Thành công từ lớp học đảo ngược (GD&TĐ)
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
Chuyên đề Sự lựa chọn trong nghịch cảnh do Trường THPT Lê Thánh Tôn, Quận 7, TPHCM thực hiện mới đây đã trở thành một cánh cửa rộng mở cho phương pháp mới mẻ này.
Đảo ngược từ người thực hiện
Nếu theo lối dạy cũ, 8 tiết học chỉ dừng lại ở mức độ truyền thụ tri thức giúp các em rèn tốt kỹ năng ghi nhớ, thông hiểu và vận dụng thì nay được chia ra 6 tiết học tại lớp và 2 tiết chuyên đề để giáo viên “mở đường” cho học sinh làm quen với kỹ năng phân tích, tổng hợp và đánh giá. Chìa khóa “lấy học sinh làm trung tâm” đã được xuyên suốt trong quá trình giới thiệu chuyên đề nên vai trò của người học trở nên quan trọng nhằm tạo dựng linh hồn cho buổi sinh hoạt chuyên môn của toàn khối 12 trong trường.
Ngay từ khi bước vào hội trường, không khí làm việc đã bao trùm trong khâu chuẩn bị. Các sản phẩm được trình bày qua kênh hình ảnh chiếm ưu thế từ 2 bức tranh minh họa tác phẩm Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt cho đến các mô hình liên quan đến các nhân vật Mỵ, A Phủ, Tràng, bà cụ Tứ, người vợ nhặt… Hơn chục bộ thời trang sau này mọi người mới biết là do các em thiết kế ai cũng thật sự ngỡ ngàng về đôi mắt thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của các “nghệ nhân” tuổi học trò.
Thật bất ngờ màn mở đầu chuyên đề là 1 clip hình ảnh về dịch bệnh Covid-19 thời gian qua trong cả nước tưởng như không liên quan đến bài học nhưng chính lại là “ngòi nổ” lớn để cho 4 nhóm học sinh đưa ra những suy nghĩ, lựa chọn và bài học cho bản thân về sự chọn lựa trước nghịch cảnh. Thông qua nhân vật Mỵ, Nguyễn Tiến Đạt lớp 12A8 muốn truyền tải thông điệp không bao giờ đầu hàng số phận mà phải học cách chấp nhận nghịch cảnh để vươn tới hạnh phúc cuộc sống. Đó cũng là hình ảnh “giọt nước mắt” mang nhiều tầng ý nghĩa để chuyển tải giá trị các cung bậc khổ đau và sung sướng của đời người mà học sinh Lê Ngọc Yến Xinh lớp 12A10 cảm thức được.
Với em Trịnh Bảo, sự lựa chọn trong nghịch cảnh không chỉ bó hẹp trong trang văn mà còn mở rộng ra trang đời của cuộc sống. Đó là khi con người phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh thì sự lựa chọn đó càng quyết liệt và mạnh bạo hơn. Dù phát biểu còn run vì quá hồi hộp nhưng Bảo cũng đã định hướng được niềm tin cuộc sống và chấp nhận thái độ chung sống với nghịch cảnh. Quay ngược lịch sử, Nguyễn Hoàng Thịnh lớp 12A7 lại so sánh kết thúc truyện của Vợ nhặt với tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao để thấy sự khác biệt giữa kết cấu vòng tròn và kết cấu mở thông qua hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trong ánh mắt Tràng hướng về phía trước.
Không gian hội trường thật sự lắng xuống khi có một học sinh lớp 12A10 chia sẻ hoàn cảnh phải một mình sống chung với người mẹ bị bệnh trầm cảm với bao nhiêu khó khăn bủa vây tưởng như có lúc phải đầu hàng với số phận. Thế nhưng bằng nghị lực vươn lên và chấp nhận định mệnh, em đã vui sống cho đến ngày hôm nay với bao nhiêu điều tốt đẹp đang chờ đón ở phía trước. Đạt phát biểu xong, một cái ôm của cô giáo trong nhóm đã làm cho lòng em ấm lại như có thêm nghị lực bước tiếp dù vẫn còn nhiều chông gai trên đường đời. Một vài học sinh khác cũng có dịp giãi bày nỗi lòng trước đây gia đình đều bị F0 lúc chưa tiêm phòng vắc-xin nhưng chính nhờ trái tim quả cảm và lòng yêu thương của mọi người đã mang lại chiến thắng trước nghịch cảnh.
