Thanh Hóa thiếu hơn 6.000 giáo viên, Giám đốc Sở Giáo dục gợi ý hướng khắc phục
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
22/07/2022 06:44 Trần Phương
Nữ miền Bắc
Nữ miền Nam
Nam miền Nam
Được biết, tại Thanh Hoá, tháng 12/2021, liên ngành: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính đã tổ chức làm việc với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để thẩm định, tổng hợp số lượng giáo viên còn thiếu của các cấp học.
Sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2022 so với định mức quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh thì số lượng giáo viên còn thiếu của các cấp học ở Thanh Hóa là 6.725 giáo viên.
Cụ thể, theo biên chế giao năm 2022 tại Quyết định số 5438/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa có 50.646 biên chế, trong đó: Mầm non: 15.946; Tiểu học: 16.756; Trung học cơ sở: 12.333; Trung học phổ thông: 5.611.
Nhu cầu biên chế năm học 2021-2022 tính theo định mức quy định tại Quyết định 3185/QĐ-UBND và Quyết định số 3465/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa là 57.321 biên chế, trong đó: Mầm non: 17.634; Tiểu học: 19.877; Trung học cơ sở: 13.865; Trung học phổ thông: 5.945.
Như vậy, so với biên chế được giao năm 2022 thì nhu cầu biên chế các cấp học còn thiếu tại Thanh Hóa là 6.725 chỉ tiêu. Trong đó, Mầm non thiếu: 1.688; Tiểu học thiếu: 3.121; Trung học cơ sở thiếu: 1.532; Trung học phổ thông thiếu: 384.
Có thể thấy, số lượng giáo viên còn thiếu ở Thanh Hóa là rất lớn.
Ngày 20/7, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở Thanh Hóa, đặc biệt là các vùng địa bàn miền núi của địa phương, ông Trần Văn Thức – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết, để giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên cần sự vào cuộc của đầy đủ các cấp, các ngành và địa phương.
Theo ông Trần Văn Thức: “Trước hết, cần phải khẳng định rằng thiếu giáo viên không chỉ ở Thanh Hóa mà nhiều tỉnh thành cũng gặp tình trạng như vậy.
Tại Thanh Hoá, ở cấp trung học phổ thông về cơ bản không quá thiếu và có thể khắc phục trước mắt, tuy nhiên với cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở thì vẫn còn thiếu.
Đặc biệt, có sự chênh lệch giữa khu vực miền núi – miền xuôi và sự chênh lệch giữa các cấp học”.
Thanh Hóa: Giáo viên không được ký hợp đồng mới, còn phải tự đóng BHXH |
Đơn cử như tại huyện Bá Thước hiện có 72 cơ sở giáo dục với 1550 giáo viên và cán bộ giáo dục.
Với số lượng giáo viên như vậy thì huyện đang gặp phải không ít khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng và số lượng tiết học cho học sinh. Đặc biệt khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc tuyển dụng giáo viên các môn học mới như Tin học, Ngoại ngữ hay Nghệ thuật lại càng trở nên thách thức hơn.
Nói về giải pháp khắc phục, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho rằng: “Việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên không chỉ ngành giáo dục làm được bởi ngành giáo dục vẫn chủ yếu đảm bảo về mặt chuyên môn, lo làm sao dạy cho tốt.
Về mặt quản lý, do phân cấp, phân quyền nên các cấp trung học cơ sở, tiểu học và mầm non do các địa phương cấp huyện quản lý.
Do vậy, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, cơ bản các địa phương phải chủ động. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo địa phương phải tham mưu đến Ủy ban nhân dân các cấp huyện thị để tìm cách tháo gỡ và giải quyết.
Ví dụ như có lộ trình phải cử người đi học, vận động con em địa phương đi học…
Trước mắt ngành giáo dục đưa ra những giải pháp như dạy liên trường, kết hợp nhiều hình thức dạy và học, kích hoạt các giải pháp dạy trực tuyến…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá. Ảnh: Đài truyền hình Thanh Hóa |
Đồng thời phải có cơ chế, hướng dẫn việc thực hiện xã hội hóa buổi học thứ hai trong ngày với cấp tiểu học, để kịp thời triển khai thực hiện…
Về lâu dài, để giải quyết căn cơ, bài bản tình trạng thiếu giáo viên hiện nay cần sự chung tay của cả xã hội để tìm một nhóm giải pháp tổng thể, từ công tác dự báo, đánh giá đến chiến lược lâu dài, xem xét nhiều góc độ từ tỉnh đến từng địa phương và ngành có liên quan.
Ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cũng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đưa ra Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến 2030.
Tại các địa phương cấp huyện cần chủ động, tính toán lại xem địa phương mình thiếu như thế nào, tính toán lại định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, để các địa phương xây dựng kế hoạch, có phương án bố trí, sắp xếp, tuyển dụng giáo viên, triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bên cạnh đó phải tuyên truyền vận động, định hướng cho con em mình ở địa phương, cử đi học để sau này phân công công tác làm giáo dục địa phương thì mới có thể lâu bền.
Việc tuyển dụng giáo viên từ miền xuôi đưa lên miền núi thì cũng chỉ được một vài năm rồi kiểu gì cũng phải đưa về, khi đó lại thiếu giáo viên.
Cùng với đó, các địa phương phải có sự chỉ đạo thống nhất của chính quyền cấp tỉnh, thành phố trong việc điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; tổ chức tốt việc bố trí, điều động, phân công giáo viên bảo đảm sát với nhu cầu thực tế của từng trường tránh dẫn đến tình trạng dư thừa cục bộ ở một số cơ sở giáo dục, đồng thời các địa phương phải có cơ chế để trả lương cho giáo viên hợp đồng…
Chỉ có như vậy mới khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp học”.
Nói về chế độ cử tuyển nhưng các đối tượng cử tuyển không trở về địa phương phục vụ theo sự phân công, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết:
“Cơ bản là các đối tượng đều trở về phục vụ tại địa phương. Ở Thanh Hóa cũng như nhiều địa phương khác đều có chế độ cử tuyển gắn liền với chế độ ràng buộc việc bồi hoàn học phí. Do vậy, nếu có định hướng và lựa chọn đối tượng tốt thì việc không trở về địa phương phục vụ là rất hãn hữu”.