Việc Lễ ở nước ta thời xưa

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Việc Lễ ở nước ta thời xưa

Lê Tiên Long

Trọng Lễ là cốt cách của người được giáo dục dưới mọi thời đại. Ảnh minh họa: Tư liệu.Trọng Lễ là cốt cách của người được giáo dục dưới mọi thời đại. Ảnh minh họa: Tư liệu.

Lễ là quy tắc quan trọng của đạo Nho, bao gồm phép tắc, chừng mực và lễ tiết. Lễ chủ yếu được thực thi trong triều đình, với các bậc quyền quý và những người được coi là “quân tử”. Lễ đứng trong “Ngũ thường” (năm điều người quân tử cần phải có) mà Khổng Tử tuyên giảng, gồm nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Khổng Tử nói các bậc quân vương cai trị thiên hạ, kiềm chế nhân dân bằng lễ nhạc. Lễ là cái quân vương có thể dùng để trị quốc, để không cần pháp luật hà khắc thiên hạ cũng tự nhiên thái bình; trong khi đó nhạc là cái củng cố giúp lễ trở nên trọn vẹn đầy đủ.

Nước ta mãi đến thời Lê, Nho giáo mới được tôn sùng, lễ nhạc được coi trọng nhất, còn các thời Lý, Trần, sử sách cho biết các triều đình cũng đã đặt lễ, nhạc, phần nhiều mô phỏng quy cách các triều đình Trung Quốc.

Đến tận thời Trần, phong tục cung đình vẫn còn thuần hậu, sinh hoạt trong triều vẫn rất gần với dân gian, như vương hầu vào chầu xong cùng ăn yến thì rải chiếu xếp chăn cùng ngủ chung, lúc uống rượu thì vua quan cùng đứng dậy dắt tay nhau mà hát, sai người đội mo nang, cầm dùi đục làm chỉ huy hiệu lệnh uống rượu mà sử quan Nho giáo thời sau phê là “thô bỉ”, hay tang lễ Thượng hoàng mà nhân dân vào xem chật cung điện.

Năm 1232, vua Trần Thái Tông đã cho “sắp xếp nghi lễ trong triều”, sau đó đến năm 1238, đặt quy chế dùng thuyền và xe cho vương hầu tôn thất và các hàng quan văn quan võ.

Tuy nhiên sử gia thời hậu Lê, Ngô Thì Sĩ, khi bình luận sự kiện vua Trần Thái Tông truy tôn hoàng hậu Lý Oánh, nguyên là vợ của An Sinh vương Trần Liễu, anh vua, làm Hiển Từ Hoàng thái hậu, vẫn cho rằng: “Cả một đời nhà Trần vẫn gọi là đời không có nghi lễ. Việc truy tôn Lý hậu làm Hoàng Thái hậu dễ thường cũng có; hành động sai lầm như vậy, thật đáng chê cười!”.

Năm 1254, vua Trần Thái Tông cũng đề ra quy chế dùng kiệu, dùng ngựa và quân hầu cho họ tôn thất và các quan văn, quan võ, cụ thể “Họ tôn thất thì kiệu hình đầu chim phượng, sơn son; quan tướng quốc thì kiệu hình chim anh vũ, sơn then, lọng dùng sắc tía hoặc sắc xanh, quân hầu nhiều nhất là nghìn người, ít nhất là trăm người”.

Lễ nghi triều Trần đã đi cùng với nhạc. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” thì năm 1335, khi vị đại tướng chỉ huy quân Thần Sách là Đỗ Thiên Hư mất, được Thượng hoàng Trần Minh Tông Thái cho tế bằng nhạc Thái thường, tức loại nhạc nghi lễ cao nhất của triều đình, sử quan có chú thích rằng: “Chỉ có hành khiển khi mất mới được tế bằng nhạc Thái thường. Thiên Hư được tế bằng Thái thường là ân sủng đặc biệt, không kém gì hành khiển”.

