Nguy cơ virus đậu mùa khỉ đột biến
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
Nguy cơ virus đậu mùa khỉ đột biến
Nguy cơ lan rộng vùng lây nhiễm
TS Nguyễn Hồng Vũ – Viện City of Hope (Mỹ) – cho biết, đến nay, số người mắc bệnh đậu mùa khỉ ở ngoài châu Phi được phát hiện là trên 1 nghìn. Các ca bệnh xuất hiện ở 29 quốc gia, phần lớn tập trung tại châu Âu.
“Hiện nay, chưa có dấu hiệu cho thấy con số này sẽ dừng lại mà có thể tiếp tục tăng dần về số ca và lan rộng vùng lây nhiễm”, TS Vũ cảnh báo. Theo chuyên gia này, đậu mùa khỉ có mối liên hệ rất gần với bệnh đậu mùa.
Bệnh đậu mùa từng là “cơn ác mộng” của loài người, với khả năng dễ lây lan và có tỷ lệ chết khoảng 3 trên 10 người. Tuy nhiên, nhờ vắc-xin, bệnh đậu mùa ở người đã nhanh chóng bị đẩy lùi.
“Năm 1980, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đã “tiệt chủng” loài virus này trên Trái đất. Thậm chí, các chiến dịch chích vắc-xin này cũng không còn cần thiết nữa ở hầu hết các nơi.
Do vậy, hầu như những ai sinh sau năm 1980 không còn phải chích vắc-xin để phòng bệnh đậu mùa nữa. Hiện nay, chỉ có 2 nơi duy nhất trên thế giới lưu trữ đông lạnh chủng virus đậu mùa nhằm mục đích nghiên cứu (khi cần thiết) là ở Atlanta (Mỹ) và ở Novosibirsk (Nga)”, TS Vũ dẫn chứng.
Chuyên gia này cho biết, virus đậu mùa khỉ cũng là một virus họ hàng gần của đậu mùa, ở chung một chi là Orthopoxvirus. Tuy nhiên, virus đậu mùa khỉ có một số điểm khác với đậu mùa.
Trong đó, vật chủ tự nhiên của virus đậu mùa khỉ là động vật, các loài gặm nhấm ở vùng châu Phi và một số loài khỉ. Virus này ít khi nhiễm lên người.
“So với bệnh đậu mùa người (smallpox), đậu mùa khỉ tuy có các biểu hiện tương tự như sốt, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ, nổi mụn nước trên da, nhưng mức độ bệnh nhẹ hơn. Tỷ lệ tử vong ở người mắc đậu mùa khỉ là từ 1 – 15%. Trong khi đó, ở đậu mùa là khoảng 30%”, TS Vũ cho biết.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, virus đậu mùa khỉ lây lan chủ yếu từ động vật lên người với vật chủ thường là loài gặm nhấm. Lây lan giữa người và người hiện nay vẫn còn rất hạn chế và ít xảy ra.
Tích trữ đủ vắc-xin
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến nay, ở những nước chưa từng xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ, chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong vì căn bệnh này. Tuy nhiên, ở những nước đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu, số ca mắc và tử vong vẫn tiếp tục tăng.
Các quốc gia ghi nhận đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu gồm: Cameroon, Trung Phi, CH Congo – Brazzaville, CHDC Congo, Liberia, Nigeria, Sierra Leone, Gabon, Côte d’Ivoire và Ghana. Trong số 7 nước đầu tiên được liệt kê ở trên, trong 5 tháng đầu năm nay đã ghi nhận 66 trường hợp tử vong do mắc bệnh đậu mùa khỉ.
“Hiện nay, để ngăn chặn sự lây lan của virus đậu mùa khỉ ở những vùng dịch, hoặc người làm công việc liên quan đến tiếp xúc nguồn lây nhiễm virus này, người ta sử dụng vắc-xin để chủng ngừa đậu mùa.
Vì 2 loại virus này có họ hàng rất gần nhau nên vắc-xin ngừa đậu mùa cũng có thể giúp tạo hiệu quả bảo vệ trước đậu mùa khỉ khoảng 70 – 85%. Hiện nay, chưa cần thiết để sử dụng vắc-xin này đại trà.
Tuy nhiên, trong tình hình xấu nhất thì có thể sử dụng để chống lại sự lây lan của loại virus này trong cộng đồng”, TS Nguyễn Hồng Vũ nhận định.
TS Vũ cho biết, hầu hết người mắc bệnh đậu mùa khỉ đều có thể tự hồi phục. Bởi, đây là bệnh do virus gây ra, nên các phương pháp điều trị chủ yếu là hỗ trợ cơ thể (nghỉ ngơi, dinh dưỡng, cung cấp đầy đủ nước…). T
uy nhiên, nhóm có nguy cơ cao đối với đậu mùa khỉ là người có bệnh liên quan đến suy giảm miễn dịch, trẻ em (nhỏ hơn 8 tuổi), phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, những người có bệnh nền về nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng phổi… Nhóm này có thể dễ trở nặng.
Đồng thời, cần được điều trị bằng các thuốc kháng virus, kháng thể và hỗ trợ y tế khác.
“Bệnh đậu mùa khỉ là một căn bệnh vốn không quá nguy hiểm và đáng lo ngại dựa trên khía cạnh vật chủ, tốc độ lây nhiễm và độ độc. Tuy nhiên, hiện tượng lây nhiễm với số lượng người và phạm vi “bất thường” xảy ra gần đây cần các nhà chức trách về y tế của các quốc gia để ý quan tâm cẩn thận”, chuyên gia chia sẻ.
Bởi, theo TS Vũ, vẫn có khả năng virus có thể đột biến và tạo ra chủng mới nguy hiểm hơn. Do đó, việc quan trọng là dự phòng các trang thiết bị cần thiết, cũng như tích trữ một lượng vắc-xin đậu mùa, ít nhất là đủ để chủng ngừa cho các nhân viên y tế.