Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT sẽ xóa được ngụy thành tích, nếu thầy cô khách quan
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
Dịp cuối năm học, dư luận xã hội từng có dịp “mắt tròn mắt dẹt” trước hiện tượng cả lớp học đều có giấy khen, phụ huynh học sinh “khoe” giấy khen của con, làm đỏ cả mạng xã hội.
Học sinh nhận được giấy khen dưới muôn vàn nội dung khen, làm cho giấy khen “lạm phát” đến mức độ khó tưởng tượng nổi.
Bức ảnh “cả lớp được giấy khen, mình em lẻ loi” được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội, làm cho hình ảnh giấy khen không còn “lung linh” như trước, đặt ra cho ngành giáo dục bài toán khen cho đúng, cho trúng, cho trung thực.
Ảnh minh họa/INT – Nguồn giaoducthoidai.vn |
Ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học, nêu rõ: “Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không được so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu phê bình, nhắc nhở cũng không phê bình trước lớp mà cần gặp riêng, vì độ tuổi này vô cùng nhạy cảm. Điều này thể hiện nghiệp vụ, lương tâm nghề nghiệp của giáo viên.
Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học, sau đó là Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ: Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan; không cứ phải khen bằng giấy khen mà còn có nhiều cách khác, như: Khen bằng lời khích lệ, khen bằng biểu dương trên lớp…”.[1]
Thực tế “Lạm phát danh hiệu khen học sinh, tiền thưởng phải kêu gọi phụ huynh đóng góp” đã và đang xảy ra trong các cơ sở giáo dục khi đánh giá học sinh theo chương trình cũ.
Giấy khen nhiều, học bạ toàn điểm 10, nên mới có ý kiến cho rằng “Nền giáo dục đang lấy những tờ giấy khen làm thành tích”.
Chương trình mới ở trung học thực hiện hình thức khen thưởng như thế nào?
Năm học 2021-2022, thực hiện chương trình mới ở lớp 6, học sinh lớp 6 sẽ thực hiện hình thức khen thưởng danh hiệu học tập theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT.
Nền giáo dục đang lấy những tờ giấy khen làm thành tích |
Theo đó, khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 06 (sáu) môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có ĐTBmcn đạt từ 9,0 điểm trở lên.
Khen thưởng danh hiệu Học sinh Giỏi đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt; Khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học.
Hoặc, khi học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.
Thực tế như thế nào khi thực hiện Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT?
Tại cơ sở giáo dục người viết đang công tác, có 04 lớp 6, tổng số 146 học sinh, tổng kết cuối năm có 01 Học sinh Xuất sắc (0,7%), 14 em Học sinh Giỏi (9,6%).
Người viết tìm hiểu kết quả khen thưởng của một số trường ở cùng địa bàn, tỷ lệ xấp xỉ 10%, đặc biệt, số Học sinh Xuất sắc rất ít, không đến 1% sĩ số khối 6.
Như vậy, sau khi thực hiện Chương trình 2018 ở lớp 6, đánh giá theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT, điều tích cực dễ thấy nhất, đó là không còn “mưa” giấy khen cuối năm.
Thực hiện đánh giá theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT có xóa được bệnh thành tích trong giáo dục?
Chiều ngày 21/5/2022, cơ sở giáo dục người viết đang công tác tổ chức họp phụ huynh học sinh cuối năm, phòng họp các lớp khối 7,8,9 vỗ tay rôm rả, chỉ duy dãy khối 6 trầm mặc, giáo viên chủ nhiệm lớp 6 xuống văn phòng sau khi họp xong, có người bình thường, có người ưu tư, buồn bã.
Cô giáo H. (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Hơn 10 năm làm chủ nhiệm, đây là kì họp tổng kết cuối năm em buồn nhất.
Khi thông báo kết quả thi đua của lớp, phụ huynh bất ngờ trước số học sinh được khen thưởng cuối năm quá ít, có phụ huynh đã phát biểu “năm ngoái con tôi học lớp 6, cuối năm khen thưởng hơn 2/3 học sinh cả lớp, nay chỉ có 4 em, có phải công tác chủ nhiệm của cô có vấn đề không?”.
Dù giải thích cho phụ huynh hiểu rồi, nhưng cũng có gì đó buồn, khi các lớp khác vỗ tay vui vẻ, còn khối 6 im ắng thầy ạ”.
Ngược lại, thầy T. (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Phụ huynh lớp tôi lại khác, con họ không được khen thưởng cuối năm, như năm ngoái, nhưng họ mong như vậy, mong nhà trường dạy thật, tổng kết đánh giá thật, có vậy con cái mới học thật”.
Khách quan mà nói, khi thực hiện đánh giá, khen thưởng theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT chúng ta thấy không còn tệ nạn lạm phát giấy khen.
Liệu cơn mưa giấy khen chấm dứt được mấy năm, khi năm sau phụ huynh đã hiểu phương thức đánh giá mới, gây sức ép lên thầy cô, lên nhà trường để con em mình có giấy khen?
Người viết tin rằng, nếu không bắt ép giáo viên đăng ký chỉ tiêu đầu năm, giáo viên kiên định đánh giá khách quan, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT sẽ là liều “thuốc” tốt chữa bệnh thành tích trong giáo dục, đầu tiên là dẹp được tệ nạn “mưa” giấy khen cuối năm.
Rất mong quý phụ huynh đừng vì thành tích “ảo” của con em, gây sức ép lên giáo viên và nhà trường, hãy đồng hành cùng thầy cô, trả lại điều quý giá nhất cho giáo dục, đó là giáo dục trung thực.
Tài liệu tham khảo:
– Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT.
[1]https://laodong.vn/giao-duc/bo-gddt-noi-ve-buc-anh-ca-lop-duoc-giay-khen-minh-em-le-bong-818841.ldo
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.