Các giáo viên cho rằng, nghề giáo giờ đây là một nghề nguy hiểm. Thầy cô không còn bất kỳ thứ “vũ khí” nào khiến học sinh “thấy sợ mà học”. Để không mang vạ vào thân, cách duy nhất họ làm là… mặc kệ.
“Giáo viên đánh học sinh bị coi là bạo hành, đuổi ra khỏi lớp bị coi là phản giáo dục, còn không làm gì lại bị nói kém chuyên môn, không biết dạy. Cho nên, khi gặp học sinh ngỗ ngược, phá phách, đa phần giáo viên đều mắt nhắm, mắt mở cho xong chuyện”, cô N.H.T, giáo viên một THCS ở Thái Bình, chia sẻ.
Gần 20 năm trong nghề, cô T. cho rằng “chưa bao giờ, giáo viên phải khép mình đến thế”.
Theo cô T., trước đây, chuyện giáo viên phạt học sinh bằng nhiều hình thức như đòn roi, đứng góc lớp, úp mặt vào tường… không phải hiếm. Thậm chí, nhiều phụ huynh khi được giáo viên mời lên trao đổi còn ủng hộ thầy cô phạt nặng nếu con mình không ngoan.
Nhưng cô T. thừa nhận, giờ đây chính cô cũng không dám áp dụng những hình thức phạt như thế.
“Học sinh bây giờ cấp 2 đã có điện thoại di động. Giáo viên cũng không thể kiểm soát những gì các em đăng tải hay chia sẻ trên mạng xã hội. Dù đôi khi giáo viên phạt – thực tâm muốn học sinh thay đổi, nhưng lại bị các em quay lén, thêu dệt cả những chi tiết không có thực.
Người không chứng kiến toàn bộ câu chuyện rất dễ hiểu lầm, sau đó quy chụp giáo viên không đủ đạo đức, chuyên môn đứng lớp”, cô T. nói.
Muốn phạt trò nhưng lại sợ bị quay trộm, theo cô T., khi không thể nói được, cách duy nhất là… mặc kệ.
Chưa từng gặp học sinh ngỗ ngược thách thức lại giáo viên, nhưng cô T. cho rằng, trong trường hợp này, nếu không kiểm soát được cảm xúc, không có những phương pháp xử lý sáng suốt, tất yếu sẽ dẫn đến những hành vi thiếu chuẩn mực.
“Càng ngày, nghề giáo càng trở thành một nghề nguy hiểm. Giáo viên không còn thứ “vũ khí” nào khiến học sinh thấy sợ mà học. Và dù có làm gì chăng nữa, giáo viên vẫn sẽ là người bị quy trách nhiệm cuối cùng”, cô T. bày tỏ.
Ra trường đi dạy đến nay hơn 2 năm, cô Hà Phương, giáo viên một trường THCS ở Vĩnh Phúc, kể lại, có những khi đi dạy, học sinh quậy phá gây ức chế, nhưng giáo viên không biết phải làm thế nào.
“Đôi khi ở nhà con hư, bố mẹ có thể đánh mắng rất nặng, nhưng đến trường, cô giáo chỉ đánh một roi cũng có chuyện ngay”.
Là giáo viên trẻ, cô Hà Phương thậm chí từng được “mách nước”, khi học sinh không chịu nghe lời dù đã được nhắc nhở nhiều lần, có thể phạt bằng cách… cho học sinh tự tát nhau. Đó là cách rèn học sinh mà giáo viên không cần “đụng tay, đụng chân”.
“Tất nhiên tôi không chọn cách làm vậy, nhưng quả thực dạy học sinh bây giờ rất khó. Học sinh giờ đây có quyền cao hơn rất nhiều, giáo viên thậm chí còn không được la mắng chứ không nói tới roi vọt. Nhiều khi tức phát khóc nhưng cũng không biết làm thế nào.
Nếu không thể khuyên răn, tôi thường chọn biện pháp mạnh hơn như lập biên bản, đuổi học cảnh cáo nhằm răn đe, khiến học sinh thấy sợ mà sửa lỗi”, Hà Phương nói.
