Chống bệnh thành tích trong giáo dục cần thay đổi từ truyền thông ̣̣(st)
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
Một nguyên nhân góp phần làm trầm trọng thêm bệnh thành tích trong giáo dục là xu hướng truyền thông thường chú trọng hơi quá các danh hiệu, giải thưởng, hoạt động bề nổi hơn là thực chất.
Năm 2006, vừa được bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Thiện Nhân đã phát động cuộc vận động: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích” triển khai rộng rãi trong toàn ngành giáo dục.
Người đứng đầu ngành giáo dục đã nhận thấy bệnh thành tích tồn tại từ lâu và gây nhiều hậu quả tiêu cực nên quyết tâm xóa bỏ. Tuy nhiên, sau khi đạt được một số kết quả nhất định, bệnh thành tích trong giáo dục có dấu hiệu tái phát với nhiều biến tướng.
Bên cạnh các nguyên nhân vụ lợi, trục lợi từ thành tích trong giáo dục của các nhà quản lý, giáo viên và học sinh, thì cách truyền thông cũng có một phần đóng góp vào sự phát triển của bệnh thành tích. Trong các bài viết, thông tin về giáo dục, một số cơ quan, phương tiện truyền thông thường chú ý mô tả, liệt kê các giải thưởng, khen thưởng, thành tích bề nổi, tìm cách tô đậm, gây ấn tượng về các thành tích đó.
Đơn cử như tình trạng lạm dụng danh xưng “thủ khoa” khi nói về học sinh đạt giải nhất trong một kỳ thi nào đó. “Thủ khoa” là một từ ngữ của khoa cử phong kiến, để chỉ một người đứng đầu kỳ thi có tính chất quốc gia. Thế nhưng, hiện nay, danh xưng này được sử dụng cho các trường hợp đứng đầu kì thi tuyển sinh vào một trường THPT, cao đẳng, đại học, kì thi tốt nghiệp của một trường đại học, thậm chí là kì thi thử tốt nghiệp của một cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó là các danh xưng như “vô địch”, “trạng nguyên”, “huy chương vàng”… các từ ngữ có tính chất thậm xưng như “siêu”, “thần đồng”, “xuất sắc”… cũng góp phần gia tăng tâm lý thích ca ngợi trong giáo dục.
Các con số về tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh đậu tốt nghiệp, học sinh đạt điểm cao, học sinh lên lớp, so sánh thứ hạng giữa các cơ sở giáo dục hoặc giáo dục các địa phương… được tô đậm trong các bài viết, bản tin của không ít cơ quan truyền thông.
Ngay cả trong các bài viết tổng kết chặng đường lịch sử của các cơ sở giáo dục, cũng đầy ắp các số liệu về thành tích, danh hiệu, học hàm học vị, chức danh…
PGS.TS Trần Thị Tuyết Hạnh – giảng viên trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội cho biết, việc ganh đua xếp hạng giữa các cá nhân học sinh, giữa các trường, các tỉnh không giúp xây dựng những kỹ năng quan trọng cho học sinh trong thời đại ngày nay.
Về cuộc thi học sinh giỏi quốc gia đang được các địa phương tập trung đầu tư để giành nhiều giải thưởng làm đẹp báo cáo thành tích, PGS Trần Thị Tuyết Hạnh nêu quan điểm: “Thay vì chú trọng vào các cuộc thi thố nặng về lý thuyết cao siêu và chỉ tập trung vào nhóm nhỏ học sinh, có lẽ nên tập trung phát triển các kỹ năng quan trọng này cho đại đa số học sinh để có các thế hệ người trẻ mới đủ kiến thức, thái độ và kỹ năng hội nhập với thế giới”.
Được biết, hiện nay nhiều nước trên thế giới không đánh giá học sinh bằng điểm số, hoặc chỉ công bố điểm số riêng cho từng cá nhân, để giảm áp lực về ganh đua, thành tích. Đồng thời, họ không chạy theo các thành tích bề nổi, các giải thưởng cao siêu mà hướng đến sự phát triển toàn diện cho tất cả học sinh, quan tâm nhiều hơn đến nhóm học sinh yếu thế.
Thiết nghĩ, khi truyền thông cần thay đổi quan niệm về mục tiêu, tiêu chí đánh giá mức độ thành công của giáo dục, từ đó đổi mới công tác truyền thông, không góp phần (có khi là vô tình) cổ súy cho cuộc đua thành tích, thiếu thực chất trong giáo dục.