Thời điểm vàng để phát triển “Mô hình 9 +”

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Luật Giáo dục sửa đổi (hiệu lực từ ngày 1/7/2020) với “Mô hình 9+” đã mở đường cho học sinh tốt nghiệp THCS được học văn hóa kết hợp với học nghề. Tại Đắk Nông, mô hình này đang dần thay đổi suy nghĩ của phụ huynh và học sinh trong học tập, định hướng nghề nghiệp. Phóng viên Báo Đắk Nông có cuộc trao đổi với ông Chung Văn Phong, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật Phương Nam về mô hình này.

P.V: Thưa ông, là đơn vị bắt đầu tuyển sinh và triển khai “Mô hình 9 +” trong năm học 2022-2023, ông có thể nói rõ hơn những lợi ích mà mô hình sẽ mang lại ?

Ông Chung Văn Phong: “Mô hình 9+” đã được áp dụng khá phổ biến ở một số nước tiên tiến như Nhật bản, Singapore và hiện đang được nhân rộng tại Việt Nam. Lợi ích mà mô hình mang lại rất rõ ràng, nổi bật là giúp phân luồng nguồn lao động ngay từ bậc THCS, giảm áp lực cạnh tranh nghề nghiệp cho sinh viên.

Cụ thể, đối với “Mô hình 9+”, ngay sau khi hoàn thành chương trình THCS, học sinh tham gia chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và được học song song kiến thức để hoàn tất chương trình THPT, đồng thời trau dồi kỹ năng nghề nghiệp trong thời gian 2-3 năm. Điều này giúp học sinh giảm thiểu tối đa những áp lực căng thẳng của kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Ngoài ra, “Mô hình 9+” giúp học sinh xác định cụ thể con đường nghề nghiệp mà mình sẽ theo đuổi trong tương lai, sớm tham gia thị trường lao động, nắm bắt ngay cơ hội việc làm. Đây cũng được coi là một trong những con đường ngắn và phù hợp với năng lực của nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định.

 Đồ họa: Dương Phong

P.V: Để công tác tuyển sinh hiệu quả, từ đó định hướng rõ ràng cho phụ huynh và học sinh, công tác phân luồng cần phải thực hiện từ sớm và có chiều sâu hơn?

Ông Chung Văn Phong: Đây cũng chính là vấn đề đặt ra cho các cơ sở giáo dục. Để mô hình được thực hiện thành công, điều cần thiết là phải thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh khi mà lâu nay việc hoàn thành bậc THPT và vào đại học đã ăn sâu trong nhận thức đại đa số người dân.

Từ thực tế đặt ra, muốn công tác tuyển sinh mang lại hiệu quả thiết thực, lâu dài, chúng ta cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, xã hội về vai trò của GDNN đối với phát triển kinh tế, xã hội, phát triển con người; tăng cường các chính sách quốc gia đối với người lao động có trình độ GDNN; nâng cao chất lượng và hiệu quả GDNN, gắn đào tạo với việc làm, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, nâng tầm thương hiệu của các trường, tăng sự hấp dẫn và thu hút học sinh vào học các cơ sở GDNN.

P.V: Trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật phương Nam đang triển khai công tác tuyển sinh, ông nhận thấy những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình thực hiện “Mô hình 9+” này?

Ông Chung Văn Phong: Trong thời gian qua, Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Phương Nam đã và đang kết nối các cơ sở tuyển dụng trong công tác khảo sát nhu cầu nghề nghiệp, thực hiện đồng bộ kết nối giữa nhà tuyển dụng – nhà trường – phụ huynh, học sinh.

Trường đã phối hợp với Phòng GD-ĐT các huyện, thành phố thực hiện chương trình tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS. Trong tổng số hơn 2.000 học sinh tham gia các buổi hướng nghiệp, có gần 500 học sinh có nhu cầu tham gia “Mô hình 9+”, chiếm tỷ lệ 22,5%. Đây là con số chưa đạt như kỳ vọng, nhưng đã có sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức trong phụ huynh, học sinh.

Tỷ lệ học sinh THCS lựa chọn học nghề (gồm cả Mô hình 9 +1) tăng từ 5% năm học 2018-2019 lên 6% năm học 2021-2022

Trong quá trình thực hiện, chúng tôi nhận thấy, đây là thời điểm, thời cơ dân số vàng. Việc các em học sinh định hướng rõ ràng khi tham gia “Mô hình 9+” sẽ giúp có nguồn lao động tham gia vào thị trường việc làm, đặc biệt là sau thời gian dịch Covid-19 kéo dài.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là làm sao thay đổi nhận thức của phụ huynh học sinh, khi mà hiện nay vẫn còn tâm lý “không ai muốn con mình làm thợ” và “đại học là con đường duy nhất”. Đặc biệt, nghị quyết của HĐND tỉnh Đắk Nông về hỗ trợ học sinh học nghề chủ yếu áp dụng cho học sinh học tại các cơ sở GDNN công lập, không áp dụng cho các cơ sở ngoài công lập, nên sẽ rất thiệt thòi cho người học.

P.V: Vậy nên chăng, việc hỗ trợ cho học sinh học nghề cần công bằng giữa các đơn vị đào tạo, mở thêm những cơ hội cho học sinh tốt nghiệp THCS?

Ông Chung Văn Phong: Đúng như vậy, như đã nói như trên, người thụ hưởng những chính sách này không ai khác là học sinh tỉnh Đắk Nông chứ không phải là cơ sở đào tạo. Vì vậy, chính sách hỗ trợ cần được thực hiện công bằng để tất cả học sinh đều được thụ hưởng.

Được nhận sự hỗ trợ, các em học sinh sẽ có thêm lựa chọn về nơi đào tạo, đồng thời yên tâm hơn trong suốt quá trình học tại trường. Bên cạnh đó, việc công bằng chính sách giữa các đơn vị đào tạo cũng sẽ buộc các trường phải liên tục đổi mới, hiện đại để thu hút học sinh.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông !

Thanh Hằng thực hiện