Chắc hẳn trong mỗi chúng ta, mỗi người dân Việt Nam, khi nhắc đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương thì đều cảm thấy vô cùng quen thuộc và gần gũi đúng không ạ?
Bởi vì đây là một trong những ngày lễ lớn của Việt Nam, cũng như là dịp để con cháu nhắc lại và ghi nhớ sâu sắc công lao dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng thời xưa.
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Vẫn biết giỗ tổ là vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, nhưng không phải ai cũng dành thời gian ra để tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc, cũng như ý nghĩa của ngày lễ này đúng không nè?
Vậy nên mình nghĩ là, nếu có thể, chúng ta nên dành ra một chút thời gian để tìm hiểu thêm một chút thông tin về ngày lễ trọng đại này. Vậy bạn có tò mò là ngày lễ 10/3 bắt nguồn từ đâu không, nó có từ khi nào? hay tại sao lại được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm?
Mục Lục Nội Dung
#1. Nguồn gốc và lịch sử Ngày giỗ Tổ Hùng Vương
Bên cạnh tên gọi “Ngày giỗ Tổ Hùng Vương”, chúng ta còn hay nghe đến các cách gọi khác như “Lễ hội Đền Hùng” hay “Quốc giỗ”. Đây là những cách mà mọi người thường dùng khi nhắc đến dịp lễ mùng 10 tháng 3.
Đây là một dịp lễ, một ngày hội truyền thống của người dân Việt Nam ta, được tổ chức vào mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm nhằm tưởng nhớ và thể hiện sự biết ơn với công lao dựng nước, giữ nước của Vua Hùng.
Về nguồn gốc và lịch sử của ngày lễ này:
Để mở đầu thì chúng ta cần phải nhắc đến truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”, đây vốn là một niềm tự hào về nguồn gốc dân tộc của người Việt chúng ta.
Tóm lược sơ thì Lạc Long Quân có vợ là Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở thành một trăm người con, sau đó một nửa theo mẹ lên núi, một nửa theo cha xuống biển, và họ cũng chính là tổ tiên của chúng ta.
Truyền thuyết này là cách người Việt nói về xuất thân, nguồn gốc của mình với niềm tự hào, kiêu hãnh với hình ảnh “Rồng” và “Tiên”.
Và trải qua 18 đời Vua Hùng, đã cho chúng ta thấy một đất nước kiên cường, bất khuất, một dân tộc anh hùng với truyền thống yêu nước sâu đậm và nền văn hóa Việt đáng tự hào.
Từ thời xa xưa, các vị vua cũng như người dân trên khắp cả nước đều đến lễ bái các vị Vua Hùng, nhằm ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng.
Năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và năm 1601 đời vua Lê Kính Tông đã sao chép, đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, chọn ngày 11 và ngày 12 tháng 3 âm lịch để làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương.
Đến thế kỉ 20, năm 1917, thời nhà Nguyễn Triều vua Khải Định, Bộ Lễ đã chính thức gửi công văn ngày 25 tháng 7 chọn ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.
Ngày 06/01/2001, chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, nhằm quy định về quy mô, nghi lễ tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương cũng như lễ hội Đền Hùng hàng năm.
Từ đó, ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm trở thành ngày Quốc lễ của người dân Việt Nam.
Và từ năm 2007 cho đến nay, ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm là ngày nghỉ lễ của ngươi dân.
Bên cạnh đó, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1).
Và đến ngày 06/12/2012, UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng” là “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại”.
Sự công nhận của thế giới trước tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng đã cho thấy tầm quan trọng và niềm tự hào trong việc duy trì, giữ gìn văn hóa và truyền thống mang tính nguồn cội của dân tộc chúng ta.
#2. Ý nghĩa của Ngày giỗ Tổ Hùng Vương?
Như các bạn đều đã biết, mồng 10 tháng 3 âm lịch từ lâu đã trở thành một ngày lễ trọng đại ở Việt Nam.
