Sự trở lại của ‘bóng ma hình nấm’

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Sự trở lại của ‘bóng ma hình nấm’

Vinh Hiếu14/6/2022 – 11:14 (GMT+7)

Ảnh minh họa/INTẢnh minh họa/INT

Ngày 13/6, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Thụy Điển, cảnh báo thế giới phải đối mặt với nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân cao nhất trong nhiều thập kỷ khi số lượng vũ khí hạt nhân toàn cầu được dự báo tăng trở lại trong 10 năm tới.

Ước tính, tổng số đầu đạn hạt nhân trên thế giới hiện là 12.705 đầu đạn, giảm nhẹ so với con số 13.080 đầu đạn vào năm 2021.

Khoảng 90% số vũ khí hạt nhân trên thế giới do Mỹ và Nga nắm giữ. Trong đó, Nga sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với tổng cộng 5.977 đầu đạn, nhiều hơn Mỹ 550 đầu đạn.

Hai quốc gia này đều đã triển khai các chương trình quy mô lớn và tốn kém để thay thế và hiện đại hóa đầu đạn hạt nhân, hệ thống phân phối và cơ sở sản xuất.

Ngoài ra, 7 quốc gia khác đang sở hữu vũ khí hạt nhân gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên. Trong đó, Anh hiện có khoảng 195 đầu đạn hạt nhân với 120 trong số này đang hoạt động.

Israel, quốc gia không công khai thừa nhận sở hữu vũ khí hạt nhân, được cho là đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình. Còn Trung Quốc đang trong giai đoạn mở rộng với hơn 300 hầm chứa tên lửa hiện đại.

Tiến sĩ Wilfred Wan, Giám đốc Chương trình Vũ khí hủy diệt hàng loạt tại SIPRI, nhận định: Tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đều đang gia tăng hoặc nâng cấp kho vũ khí quốc gia.

Hầu hết đều đang “mài giũa” luận điệu về hạt nhân và vai trò quan trọng của vũ khí này trong chiến lược quân sự của họ. Đây là một xu hướng rất đáng lo ngại.

Mối quan hệ giữa các cường quốc trên thế giới hiện đang xấu đi vào thời điểm nhân loại và hành tinh phải đối mặt với một loạt thách thức chung rất đáng quan ngại và cấp bách như dịch bệnh, biến đổi khí hậu…

Các vấn đề này sẽ không thể giải quyết nếu không có sự hợp tác quốc tế. Nhưng trái với mong muốn này, số đầu đạn hạt nhân, thứ vũ khí nguy hiểm đe dọa an nguy của nhân loại, lại đang được đầu tư và phát triển.

Những kỳ vọng rằng các quốc gia sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân sau Chiến tranh Lạnh đang dần đi đến hồi kết. Ngày càng nhiều quốc gia đang đi ngược lại với thỏa thuận hạn chế hạt nhân, nhất là sau khi cựu Tổng thống Mỹ, Donald Trump, rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Đơn cử, chỉ sáu tháng trước, “nước Đức không có vũ khí hạt nhân” là mục tiêu của chính phủ mới do Thủ tướng Olaf Scholz nắm quyền. Nhưng sau cuộc tấn công của Nga vào Ukriane và các mối đe dọa hạt nhân từ Moscow, mục tiêu này càng trở nên khó khăn.

Theo khảo sát của Đài Truyền hình Đức ARD, 52% người được hỏi ủng hộ việc giữ lại vũ khí hạt nhân của Mỹ tại Đức. Một năm trước đó, con số này là 14%.

Chẳng bao lâu nữa, kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga sẽ được tháo gỡ giới hạn bởi Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New Start) được gia hạn sẽ kết thúc vào năm 2026.

“New Start” được cho là thành lũy cuối cùng hạn chế các cường quốc sản xuất vũ khí hạn nhân. Với cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine hiện nay, các chuyên gia nghi ngại một thỏa thuận hợp tác mới sẽ khó xảy ra.

Chưa kể đến nhiều quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân mới như Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên đều nóng lòng được thử sức với loại vũ khí nguy hiểm này. Do đó, viễn cảnh về một thế giới không có vũ khí hạt nhân đang ngày càng xa vời.