Nhựa từ chất thải không được thu hồi, tái chế khiến mỗi năm Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD, theo Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam.
Tại hội thảo các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn, hướng đến giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương ở Bình Định sáng 15/7, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho biết số rác thải nhựa ở Việt Nam mỗi ngày khoảng 19.000 tấn. Một số vùng biển, khi ngư dân kéo lưới thì cứ ba phần cá sẽ có một phần rác thải nhựa.Để giúp Việt Nam tận dụng nguồn tài nguyên rác, Quỹ Môi trường toàn cầu và Chính phủ Na Uy sẽ tài trợ 2 triệu USD khởi động dự án Hỗ trợ quản lý chất thải nhựa đại dương trong bối cảnh phục hồi hậu Covid-19.
Dự án gồm hai hợp phần ở trung ương và địa phương, với 6 mục tiêu, trong đó có tăng cường thu gom rác thải nhựa từ các siêu thị, khách sạn khoảng 22 tấn mỗi năm với siêu thị nhỏ, 73-220 tấn với siêu thị vừa và lớn; thành lập các điểm thu gom theo mô hình ngân hàng rác thải tại khu dân cư lớn, mục tiêu mỗi ngày thu 20-100 tấn nhựa tái chế.Ngoài ra, dự án cũng sẽ hỗ trợ cộng đồng địa phương bằng công cụ thu thập, cung cấp cơ sở hạ tầng lưu trữ, ký gửi rác; thí điểm thu gom khẩu trang, khai thác phương án chuyển rác thành năng lượng cho nhựa không thể tái chế.
Trước mắt trong giai đoạn 5 năm tới, dự án sẽ triển khai hợp phần địa phương, thí điểm tại tỉnh Bình Định với kinh phí khoảng 1,2 triệu USD. UNDP sẽ thiết lập cơ sở thu hồi vật liệu để nâng cao giá trị của chất thải nhựa và vật liệu tái chế với sự tham gia của khu vực tư nhân và lao động thu gom rác phi chính thức (ve chai). Các cơ sở này dự kiến có thể xử lý 2-4 tấn rác thải nhựa mỗi ngày.
Bà Caitlin Wiesen nói: “Chúng tôi cũng sẽ thí điểm mô hình quản lý chất thải trong ngành thủy sản, trong đó khuyến khích ngư dân mang chất thải về bờ sau mỗi chuyến biển. Các nỗ lực chung của chúng ta dự kiến thu gom và ngăn chặn khoảng 5 tấn nhựa thải ra biển mỗi tháng, mục tiêu giảm thiểu 1.000 tấn rác đổ ra đại dương mỗi năm”.Theo Chủ tịch tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long, tăng trưởng du lịch và phát triển các mặt đời sống đã dẫn tới áp lực về rác thải nhựa khi riêng TP Quy Nhơn mỗi ngày phát sinh gần 300 tấn chất thải, trong đó khoảng 70 tấn nhựa. Ông hy vọng dự án sẽ giúp tỉnh thu gom nhựa để tái chế, nâng cao năng lực quản lý cho các cấp, từ đó xây dựng hình ảnh một địa phương du lịch xanh, sạch, đẹp trong mắt khách du lịch.