Khi nhắc đến ngày lễ này, điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến chắc hẳn là sự tưởng nhớ và lòng biết ơn đối với những vị Vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc với công lao dựng nước, giữ nước, để mảnh đất chúng ta đang sinh sống và lớn lên ngày nay trở nên thật bình yên và tươi đẹp.
Bên cạnh đó, Ngày giỗ Tổ Hùng Vương cũng là một lời nhắc nhở cho chúng ta về cội nguồn, về nơi chúng ta sinh ra và thuộc về, cũng như truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.
Mình nghĩ cũng vì lẽ đó mà chúng ta thường truyền tai nhau câu nói ”Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.”
Hơn nữa, đây còn là một dịp để chúng ta thể hiện niềm tự hào dân tộc, ngày mà mọi người dân Việt Nam cùng nhau hội tụ, thể hiện tinh thần đoàn kết, sự trường tồn mạnh mẽ và bền vững của dân tộc Việt Nam, và hơn hết, vẫn là sự biết ơn vô cùng sâu sắc đến các vị Vua Hùng.
#3. Lễ hội Đền Hùng được diễn ra như thế nào?
Về cách tổ chức, Lễ hội đền Hùng những năm lẻ sẽ do tỉnh Phú Thọ đứng ra tổ chức. Còn các năm chẵn sẽ được tổ chức với quy mô ở các cấp Trung ương.
Ngoài ra, Lễ hội đền Hùng không chỉ diễn ra ở khu di tích lịch sử đền Hùng tỉnh Phú Thọ, mà còn được diễn ra ở nhiều nơi khác trong cả nước như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, hay Cần Thơ,…
Lễ hội sẽ có hai phần là phần LỄ và phần HỘI.
Đầu tiên, về phần LỄ thì sẽ có lễ rước kiệu và lễ dâng hương ở Đền Thượng.
Trong lễ rước kiệu sẽ có cờ, lọng, hoa, kiệu, cùng các trang phục truyền thống đầy màu sắc. Sau đó, từng đoàn rước kiệu sẽ xuất phát từ dưới chân núi, rồi đi qua các đền để tới Đền Thượng
Tại lễ dâng hương ở Đền Thượng thì mỗi người sẽ thắp một vài nén hương lên đền để cầu nguyện, gửi gắm những tâm niệm của mình tới tổ tiên, bởi vì theo quan niệm của người Việt thì mỗi nắm đất và gốc cây ở đây đều rất linh thiêng.
Tiếp đến là phần HỘI với nhiều trò chơi dân gian. Điển hình như những cuộc thi hát xoan, vốn là một hình thức dân ca đặc biệt của Phú Thọ.
Ngoài ra, lễ hội này còn có rất nhiều trò chơi dân gian khác được tổ chức như thi vật, kéo co, bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh luyện chiến.
#4. Lời kết
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 luôn là một ngày lễ quan trọng và ý nghĩa đối với mỗi người dân Việt Nam chúng ta. Khi hiểu rõ hơn về nguồn gốc, lịch sử, cũng như ý nghĩa của ngày lễ này thì chúng ta sẽ càng cảm thấy trân trọng và biết ơn nhiều hơn các bạn nhỉ?
Mình hi vọng là bài viết này đã đem đến cho bạn những thông tin hữu ích về ngày lễ mồng 10 tháng 3.
Cảm ơn các bạn đã đọc đến đây, chúc các bạn một ngày tích cực và hãy cùng nhau hướng đến Ngày giỗ Tổ Hùng Vương sắp tới với lòng biết ơn và sự tự hào nhé. ^^
Đọc thêm:
- [CẦN BIẾT] 12 phong tục Tết cổ truyền ở Việt Nam
- Ý nghĩa mâm cơm tất niên ngày Tết và những điều bạn nên biết
- Những điều nên biết về mâm ngũ quả ngày Tết (Bắc, Trung, Nam)
CTV: Vũ Nam Phương – Blogchiasekienthuc.com