Chi tiết số lượng giáo viên thừa, thiếu ở khu vực Tây Nguyên
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
28/03/2023 06:37
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Báo cáo tình hình phát triển giáo dục, đào tạo vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2021 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ, giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019 vẫn là bài toán nan giải với vùng Tây Nguyên.
Đến nay, về cơ bản đội ngũ giáo viên của 5 tỉnh vùng Tây Nguyên đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tại Tây Nguyên, số lượng giáo viên vẫn còn thiếu so với quy định ở các cấp học. Ảnh minh họa: Nguyên Phương |
Tuy nhiên, số lượng giáo viên vẫn còn thiếu so với quy định ở các cấp học. Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022 – 2026. Trong đó, năm học 2022 – 2023, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên được bổ sung 2.037 biên chế giáo viên các cấp.
Về số lượng giáo viên, năm học 2020 – 2021, toàn vùng có 82.066 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông, thường xuyên (tăng 8.048 giáo viên so với năm học 2010 – 2011).
Cụ thể: cấp mầm non có 20.219 giáo viên (công lập 14.496 giáo viên, ngoài công lập 5.723 giáo viên; 4.301 giáo viên là người dân tộc thiểu số, đạt tỷ lệ 21%), tăng 7.670 giáo viên so với năm học 2010 – 2011.
Cấp tiểu học có 29.469 giáo viên (công lập 29.075 giáo viên, ngoài công lập 394 giáo viên; 4.314 giáo viên là người dân tộc thiểu số, đạt tỷ lệ 14,6%), tăng 1.302 giáo viên so với năm học 2010 – 2011.
Cấp trung học cơ sở có 21.077 giáo viên (công lập 20.875 giáo viên, ngoài công lập 202 giáo viên, 1.690 giáo viên là người dân tộc thiểu số, đạt tỷ lệ 8,02%), giảm 888 giáo viên so với năm học 2010 – 2011.
Cấp trung học phổ thông có 10.412 giáo viên (công lập 10.149 giáo viên, ngoài công lập 263 giáo viên; 837 giáo viên là người dân tộc thiểu số, đạt tỷ lệ 8,04%), giảm 36 giáo viên so với năm học 2010 – 2011; giáo dục thường xuyên có 889 giáo viên (89 giáo viên là người dân tộc thiểu số, đạt tỷ lệ 10%).
Về tỷ lệ giáo viên/lớp các trường công lập (chỉ tính giáo viên biên chế): Tỷ lệ giáo viên/lớp được tính trên cơ sở số giáo viên đã được tuyển dụng, đang công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Cụ thể đối với từng cấp học như sau:
Tỷ lệ giáo viên/lớp cấp học mầm non của tất cả các vùng trong cả nước đều thấp hơn so với định mức theo quy định. Trong đó, vùng Tây Nguyên đứng thứ năm trong cả nước với tỷ lệ 1,6 (thấp hơn định mức theo quy định là 0,6 và chỉ cao hơn vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ (1,58).
Tỷ lệ giáo viên/lớp cấp học tiểu học của vùng là 1,32 (thấp hơn định mức theo quy định là 0,18 để thực hiện dạy 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học). Đây là tình trạng chung của tất cả các vùng trong cả nước.
Ngoài ra, hiện nay một số địa phương, số lớp tiểu học dạy 1 buổi/ngày còn nhiều hoặc đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày nhưng số buổi/tuần chưa đủ theo quy định (9 buổi/tuần) nên chỉ được giao biên chế theo quy định đối với lớp dạy 1 buổi/ngày là 1,2 giáo viên/lớp.
Tỷ lệ giáo viên/lớp cấp trung học cơ sở của vùng là 1,84 (thấp hơn so với định mức quy định là 0,06; xếp sau vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (1,9) và Đồng bằng sông Cửu Long (1,87). Trong đó, Kon Tum là địa phương có tỷ lệ giáo viên/lớp cấp trung học cơ sở cơ bản đáp ứng được yêu cầu so với định mức quy định (2,0).
Tỷ lệ giáo viên/lớp cấp trung học phổ thông của vùng là 2,15 (thấp hơn so với định mức quy định là 0,1). Một số địa phương trong vùng có tỷ lệ giáo viên/lớp cấp trung học phổ thông cao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu so với định mức quy định.
Về số lượng giáo viên thừa cục bộ và thiếu theo môn học: Đối với cấp tiểu học, các môn học chủ yếu do giáo viên đảm nhiệm chung, chỉ có môn Tin học và Ngoại ngữ (là các môn học mới bắt buộc học từ lớp 3) có giáo viên bộ môn.
Số lượng thừa, thiếu giáo viên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông của vùng Tây Nguyên. Ảnh: Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, giáo viên được phân công giảng dạy theo từng môn, số lượng thừa thiếu giáo viên theo định mức giờ dạy của các môn học cụ thể như sau:
Theo cơ cấu các môn học cấp trung học cơ sở, các môn: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý thừa nhiều giáo viên. Các môn: Giáo dục công dân, Công nghệ, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất và Toán thiếu nhiều giáo viên. Đối với các môn thừa giáo viên, các trường thường bố trí giáo viên Văn dạy thêm Giáo dục công dân, giáo viên Toán dạy thêm Tin học, giáo viên nhóm Khoa học tự nhiên dạy thêm môn Công nghệ.
Đối với cấp trung học phổ thông, nhóm các môn bắt buộc đều còn thiếu giáo viên (chỉ có môn Toán hiện nay số thừa cục bộ đang gần tương đương số thiếu).
Về tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019: Để thực hiện việc nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên theo Luật Giáo dục 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Theo đó, các địa phương đang phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo lộ trình.
Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019 của 6 vùng trên cả nước. Ảnh: Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Tuy nhiên, việc thực hiện đào tạo nâng chuẩn ở các địa phương chưa đồng đều, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo của khu vực theo Luật Giáo dục 2019 còn thấp.
Trong đó, tỷ lệ giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở đạt chuẩn thấp hơn bình quân cả nước, tỷ lệ lần lượt là 73,5% (thấp hơn bình quân cả nước 8,5% và đứng thứ năm trong các vùng, chỉ cao hơn vùng Đông Nam Bộ (70%); 75,2% (thấp hơn bình quân cả nước là 0,1%, đứng thứ tư trong vùng) và 84,8% (thấp hơn bình quân cả nước là 1,6%, đứng thứ năm trong các vùng, chỉ cao hơn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ (81,9%).
Ngành giáo dục đào tạo các địa phương thuộc vùng Tây Nguyên đã tích cực chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục đào tạo của địa phương.
Việc bố trí, sử dụng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ bản đảm bảo theo khung năng lực theo vị trí việc làm, chuyên môn đào tạo, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Triển khai thực hiện tốt các chính sách như thăng hạng, chế độ tiền lương và các phụ cấp theo lương, trợ cấp, đánh giá, khen thưởng… nhằm tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo chuyên tâm với nghề.
Bên cạnh việc được hưởng các chế độ, chính sách chung đối với nhà giáo, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý công tác tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đã được các cấp chính quyền có chính sách ưu tiên, động viên các thầy cô yên tâm công tác.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục luôn được quan tâm, tổ chức các lớp bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng và năng lực, tạo mọi điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức tham gia học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị.
Nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chưa phù hợp với vị trí việc làm đã chủ động tự học tập và đạt chuẩn theo quy định.