Không chỉ có áp lực về dịch bệnh, đời sống mà học sinh trong tình hình chung của giáo dục còn mang nặng áp lực điểm số, thi cử, thành tích đè nặng lên đôi vai tuổi học trò. Tuy nhiên, không vì thế mà các em chấp nhận cách học thụ động, tầm chương trích cú, học tủ học vẹt để có điểm số đẹp mà biết vượt qua bằng chính thái độ sống đúng của mình. Những cảm xúc của các em đã được ví như cánh hoa sen mọc giữa bùn lầy nhưng chính nhờ môi trường đó mà nuôi dưỡng được cả cánh đồng sen thơm ngát hương dâng cho đời.
Phụ trách phần Luyện viết, cô Thúy Hằng yêu cầu học sinh dùng phiếu học tập kết hợp trình bày các đoạn văn nghị luận xã hội để làm nổi bật chủ đề bài học. Cùng với các clip do các em dàn dựng, sơ đồ tư duy, kỷ yếu bài học là những sản phẩm được tạo ra từ tay người học thông qua các bản thu hoạch mang tính tập thể rõ nét.
Đến đảo ngược phương thức giảng dạy
Từ những hoạt động của người học thông qua hướng dẫn của người dạy, bước xây dựng mục tiêu được đánh giá là quan trọng nhất giúp định hướng linh hồn chuyên đề thông qua 2 tác phẩm có những nét giao thoa về đặc trưng thể loại, cùng nội dung tư tưởng. Dù ở tác phẩm nào, các nhân vật đều có sự chuyển hóa mà cội nguồn bắt đầu từ sự lựa chọn nghịch cảnh: “Bâng khuâng đứng giữa 2 dòng nước/ Chọn 1 dòng hay để nước trôi?” (Tố Hữu). Chỉ có sự lựa chọn sáng suốt thì con người mới rũ bỏ kiếp áo nô lệ để đến với bầu trời tự do, bắt cái chết phải cúi đầu để sự sống mở đường, hết khổ là vui vốn lẽ đời.
Cũng như Mỵ và A Phủ, cả gia đình Tràng đi từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui với một sức sống tiềm tàng mà không sức mạnh cường quyền nào ngăn cản nổi. Đó cũng là thành công cho bước xây dựng kế hoạch giáo dục thông qua phiếu học tập, sản phẩm và phần thuyết trình của từng đội nhóm. Có được thành công đó bên cạnh sơ đồ veen thì sơ đồ quả núi như một biểu đồ hằng đẳng thức về dòng chảy cuộc đời với nhiều hình sin gấp khúc cũng đem lại phương pháp học tập mới để rèn kỹ năng nghiên cứu và đánh giá cho người học. Tính tích cực chủ động thông qua thảo luận nhóm đã giúp các em đúc kết những bài học quý về quy luật cuộc sống, quy luật tình cảm và quy luật đấu tranh. Nhiều kiến thức về triết học, lý luận văn học, mỹ học cũng được các em làm quen tiếp cận dần thông qua “tiếng còi” hướng dẫn của giáo viên.
Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Hữu Hùng Hào, Phó Hiệu trưởng nhà trường, do khó khăn về dịch bệnh, chuyên đề bị kéo dài thời gian và tính chuyển sang thực hiện trực tuyến. Tuy nhiên với tinh thần tất cả vì học sinh và vì đổi mới phương pháp giảng dạy nên Ban giám hiệu nhà trường vẫn quyết định tổ chức theo kế hoạch đã định trước. Dù tốn công sức và cả vật chất nhưng tất cả đều vui vì chuyên đề thực hiện thành công ngoài mong đợi. Chuyên đề còn giúp các trường bạn, các giáo viên bộ môn có cơ hội vàng làm quen với phương pháp dạy lớp học đảo ngược có nhiều ưu thế nhất là trong tình hình dịch bệnh căng thẳng.