khai CT GDPT mới đối với lớp 3 cùng những nội dung học tập, yêu cầu… cũng cần được tiến hành tới phụ huynh. Từ đó, gia đình, phụ huynh mới hiểu kỹ, chuẩn bị cho con em và đồng hành cùng nhà trường trong quá trình triển khai để tạo hiệu quả tốt nhất.

Cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên lớp 3, Trường Tiểu học Nam Thành Công (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: Triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3, giáo viên mong muốn được trải qua các đợt tập huấn để hiểu rõ ràng ý đồ tác giả sách giáo khoa. Cùng đó có đầy đủ nguồn tư liệu tập huấn chính thống từ nhà xuất bản để tiếp cận, tìm hiểu, mở mang kiến thức chuyên môn. Sự vững vàng, nắm bắt đầy đủ bao nhiêu từ giáo viên là “chìa khóa” để triển khai dạy học tốt bấy nhiêu khi vào năm học.

Để tập huấn hiệu quả, cô Loan mong muốn được cầm sách giáo khoa mới trên tay bởi “Tài liệu trên mạng dù đủ thì việc khai thác cũng không thể thuận tiện, hiệu quả bằng trực tiếp. Mặt khác, bản cứng sách giáo khoa cũng giúp giáo viên có sự cảm nhận về màu sắc, in ấn, cách khai thác trên thực tế hình dung rõ ràng hơn…”.