Tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non
Một chính sách nữa để giải quyết thiếu giáo viên là cân nhắc việc giảm biên chế 10%. Số này cân nhắc điều chỉnh ở tỷ lệ là giáo viên. Bộ trưởng đề nghị, các địa phương tăng cường dùng ngân sách địa phương để ký hợp đồng đối với giáo viên mà không thuộc các chỉ tiêu biên chế.
Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội (chiều 27/10), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã làm rõ các ý kiến của nhiều đại biểu khi đề cập đến vấn đề thiếu giáo viên và giáo viên bỏ việc.
Theo Bộ trưởng, hai vấn đề này khác nhau nhưng có mối liên hệ mật thiết. Về việc thiếu giáo viên, ngành Giáo dục đã phối hợp với ngành Nội vụ tính toán và xác định số lượng giáo viên từ nay đến năm 2026 cần phải bù đắp, bổ sung. Con số này lên đến 107.000 và có thể còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Quốc hội. |
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng trao đổi về một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo viên nghỉ việc và chuyển việc. Bộ trưởng cũng thông tin về chỉ số giáo viên dành cho các môn học mới đến năm 2025, 2026. Theo tính toán, còn thiếu 26.228 giáo viên.
Nếu lấy mốc thời gian từ tháng 9/2015, khi bắt đầu năm học 2015-2016 thì tổng số học sinh là trên 19 triệu nhưng đến tháng 9/2022 thì số học sinh là trên 23 triệu. Trong khi đó, số giáo viên tại tháng 9/2015 là 1.156.000 giáo viên bậc mầm non đến phổ thông, đến thời điểm tháng 9/2022, cả nước có 1.227.000 giáo viên. Số giáo viên như vậy chỉ nhích thêm khoảng 71.000 người, trong khi số học sinh đã tăng trên 3 triệu.
Theo Bộ trưởng, một trong các chính sách là tăng lương cho giáo viên. Chính sách này đang được Chính phủ tính toán và sẽ là giải pháp quan trọng để giải quyết đời sống, tâm lý giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác.
Hiện nay, giáo viên thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non. Số nghỉ việc ở bậc mầm non chiếm trên 40%. Bộ trưởng đề nghị, Quốc hội xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non.
Hiện, phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non đang tính 35%. Tốt nhất là tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non tương tự như phụ cấp ưu đãi của y tế cấp cơ sở. Nếu không thì cũng tối thiểu tăng 35% lên 70% ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cơ sở.
Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 27/10. |
Trước đó, trao đổi tại họp tổ và bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu trăn trở trước tình trạng nhiều giáo viên xin nghỉ việc do lương không đủ sống và áp lực công việc.
Đại biểu Siu Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) thông tin: Tính đến tháng 6/2022, tỉnh Gia Lai có 125 viên chức ngành Giáo dục nghỉ việc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không chỉ về chính sách tiền lương, phụ cấp còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống, mà còn là cơ hội thăng tiến đối với họ hầu như không có. Ngoài ra, môi trường làm việc không phát huy được năng lực, trong khi áp lực công việc thì gia tăng.
Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn ĐBQH Hà Giang) cho hay: Cấp tiểu học thiếu giáo viên các môn Tin học và Tiếng Anh. Việc thiếu giáo viên không chỉ ở các tỉnh, thành phố lớn, mà còn xảy ra ở vùng sâu, vùng xa; huyện, xã đặc biệt khó khăn. Đại biểu đề nghị cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cần đánh giá và phân tích rõ tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Sôi động hợp tác, đối ngoại
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam Maria Del Pilar tham quan triển lãm mỹ thuật “Thế giới cần nữ siêu anh hùng”. |
Tối 27/10, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thay mặt Chính phủ Việt Nam dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh Vương quốc Tây Ban Nha. Tại đây, Bộ trưởng cho hay: Hiện nay, có khoảng 2000 du học sinh Việt Nam sinh sống và học tập tại nhiều thành phố của Tây Ban Nha, tập trung chủ yếu vào các ngành và lĩnh vực thế mạnh của nước bạn như: quản trị kinh doanh, du lịch, quản lý khách sạn, truyền thông và kiến trúc
Bộ trưởng tin tưởng, những sợi dây liên kết về văn hóa và giáo dục sẽ rút ngắn mọi khoảng cách địa lý, đưa người dân hai nước đến gần với nhau hơn. Thời gian tới, Việt Nam và Tây Ban Nha sẽ tăng cường các hoạt động giáo dục, trao đổi ngôn ngữ và đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật vì sự phát triển của nền giáo dục hai nước.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và đoàn công tác Bộ Giáo dục và Thể thao Lào chụp hình lưu niệm. |
Chiều 25/10, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã có buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Giáo dục và Thể thao Lào. Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi thông tin, kinh nghiệm về một số nội dung bao gồm tuyển dụng và biên chế giáo viên, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên từng cấp lớp, kinh nghiệm tổ chức hoạt động giảng dạy và quản lý giáo viên tại Việt Nam… Qua đó, thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa hai nước.
Theo kế hoạch hợp tác, Việt Nam tiếp tục dành cho Lào 1.220 học bổng. Về phía Lào, mỗi năm sẽ dành 60 học bổng dài hạn và ngắn hạn cho cán bộ học sinh Việt Nam.
Bên cạnh đó, hai bên đã triển khai thực hiện nhiều chương trình dự án và ghi nhận kết quả đáng khích lệ bao gồm chương trình cử giáo viên đi dạy tiếng Việt tại Lào, chương trình dự bị tiếng Việt tại Lào, Đề án lịch sử Việt – Lào…
Sau khi dự giờ tiết học tại Trường THCS Trần Quốc Toản, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dành ít phút trò chuyện với học sinh. |
“Về với Quảng Ninh, tôi thấy đang thực hiện đúng hướng. Tất nhiên là có khó khăn. Khi các thầy cô đang nghĩ khó khăn thì chúng ta phải bàn cách tháo gỡ. Chắc chắn có áp lực nhưng áp lực quen rồi chúng ta lại thấy bình thường, sau đó tạo ra sản phẩm mới” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Quyết định giờ học là của địa phương
Ngày 27/10, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trực tiếp kiểm tra, dự giờ tiết học tại Trường THCS Trần Quốc Toản (Quảng Ninh). Tại buổi làm việc, Thứ trưởng ghi nhận tỉnh Quảng Ninh đã triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nghiêm túc, khoa học. Thứ trưởng đề nghị, tỉnh xây dựng kế hoạch, khuyến khích giáo viên tự học và có chế độ, kinh phí học tập cho giáo viên.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 (chiều 29/10), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi với báo chí về điều chỉnh giờ học của học sinh – một việc tưởng chừng nhỏ nhưng có tác động rất lớn.
Theo quy định phân cấp của Nhà nước, việc quyết định giờ học là của địa phương. Thời gian qua, các địa phương đã quy định việc này tương đối phù hợp. Vừa rồi, cũng có nhiều ý kiến, đặc biệt ý kiến của phụ huynh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh trước thông tin thay đổi giờ vào lớp của học sinh.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trao đổi tại họp báo Chính phủ chiều 29/10. |
Hiện, Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định điều chỉnh khung thời gian vào học. Cách làm của địa phương này là, khảo sát ý kiến và quyết định theo đa số 93% ý kiến phụ huynh đồng thuận.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, tùy theo thực tế của từng địa phương để có khảo sát, đánh giá kỹ. Trong trường hợp liên quan đến giao thông như ở Hà Nội thì ưu tiên giờ của học sinh trước. Từ đó có thể tính toán điều chỉnh giờ làm việc của công chức, viên chức.