Đừng để kỳ thi học sinh giỏi là sân chơi của một số thầy cô
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
20/12/2022 06:39
Thi học sinh giỏi các cấp là một hoạt động thường xuyên. Tuy còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng không thể phủ nhận đây là hoạt động có ý nghĩa nâng cao năng lực, trình độ, kiến thức trong việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Xa hơn, việc tổ chức những kỳ thi này còn là điều kiện để phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương, cho đất nước.
Tuy vậy, các bước tiến hành để đi đến công bố kết quả của học sinh khi tham gia thi nhằm cấp chứng nhận cho những học sinh đoạt giải ở một số địa phương còn nhiều bất cập, gây lời ra tiếng vào, xì xào bàn tán của không ít giáo viên.
Trong bài viết Góc khuất của kỳ thi học sinh giỏi đến bao giờ được “vén màn”? [1] trên Tạp chí điện tử Giáo dục điện tử Việt Nam ngày 6/11/2022, tác giả Nguyễn Đăng đã nêu những bất cập trong việc điều động giáo viên tham gia công tác ra đề, coi thi, chấm thi. Những kẽ hở trong việc tiến hành các khâu cho kỳ thi tồn tại nhiều năm qua ở không ít các tỉnh thành nhưng vẫn chưa được khắc phục. Trong một góc nhìn riêng, người viết còn nhận thấy một số điều cần trao đổi ra đây đối với kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Ảnh minh họa: Lã Tiến |
Thi học sinh giỏi, sân chơi của một số thầy cô
Trước hết, trong khâu ra đề, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thông qua Ban giám hiệu các trường hoặc trực tiếp liên hệ đến giáo viên được lựa chọn, điều động các giáo viên này tham gia vào Hội đồng ra đề thi. Theo đó, mỗi môn thi sẽ có từ 2 đến 3 giáo viên thực hiện tiến trình ra đề. Quy trình ra đề thi đương nhiên được thực hiện theo quy chế. Giáo viên sẽ được cách ly với bên ngoài, có sự giám sát, bảo vệ của các lực lượng trong 24/24 giờ nhằm bảo đảm sự tuyệt mật cho đề thi cho đến khi kỳ thi được tổ chức xong. Thường, những giáo viên này sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình từ 7 đến 10 ngày.
Tuy nhiên, không ít những giáo viên được “chọn mặt gửi vàng” này lại có động thái rất… không bình thường. Trước khi được “tạm cách ly” trong khu vực ra đề theo ngày do Sở điều động, họ đã gọi nhau tập trung trước để thảo luận, “khoanh vùng” phạm vi ra đề. Sau đó, những giáo viên này sẽ liên hệ cho học sinh của mình bồi dưỡng để hướng dẫn các em các dạng bài, nội dung trọng tâm cần ôn tập.
Hiện nay, nhiều địa phương khi ra đề môn Ngữ văn bao gồm 2 câu: Nghị luận xã hội (8 điểm), Nghị luận văn học (12 điểm), vì vậy việc “trúng tủ”, trúng đề, đoạt giải dường như trong tầm tay. Không những thế, bằng cách nào đó, một số giáo viên ở các trường khác lại nghe ngóng và nhờ “bật mí” cho vùng ra đề theo kiểu có qua có lại: Anh giúp tôi lần này, tôi sẽ “lại quả” cho anh lần sau.
Sau đó là khâu chấm thi. Thường lệ, danh sách người tham gia chấm thi là những giáo viên có uy tín, có kinh nghiệm. Và những giáo viên này dường như “nhẵn mặt” nhau cả vì đã được điều động, tham gia nhiều kì thi khác nhau. Hầu hết các giáo viên này đều có “gà” – tức học sinh tham gia thi do mình trực tiếp bồi dưỡng. Có nhiều cách, giáo viên sẽ dễ dàng biết được bài nào là của học sinh do mình dạy. Việc ôn thi từ năm này sang năm khác giúp giáo viên nhận biết chữ viết của học trò. Ngoài ra, loại mực, kí hiệu riêng rất kín khiến những giáo viên khác không thể nhận ra dấu hiệu bất thường của bài làm. Có khi dấu hiệu có thể là một sai lầm nào đó mà học sinh mắc phải đã trao đổi với thầy cô của mình khi hoàn thành kỳ thi.
