Trải nghiệm ứng dụng của Toán học trong đời sống

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Đình Tuệ

 

0:00/0:00
0:00
GD&TĐ – Ngày 30/10, chương trình “Ngày hội Toán học mở Hà Nội 2022” (MOD 2022) đã được tổ chức tại Trường THPT Chu Văn An, quận Tây Hồ.
Học sinh tham gia thử sức với trò chơi cờ ô vuông với luật chơi riêng biệt.
Học sinh tham gia thử sức với trò chơi cờ ô vuông với luật chơi riêng biệt.

Đưa Toán học gần gũi với cuộc sống

Chương trình “Ngày hội Toán học mở Hà Nội 2022” với chủ đề: Toán học kết nối – Mathematics Unites được Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội và Trường THPT Chu Văn An tổ chức đã thu hút hàng nghìn học sinh phổ thông, giáo viên, phụ huynh các trường trên địa bàn Hà Nội tham dự.

PGS.TS Lê Minh Hà – Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán nhấn mạnh, Toán là môn học rất quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, khi triển khai Chương trình GDPT 2018 ở các trường phổ thông, nhất là với lớp 10 vẫn có một số vấn đề cần được đặt ra như Toán học trong tương lai thì có vai trò gì, ý nghĩa ra sao?. Chính phủ cũng đã ban hành chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển Toán học.

Trải nghiệm ứng dụng của Toán học trong đời sống ảnh 1
PGS.TS Lê Minh Hà – Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán nhấn mạnh về tầm quan trọng của Toán học trong đời sống.

“Trong nhiều năm qua, với vai trò là đơn vị điều phối các hoạt động của chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển Toán học, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã tổ chức nhiều hoạt động để quảng bá Toán học, trong đó có sự kiện Ngày hội Toán học mở ngày hôm nay. Trong chương trình có nhiều hoạt động trải nghiệm Toán học dành cho học sinh cùng giáo viên, phụ huynh. Qua đó, mọi người sẽ cảm nhận được vẻ đẹp, sự hữu ích và gần gũi của Toán học với đời sống như thế nào” , PGS.TS Lê Minh Hà nói.

Nói thêm về ý nghĩa của sự kiện này, ông Đinh Hữu Lâm – chuyên viên phụ trách môn Toán thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, nhiệm vụ chính trong quá trình dạy và học trong Chương trình GDPT mới là đưa thực tiễn vào trong bài giảng. Trên cơ sở đó sẽ giải quyết được các vấn đề thực tiễn. Dù vậy, thực tế triển khai vẫn còn nhiều thầy cô lúng túng, triển khai chưa tốt. Do đó, sự kiện này được tổ chức để thầy cô có những bài giảng chuyên đề để tiếp cận Chương trình mới một cách trực quan nhất.

Những trải nghiệm thú vị

Với vai trò chủ nhà của sự kiện, thầy Lê Đại Hải – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An bày tỏ niềm tin và sự lạc quan về ý nghĩa cũng như hiệu quả của chương trình “Ngày hội Toán học mở 2022”. Đồng thời, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ cùng với các đơn vị liên quan để tạo nên một không gian trải nghiệm về Toán học thực sự hấp dẫn, khoa học cho các em học sinh, phụ huynh và giáo viên tham dự ngày hội.

Trải nghiệm ứng dụng của Toán học trong đời sống ảnh 2
Học sinh và phụ huynh cùng trải nghiệm tại Ngày hội Toán học mở Hà Nội 2022.

Các hoạt động trải nghiệm gồm có: Bệ phóng Toán học (Math RaMP) – Học viện IEG/Kurio; Thử thách của những nếp gấp – Vietnam Origami Group; Toán học kết nối cuộc sống – Trung tâm toán tư duy POMATH; Trải nghiệm Toán học trong Kỹ thuật và Khoa học – Học viện sáng tạo S3; Eureka: Imagine, Invent & Inspire! – Hệ thống giáo dục Archimedes;

Góc trải nghiệm Toán – Trường THPT Chu Văn An; Math for everyone – Trường Song ngữ Quốc tế Horizon; Du hành Toán học – Trường THPT Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục – ĐHQG Hà Nội (HES). Bên cạnh đó, MOD cũng dành một khu vực trưng bày và giới thiệu các ấn phẩm về Toán và khoa học, do Tạp chí Pi và Công ty CP Đầu tư và phát triển Giáo dục Hà Nội chủ trì.

Trải nghiệm ứng dụng của Toán học trong đời sống ảnh 3
Những kiến thức Toán sẽ được ứng dụng vào thực tiễn sinh động của cuộc sống thông qua nhiều hoạt động.

Là một trong những đơn vị đồng hành cùng chương trình, bà Trần Phương Thảo – Giám đốc điều hành Trung tâm Toán tư duy Pomath cho biết, mục tiêu của đơn vị là nâng cao năng lực tư duy cho học sinh thông qua bộ môn Toán. Đồng thời đề cao tính trải nghiệm và ứng dụng của môn Toán trong đời sống hàng ngày. Các hoạt động trải nghiệm tại chương trình như bàn cờ ô vuông, ghép hình Pentomino, mảnh tranh sáng tạo… giúp học sinh tăng khả năng tư duy, tính toán và có những khám phá tuyệt vời về Toán.

Trực tiếp cùng con trai đang học lớp 7 Trường THCS Nguyễn Du (Phù Lỗ, Sóc Sơn) tới tham dự, chị Lê Thị Quỳnh bộc bạch: “Thực sự lứa tuổi như chúng tôi trước đây chỉ quen với toán qua các phép tính đơn giản. Hôm nay, cả hai mẹ con cùng được tham gia các trò chơi, ứng dụng như ghép hình, cắt giấy ghép tranh, khám phá sách về tư duy Toán mới thấy môn Toán thực sự vô cùng thú vị. Cháu rất thích trò chơi bàn cờ ô vuông với quy luật hóc búa, dù khó nhưng nếu kiên trì sẽ vẫn biết cách xếp sao cho đúng”.