Cô giáo này cũng cho rằng, hiện nay, giáo viên đang phải chịu quá nhiều áp lực. Ngoài việc phải hoàn thành bài vở, sổ sách chất chồng, giáo viên còn phải căng mình cân nhắc trong cách ứng xử với học sinh – vốn đang được phụ huynh quá bao bọc.
“Nhiều cha mẹ sẵn sàng “xù lông nhím”, thậm chí kiện lại giáo viên nếu dám đụng vào con em mình. Học sinh khi biết mình được bao bọc và bảo vệ, càng trở nên quậy phá, thiếu tôn trọng thầy cô. Do đó, nhiều giáo viên bây giờ rất nản và không còn yêu nghề nữa”, cô giáo trẻ nói.
Không có biện pháp răn đe, giáo viên khó hoàn thành nhiệm vụ
Từng trách mắng một học trò vì không chịu làm bài về nhà nhiều lần, cô giáo M.T.Q (giáo viên THPT tại Hà Nội) đã bị học trò… chửi ngược lại, thậm chí có hành vi vò nát vở trước mặt cô giáo và cả lớp.
Cô Q. sau đó đã kiến nghị việc này lên ban giám hiệu. Nhà trường quyết định hạ hạnh kiểm của học sinh này xuống mức trung bình trong một kỳ.
Tuy nhiên, để “trả đũa” cô giáo, nam sinh đã có hành vi… tháo van xe của giáo viên.
Dù sự việc đã diễn ra cách đây nhiều năm, nhưng cô Q. cho rằng, đó là bài học khiến cô phải học cách bình tĩnh hơn trong việc giao tiếp với học trò.
“Khi ấy, nếu em học sinh này không tháo van xe mà chọn những cách nguy hiểm hơn để “trút giận” thì hậu quả sẽ ra sao?”, cô Q. đặt câu hỏi.
Theo cô Q., với những học sinh cá biệt như vậy, dù đánh đòn hay đuổi ra khỏi lớp, cũng không mấy ai thông cảm cho giáo viên. Trong trường hợp áp dụng các hình thức kỷ luật khác như hạ hạnh kiểm, đôi khi giáo viên lại bị chính phụ huynh làm to chuyện.
“Cho nên, giờ đây không phải “trăm sự nhờ cô” nữa mà thành “trăm sự đổ vạ cho cô”. Và dù có bị học sinh thách thức, xúc phạm, giáo viên sẽ chẳng thể làm gì”, cô Q. nói
Theo cô Q., dù làm trong ngành giáo dục nhiều năm, nhưng lớp chỉ cần 1 – 2 học sinh cá biệt cũng khiến giáo viên cảm thấy bất lực.
“Nếu giáo viên muốn áp dụng hình phạt cao nhất là đình chỉ cũng cần phải họp hội đồng kỷ luật với rất nhiều khâu, bước. Còn nếu áp dụng các nghiệp vụ sư phạm, phân tích tâm lý, học sinh cũng không nghe.
Trong một lớp, vài em học sinh nghịch ngợm, phá bĩnh cũng đủ khiến giáo viên chán nản, không thể dạy và cũng không còn tâm huyết truyền đạt kiến thức nữa”.
Cô Q. cho rằng, tình trạng ấy nếu kéo dài sẽ khiến giáo viên cảm thấy áp lực, chán chường mỗi khi tới tiết dạy. Cho nên, dù không giáo viên nào muốn phạt học sinh, nhưng nếu không có những biện pháp răn đe, thầy cô rất khó hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy.
LỜI TÒA SOẠN
Áp lực của giáo viên về chuyện kỷ luật học sinh thực sự đang hiện hữu. Không ít thầy cô cho rằng việc tâm sự, khuyên nhủ hay răn đe, với một số học sinh, vẫn không thể giải quyết được vấn đề.
VietNamNet mở diễn đàn “Kỷ luật học đường như thế nào để phù hợp?”, rất mong được sự đóng góp ý kiến của độc giả.
Ý kiến gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!