Và trong thời gian chấm thi, có giáo viên đã đến từng bàn giám khảo khác để tìm bài của học sinh mình. Sau đó là nhờ vả được nâng điểm nếu cảm thấy học sinh do mình dạy chưa đủ điểm, chưa nằm trong vùng an toàn. Giáo viên được nhờ sẽ rất khó xử nếu không giúp. Còn gặp nhau lâu dài, còn nhiều kỳ thi đang đợi phía trước, biết đâu sau này mình sẽ nhờ lại giáo viên hôm nay mình đã giúp. “Có qua có lại mới toại lòng nhau” cơ mà. Đương nhiên, vẫn có những giáo viên dù có học sinh đi thi, nhưng vì lòng tự trọng, sự trung thực, họ không hề có một sự tác động nào để mong có kết quả tốt cho học sinh của mình. Mặc dù thế, trước việc nhờ vả của đồng nghiệp, họ có cảm giác như đứng giữa đôi dòng nước, không biết phải lựa chọn dòng nào.
Thầy cô còn gian dối, sao dạy học sinh về sự trung thực, lòng tự trọng?
Mục đích quan trọng nhất của giáo dục là dạy làm người. Nếu giỏi chuyên môn mà thiếu nhân cách thì không có ý nghĩa. Bác Hồ đã từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Thầy cô là người phải nêu gương trước học sinh. Tuy nhiên, khi tham gia ra đề thi, có giáo viên lại lưu ý trước cho học sinh của mình nội dung sẽ ra đề để ôn tập. Vậy thì tác dụng của chọn học sinh giỏi ở đâu? Tác dụng của giáo dục ở đâu? Không những thế, giáo viên còn vô tình gieo vào trong nhận thức của học sinh sự không trung thực, dối trá. Làm như vậy, giáo viên có nghĩ tới hậu quả? “Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”, đại thi hào Goethe rất sâu sắc khi cảm xúc về điều này.
Như tác giả Nguyễn Đăng đã nhận định, khi tìm nhiều cách để học sinh có thành tích, những giáo viên này rất vui, được ca ngợi, được khen thưởng trong khi đó nhiều giáo viên khác bỏ công bỏ sức, dạy học trung thực lại không có thành tích, rồi thất vọng, thậm chí bị nhà trường phê bình. Thực tế, khi giáo viên tiêu cực, luồn lách mọi cách để đưa những học sinh mình dạy chưa đủ năng lực để đạt giải là đồng nghĩa với việc loại những học sinh khác xứng đáng có giải hơn ra khỏi cuộc chơi. Bởi lẽ, quy chế thi chọn học sinh giỏi đã chỉ rõ: học sinh đạt học sinh giỏi phải có điểm thi từ 10/20 điểm và phải nằm số 50% thí sinh tham dự đạt giải.
Đâu là giải pháp?
Để thay đổi và tránh tiêu cực, đòi hỏi các Sở Giáo dục và Đào tạo trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh cũng cần phải thay đổi. Trước hết, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo có thể liên kết với những địa phương khác lân cận để hợp đồng với giáo viên ở đó ra đề thi – như cách mà Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp đã hợp đồng ra đề thi học sinh giỏi với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2013.
Góc khuất của kỳ thi học sinh giỏi đến bao giờ được “vén màn”? |
Ngoài ra, đầu năm học, các Sở cần yêu cầu từng trường lập danh sách giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi theo từng môn. Những giáo viên này sẽ không được điều động cho hội đồng ra đề thi và chấm thi. Hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm cho việc này.
Trong công tác chấm thi, các Sở Giáo dục và Đào tạo có thể giám sát bằng hệ thống camera như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Hội đồng chấm thi phải quán triệt đối với giáo viên chấm thi về thực hiện quy chế chấm thi. Giáo viên nào có biểu hiện tiêu cực cần phải xử lí tuỳ theo mức độ vi phạm.
Một khi các khâu của kỳ thi học sinh giỏi đã được tổ chức rõ ràng, minh bạch, trung thực thì khi ấy, giáo viên mới có niềm tin và động lực để tham gia tích cực vào nhiệm vụ bồi dưỡng .
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/goc-khuat-cua-ky-thi-hoc-sinh-gioi-den-bao-gio-duoc-ven-man-post230920.gd