Rộng cửa học nghề sau Trung học cơ sở

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Quốc Ngữ

 

0:00/0:00
0:00
GD&TĐ – Không đỗ vào trường công là vấn đề lo lắng của nhiều phụ huynh, học sinh sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Tuy nhiên, con đường học tập của học sinh sau THCS vẫn còn rộng mở, phù hợp năng lực, điều kiện kinh tế.
Giáo viên hướng dẫn học viên thực hành tại Trường CĐ nghề Sóc Trăng.
Giáo viên hướng dẫn học viên thực hành tại Trường CĐ nghề Sóc Trăng.

Hiện nay, với sự phát triển của các trường trung cấp, trường nghề đã mở rộng cơ hội học tập của học sinh. Đặc biệt là học sinh tốt nghiệp THCS chưa trúng tuyển lớp 10 trường THPT công lập vẫn còn nhiều cơ hội học tập ở môi trường giáo dục khác, phù hợp năng lực, điều kiện kinh tế gia đình.

Tại TP Cần Thơ, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2022 – 2023 có khoảng 14.000 thí sinh thi tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập. Trong khi tổng chỉ tiêu tuyển khoảng 11.500 học sinh. Như vậy, sẽ có khoảng 2.500 học sinh không trúng tuyển phải rẽ theo hướng khác và vẫn còn nhiều cơ hội rộng mở để các em chọn lựa học tập.

Phụ huynh cũng đã có cái nhìn thấu đáo hơn về việc học của con em sau bậc THCS. Không còn bằng mọi giá để con em thi đỗ vào lớp 10 trường công, sau này học đại học. Giờ đây, hệ thống các trường trung cấp, trường nghề ngày càng phát triển, đa dạng loại hình học tập. Ngành Giáo dục thành phố đã chỉ đạo các trường THCS tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp với các trường cao đẳng, trung cấp, các trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn tổ chức hướng nghiệp cho học sinh lớp 9. Nhằm đảm bảo thực hiện việc phân luồng học sinh sau THCS, đi đôi với nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học.

Theo bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ): Để thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS, các trường ở quận thực hiện tốt công tác tư vấn. Có học sinh ngay từ đầu đã chọn hướng đi là không chọn học THPT mà học nghề hoặc học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Kết quả là nhiều em học sinh hoàn thành chương trình THCS lựa chọn học nghề, vừa học văn hóa…

Từ giữa tháng 6/2022, sau khi có kết quả tuyển sinh vào lớp 10, Trường Trung cấp nghề Thới Lai (TP Cần Thơ) phối hợp UBND các xã, thị trấn, trường THCS để thống kê danh sách số học sinh không trúng tuyển, không thi vào lớp 10… Trường phân công giáo viên phụ trách địa bàn phối hợp đến từng nhà gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh, học sinh về việc học tập, chương trình đào tạo, các chế độ, chính sách học phí, học bổng, việc làm sau tốt nghiệp… Theo ông Tào Minh Ðạt, Trưởng Phòng Kế hoạch – Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, qua tư vấn hướng nghiệp, hầu hết phụ huynh, học sinh bắt đầu quan tâm và nhận thức đúng đắn hơn về học nghề. Nhất là chọn học nghề phù hợp sức khỏe, sở thích, khả năng, điều kiện gia đình…

TP Cần Thơ hiện có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề các lĩnh vực: y tế, nông nghiệp, thủy sản, kỹ thuật, công nghệ… Qua thống kê các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt từ 80% trở lên, nhiều trường hợp tìm được việc làm ngay khi đang học.

Theo TS Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ: Trường tuyển sinh 14 ngành nghề trung cấp năm 2022. Bậc trung cấp, trường tuyển học sinh tốt nghiệp THCS trở lên hoặc tương đương. Sau tốt nghiệp, trường ưu tiên để xét tuyển các em vào học ngành nghề bậc cao đẳng cùng chuyên ngành hoặc ngành gần; có thể vừa học vừa làm. Các ngành nghề trung cấp thường dễ tìm việc làm như Du lịch lữ hành, Hành chính văn phòng, Nghiệp vụ nhà hàng khách sạn, Tin học ứng dụng… Chỉ cần tốt nghiệp THCS và yêu thích nghề, các em sẽ được xét tuyển.

Rộng cửa học nghề sau Trung học cơ sở ảnh 1
Học viên học nghề phục vụ nhà hàng khách sạn trong giờ thực tập.

Tăng sức hút trường nghề

Tại tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ học sinh tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng ngày một tăng cao. Toàn tỉnh có trên 20.900 học sinh tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng tại các cơ sở đào tạo. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 58,2% năm 2016 lên 70% năm 2020 (tỷ lệ qua đào tạo nghề từ 42% tăng lên 50%). Hiện toàn tỉnh có 28 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp gồm 25 cơ sở công lập và 3 cơ sở ngoài công lập.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Đồng Tháp đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh gần 3.000 học viên; tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm; đào tạo ngoại ngữ – giáo dục định hướng và chờ xuất cảnh cho hơn 1.300 học viên; 820 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng…

Để tăng sức hút, các trường trung cấp, trường nghề ở tỉnh Đồng Tháp tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo và tạo cơ hội việc làm cho học viên. Các trường đã triển khai, thực hiện các hoạt động kết nối tạo điều kiện cho gần 4.000 học sinh, học viên sắp tốt nghiệp tiếp cận với các đơn vị, công ty, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và công ty phái cử để tìm kiếm cơ hội việc làm trong, ngoài tỉnh và ở nước ngoài.

Theo ông Phạm Quang Huy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp: Bên cạnh công tác đào tạo, nhà trường chú trọng việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Nhà trường đã thực hiện kết nối với các công ty, nghiệp đoàn trong và ngoài nước để truyền thông, tuyên truyền, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sắp tốt nghiệp. Qua đó, tạo sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm. Góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, hiệu quả giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên…

Các trường nghề, trung cấp, cao đẳng ở Đồng Tháp còn tổ chức khảo sát nguyện vọng, mong muốn của học sinh, sinh viên về nhu cầu, nơi làm việc, mức thu nhập khi sắp tốt nghiệp hoặc sau khi tốt nghiệp 1 năm. Qua đó, làm căn cứ để nhà trường chủ động cải tiến các chương trình giảng dạy, đào tạo phù hợp với thực tế nhu cầu tuyển dụng.

Năm 2021, qua khảo sát từ các phòng chuyên môn của Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng đạt từ 85 – 95% tại các công ty, nghiệp đoàn, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Đối với lao động tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua công ty phái cử, đạt từ 70 – 80%, với mức thu nhập từ 22 – 35 triệu đồng/tháng.