Lễ của Nho giáo chú trọng vào bốn phần là “quan, hôn, tang, tế”, tức là lễ trưởng thành cho nam giới, kết hôn, tang lễ và cúng tế. Việc hôn lễ ở triều Trần bị thời sau chê bai nhiều.

Năm 1344, vua Trần Hiến Tông mất 4 năm mới chôn, khiến sử thần Ngô Sĩ Liên bình luận: “Thiên tử mất 7 tháng thì chôn. Hiến Tông đến nay đã mất 4 năm rồi mới táng, vẫn chưa biết lý do vì sao. Có lẽ còn thượng hoàng nên phải theo lệnh chăng? Nhưng lúc ấy cũng không thấy ai đem lễ ra bàn cãi cả”.

Nhưng câu chuyện về lễ tang của Thượng hoàng Trần Nhân Tông cũng thể hiện việc triều Trần giữ Lễ thế nào. Đó là chuyện về hai chiếc thuyền của Bảo Từ Thái hậu là mẹ cả của nhà vua, và Huy Tư Hoàng thái phi là mẹ đẻ ra nhà vua trên đường đưa đám. Theo thể lệ thì thuyền của Bảo Từ được một đoàn tám chiếc kéo dây, thuyền của Huy Tư được một đoàn hai chiếc kéo dây; lính cấm quân có ý tâng công, đem dây kéo buộc thêm vào thuyền Huy Tư. Tướng quân là Trần Hựu nói: “Thuyền của thái hậu được một đoàn tám chiếc kéo dây, là chế độ nhà Trần, cốt để phân biệt kẻ trên người dưới”. Nói rồi, liền lấy gươm chặt ngay dây kéo không hợp lệ đi. Nhà vua Trần Anh Tông khen Trần Hựu là người trung thực.

“Toàn thư” cũng chép rõ về lễ thầy trò thời Trần, khi kể về nhà giáo nổi tiếng đức độ Chu Văn An như sau: “Như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào”.

Lễ trong chuyện tế rất được các nhà Nho thời Lê coi trọng. Giai thoại dân gian truyền lại, được học giả Phan Kế Bính biên soạn vào cuốn “Nam Hải dị nhân liệt truyện”, kể rằng Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi được Công chúa Tiên Dung báo mộng dặn tìm về làng Lam Sơn tỉnh Thanh Hóa gặp Lê Lợi để tôn làm minh chúa đánh giặc Minh. Gặp hôm nhà có giỗ, hai người xuống bếp thổi nấu, trông lên nhà trên, thấy ông Lê Lợi cầm dao thái thịt, vừa thái vừa nhón vào mồm ăn. Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn lấy làm kinh ngạc, bàn riêng với nhau rằng: “Bà Tiên Dung nói lừa chúng ta đây, chứ lẽ đâu khí tượng thiên tử mà lại như thế bao giờ!”.

Hai người liền từ biệt Lê Lợi mà về, trở lại cầu mộng đền bà Tiên Dung, thì bà báo mộng rằng: “Lê Lợi làm vua, trời đã nhất định thế rồi, chỉ vì chưa có thiên tinh giáng đấy thôi”. Hai người quay lại thăm Lê Lợi, thì thấy ông đang đóng cửa đọc quyển thiên thư, mới cùng lạy phục xuống xin được tôn làm chúa để phò tá.

Những năm đầu triều Lê, “Toàn thư” viết rằng, bấy giờ quan tể tướng đều là đại thần khai quốc, không thích Nho thuật. Mãi đến đời Lê Thái Tông, nhà vua mới sai hành khiển Nguyễn Trãi và hoạn quan Lương Đăng định lễ nhạc. Vua nghe theo lời tâu của Lương Đăng, quy định các nghi lễ đại triều, thường triều, tế trời, cáo miếu, ngày thánh tiết, ngày chính đám… cũng như quy chế trang phục của các quan.

Về nhạc thì có nhạc tế Giao, nhạc tế Miếu, nhạc tế Ngũ tự, nhạc cứu khi có nhật thực, nguyệt thực, nhạc đại triều, nhạc thường triều, nhạc cửu tấu khi đại yến, nhạc dùng trong cung…