Đã có sự chủ động linh hoạt trong dạy và học, công tác quản lý. Đây chính là nền tảng quan trọng để tiếp tục triển khai với lớp 4, lớp 5.
Nhanh chóng vào guồng
Cô Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trí Yên (Yên Dũng, Bắc Giang) khẳng định, triển khai Chương trình GDPT mới với lớp 3 ở thời điểm hiện tại cơ bản thuận lợi. 2 môn Tiếng Anh, Tin học thiếu giáo viên đã được phòng Nội vụ trưng tập nhân sự đơn vị khác về dạy nên đảm bảo kế hoạch dạy học. Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học chuẩn bị từ 2 năm trước tạo nền tảng để dạy học lớp 3 vào guồng nhanh.
Về phía đội ngũ giáo viên dạy học lớp 3, cô Huệ trao đổi: “Mất khoảng 2 – 3 tuần đầu còn khó khăn trong thiết kế bài dạy, tiếp cận kiến thức mới. Song thông qua sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, trao đổi kinh nghiệm, tự nghiên cứu tài liệu…, đội ngũ đã vững vàng và triển khai mạch lạc. Chất lượng dạy học theo Chương trình GDPT mới đầy tích cực và hoàn toàn có thể kỳ vọng vào kết quả tốt cuối năm học…”.
Cô Huệ cho biết, học sinh lớp 3 tiếp cận với Chương trình GDPT 2018 khá nhanh, đã thể hiện được khả năng tự chủ, tính chủ động khi tiếp cận vận dụng kiến thức kỹ năng bài học vào thực tế. “Do tiếp cận chương trình mới ở lớp 1, lớp 2 nên sự thích ứng của học sinh lớp 3 khá nhanh. Hiệu quả giáo dục cao hơn so với dạy học theo Chương trình GDPT hiện hành…”, cô Huệ nhìn nhận.
Tại Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên, Hải Phòng), 2 môn Tiếng Anh, Tin học đã triển khai nhiều năm trước, nên việc trở thành môn học bắt buộc, giáo viên, học sinh đều có sẵn nền tảng để phát huy.
Theo cô Hiệu trưởng Vũ Thị Phượng, khó khăn duy nhất khi triển khai lớp 3 theo Chương trình GDPT mới là phải đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy Tiếng Anh, Tin học. Trong khi đó, nguồn giáo viên đào tạo bài bản 2 môn học hạn chế, năng lực giáo viên kiêm nhiệm còn “đuối”. Trường đã “gỡ” khó bằng cách mời giáo viên THCS về thỉnh giảng.
Đánh giá hiệu quả, chất lượng dạy học các môn văn hóa, cô Phượng cho rằng, bước sang năm thứ 3 triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới, đội ngũ giáo viên không còn lúng túng. Sự chủ động thể hiện rõ trong nghiên cứu tài liệu, kế hoạch dạy các môn. Mặt khác, việc nhà trường triển khai sinh hoạt chuyên môn từ trường đến cụm trường, huyện đã mang lại các tiết dạy mẫu cho giáo viên học hỏi trước khi dạy thực tế, vì thế giáo viên “cứng cáp” hơn rất nhiều.
Đối với học sinh, sau 2 năm học theo chương trình mới giúp các em tiếp thu nhanh, tự tin khi bước vào lớp 3. Mặt khác, Chương trình GDPT mới phù hợp với xu thế đổi mới giáo dục nên càng phát huy những giá trị tích cực cho người học và dạy.
Tại Trường Tiểu học Sa Pa (Sa Pa, Lào Cai), việc tiếp nối dạy học Chương trình GDPT mới ở lớp 3 cũng được đánh giá thuận lợi vì giáo viên đã nghiên cứu chương trình tổng thể, chương trình môn học từ năm đầu triển khai. Thầy Hiệu trưởng Dương Xuân Chính chia sẻ, quá trình chuẩn bị và triển khai Chương trình GDPT mới, trường đã tư vấn, lên kế hoạch, tham mưu cấp trên tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học do đó bước sang năm thứ 3, cơ sở vật chất khá đầy đủ, tạo thuận lợi cho dạy học ở lớp 3 và lớp 4, lớp 5 tới đây.
