Guồng quay chuyển đổi số hối hả với giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Quốc Ngữ

 

0:00/0:00
0:00
GD&TĐ – Xây dựng tài liệu, học liệu số và lộ trình chuyển đổi số ngành Giáo dục được nhiều địa phương  vùng ĐBSCL khẩn trương thực hiện.
Ngành Giáo dục các địa phương đang tập trung nguồn lực chuyển đổi số.
Ngành Giáo dục các địa phương đang tập trung nguồn lực chuyển đổi số.

Chuyển đổi số hỗ trợ quản lý giáo dục

Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre vừa đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành thông minh ngành GD&ĐT (Trung tâm EDU IOC). Trung tâm EDU IOC có chức năng phục vụ công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, thanh tra, giám sát, đồng thời cung cấp các báo cáo, thống kê; cảnh báo, dự báo, xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục.

Đây là hệ thống hỗ trợ cơ quan quản lý giáo dục giám sát các chỉ tiêu giáo dục, thông qua các biểu đồ thống kê trực quan, đa dạng, hình thành cơ sở dữ liệu ngành, phục vụ cho các hoạt động điều hành của Sở GD&ĐT. Trung tâm cũng phục vụ cho các cấp quản lý giáo dục, sẵn sàng để kết nối liên thông với Trung tâm điều hành thông minh IOC của UBND tỉnh Bến Tre.

Theo Sở GD&ĐT Bến Tre, Trung tâm EDU IOC là công trình trọng điểm của ngành GD&ĐT, có ý nghĩa quan trọng để cán bộ công chức, viên chức của ngành quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy và kế hoạch chuyển đổi số của UBND tỉnh.

Theo ông Bùi Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre, Trung tâm EDU IOC đi vào hoạt động là sự kiện quan trọng, mở ra phong cách làm việc, điều hành mới cho công tác quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh, từ cách làm truyền thống, sang cách làm việc, điều hành dựa trên dữ liệu số, góp phần chuyển đổi số thành công, nâng cao chất lượng giáo dục địa phương.

Đây cũng là nền tảng, cơ sở cho việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành. Trong đó, bắt đầu từ việc phát huy vai trò của người đứng đầu các đơn vị trong chỉ đạo triển khai, tạo động lực thúc đẩy, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên trong quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý.

Công tác vận hành, khai thác Trung tâm IOC được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (từ tháng 9/2022 đến 1/2023) tập huấn, hướng dẫn việc cập nhật dữ liệu học kỳ 1 năm học 2022 – 2023 trên hệ thống quản lý trường học (vnEdu) về trường, lớp, nhân sự, học sinh để đồng bộ dữ liệu về Trung tâm IOC; rà soát dữ liệu Trung tâm IOC đảm bảo đầy đủ, chính xác; cập nhật kết quả học tập, rèn luyện cuối học kỳ 1 năm học 2022 – 2023 trên hệ thống vnEdu để đồng bộ dữ liệu về Trung tâm IOC; rà soát các thống kê, báo cáo về toàn bộ dữ liệu trường lớp, nhân sự, học sinh của Trung tâm IOC đảm bảo đầy đủ, chính xác đảm bảo vận hành, khai thác có hiệu quả.

Giai đoạn 2 (từ ngày tháng 1/2023 đến 5/2023) đánh giá kết quả vận hành, khai thác ở giai đoạn 1, phân tích điểm mạnh, điểm yếu nhằm tăng cường các hoạt động rà soát khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh, hoàn chỉnh giải pháp kỹ thuật, công nghệ đảm bảo vận hành, khai thác hiệu quả hơn ở học kỳ 2 và cuối năm học 2022 – 2023.

Khi đưa vào sử dụng, Trung tâm IOC giúp Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT có cái nhìn toàn cảnh về tình hình giáo dục tại địa phương và tính toán được kế hoạch phát triển giáo dục từng năm, từng giai đoạn 5 năm tới. Đồng thời, qua đó sẽ từng bước ứng dụng các công nghệ AI hỗ trợ quản lý giáo dục một cách hiệu quả, phù hợp yêu cầu, điều kiện thực tế của cơ quan quản lý giáo dục và các trường học.

Guồng quay chuyển đổi số hối hả với giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1
Một giao diện của Trung tâm Điều hành thông minh ngành GD&ĐT (Trung tâm EDU IOC) Bến Tre.

Học, làm việc hiệu quả trên môi trường số

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh có 481 trường (trong đó có 40 trường THPT, 109 trường THCS, 201 trường tiểu học, 131 trường mầm non). Hiện tất cả các trường đã triển khai nền tảng quản trị nhà trường, tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và hướng đến là người học.

Ngành Giáo dục Sóc Trăng đang cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT về mạng lưới trường, lớp học, người học (kết quả của quá trình học tập, rèn luyện; hồ sơ sức khỏe); đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị trường học, tài chính – đầu tư, nước sạch, nhà vệ sinh trường học, công tác y tế trường học.

Cuối năm học 2021 – 2022, trên cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD&ĐT, tỉnh Sóc Trăng đã số hóa các dữ liệu gồm 481 trường, 8.259 lớp, 256.347 học sinh, 1.073 cán bộ quản lý, 14.168 giáo viên và 1.933 nhân viên.

Tận dụng chuyển đổi số, năm học 2021 – 2022, Sở GD&ĐT Sóc Trăng tổ chức cho thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh lớp 10 bằng hình thức trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người học.

Phòng GD&ĐT, trường THPT ở Sóc Trăng đã sử dụng Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành trong việc liên thông trao đổi văn bản điện tử, gửi – nhận văn bản có ký số giữa các cơ sở giáo dục, Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT. Các cơ sở giáo dục đã lựa chọn giải pháp phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực hiện, giúp học sinh học chủ động hơn…

Tại tỉnh Tiền Giang, năm học 2021 – 2022, kỳ thi tốt nghiệp THPT có 10.099/15.266 thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến, với 32.287 lượt đăng ký nguyện vọng. Tất cả các khâu từ đăng ký dự thi, xét tốt nghiệp và đăng ký phương thức xét tuyển vào các trường đại học đều được thực hiện trực tuyến thông qua hệ thống tuyển sinh của GD&ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia, giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực và các chi phí phát sinh khác.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ngành Giáo dục Tiền Giang tập trung ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030”; Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong ngành; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học để đảm bảo quản lý, làm việc hiệu quả trên môi trường số.