Mặt khác, trường chọn đội ngũ giáo viên dạy học lớp 3 kỹ lưỡng, đảm bảo năng lực chuyên môn nghiệp vụ lẫn số lượng nên phát huy hiệu quả. 2 môn học bắt buộc Tiếng Anh, Tin học đang triển khai thuận lợi bởi trang thiết bị, giáo viên đã đầy đủ. “Khảo sát giữa học kỳ I cho thấy chất lượng học sinh cơ bản tốt. Các em đã tiếp cận nhanh, chủ động, làm quen với việc dạy học có khai thác học liệu điện tử, trình chiếu, công nghệ thông tin… nên chất lượng dạy học khả quan”, thầy Chính nhấn mạnh.
Bồi dưỡng giáo viên triển khai Chương trình GDPT mới tại Trường Tiểu học Sa Pa (Lào Cai). |
Những bài học ý nghĩa
Quá trình triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 3 sau gần 1 học kỳ được cô Vũ Thị Phượng rút ra kinh nghiệm để triển khai lớp 4 đó là: Ban giám hiệu cần sớm sắp xếp nhân sự, kể cả giáo viên dự phòng giảng dạy lớp 4 để có sự chuyên tâm và ý thức trong việc bồi dưỡng, tập huấn, tự học. Với giáo viên được lựa chọn cần sớm giúp giáo viên tiếp cận, nghiên cứu…
Ngoài ra, từ hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên phải thường xuyên bám sát các nội dung tập huấn, chương trình; các demo tiết dạy phải đọc và nghiên cứu rồi cho giáo viên rút kinh nghiệm sớm; yêu cầu soạn giáo án bài giảng trước với những đòi hỏi khác nhau để tổ chuyên môn cùng nghiên cứu, chia sẻ góp ý, rút kinh nghiệm. Về phía nhà trường cần có kế hoạch hỗ trợ học sinh có sức học “non” hơn trong quá trình dạy học. Giáo viên cần dành thời gian tương tác, bồi dưỡng hỗ trợ thêm ngoài giờ cho học sinh…
Ban giám hiệu tiến hành kiểm tra khâu chấm chữa bài của giáo viên từ các môn chính đến môn ít tiết, đảm bảo học sinh được quan tâm, đánh giá thường xuyên, từ đó có định hướng, giúp học sinh cách học tốt nhất. Cần trao đổi, thảo luận, hỗ trợ kịp thời về chuyên môn, tránh để giáo viên bế tắc phương pháp, cách giảng dạy, soạn giáo án. Từ khó khăn của một vài giáo viên cần tổ chức rút kinh nghiệm chung trong tổ chuyên môn và nhà trường.
Từ thực tế của giáo dục Ninh Bình, bà Phạm Thị Tuất, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Ninh Bình) chia sẻ kinh nghiệm để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT mới năm học này và thời gian tới đó là: Sở luôn quan tâm đến đội ngũ, ưu tiên lựa chọn giáo viên giảng dạy các lớp triển khai Chương trình GDPT mới.
Xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán, lấy giáo viên đạt tiết dạy giỏi trong Hội thi giáo viên dạy giỏi của huyện, tỉnh đi giảng bài; chia sẻ phân tích các tiết dạy và trao đổi nội dung chéo giữa các huyện. Mỗi giáo viên phải đáp ứng được yêu cầu cần đạt ở từng khối lớp phụ trách. Cần quan tâm đến công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên trực tiếp về xây dựng kế hoạch giáo dục theo công văn 2345, dạy học tích hợp…
Trong thư viện của nhà trường, lớp có góc dành riêng cho Chương trình GDPT 2018. Khi trang thiết bị dạy học trong bối cảnh khó khăn chung cần khuyến khích giáo viên khai thác trên phần mềm, thiết bị dạy học sẵn có; tự tạo đồ dùng dạy học không phức tạp… để đảm bảo tối đa việc dạy học.
Để triển khai lớp 4 theo Chương trình GDPT mới tốt, công tác quản lý chỉ đạo cần nâng cao hiệu quả, phát huy kinh nghiệm. “Mấu chốt” của đổi mới là nhân sự nên cần được chuẩn bị kỹ về chất và số lượng… – Thầy Dương Xuân Chính