Ðưa dịch vụ công trực tuyến đến với người dân gần hơn
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
Cập nhật: 23/08/2022 | 08:31
Công an tỉnh Đắk Nông hiện đang triển khai đồng bộ, quyết liệt đưa các dịch vụ công (DVC) trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 3, mức độ 4, đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp để người dân được tiếp cận gần hơn với dịch vụ này.
Dịch vụ gần dân hơn
Đến thời điểm hiện nay, Công an tỉnh Đắk Nông đã áp dụng và triển khai 42/121 thủ tục hành chính (TTHC) mức độ 3, mức độ 4. Cụ thể, cấp tỉnh gồm 25 thủ tục thuộc các lĩnh vực: PCCC và CNCH, quản lý xuất nhập cảnh, cấp quản lý thẻ CCCD, quản lý phương tiện giao thông đường bộ, vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; cấp huyện có 6 thủ tục và cấp xã 11 thủ tục.
Việc tiếp nhận hồ sơ được thực hiện đúng theo quy trình hướng dẫn của Bộ Công an và đúng quy định của pháp luật. Công an tỉnh đã hướng dẫn công dân, các cơ sở kinh doanh lập tài khoản theo dõi, quản lý và tái sử dụng giấy tờ trên Cổng DVC của Bộ Công an. Tuy nhiên, do trình độ dân trí và nhu cầu của người dân nên tỷ lệ hồ sơ phát sinh trên Cổng DVC còn ít, đa số là hồ sơ trong lĩnh vực lưu trú.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, ngày 24/2/2022, Công an tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 20 về Quy trình giải quyết TTHC mức độ 3, mức độ 4 trong lĩnh vực PCCC cung cấp trên Cổng DVC của Bộ Công an gồm 18 thủ tục. Trong đó, cấp tỉnh 15, cấp huyện 2 và cấp xã 1 thủ tục. Đến ngày 27/5/2022, Công an tỉnh Đắk Nông tiếp tục ban hành Quyết định số 908 về Quy trình giải quyết TTHC mức độ 3, mức độ 4 trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh của Bộ Công an cung cấp trên Cổng DVC của Bộ Công an, gồm 13 thủ tục. Trong đó, cấp tỉnh 11, cấp huyện 1 và cấp xã 1 thủ tục. Ngoài ra, Công an tỉnh còn ban hành Quyết định về quy trình giải quyết TTHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, gồm 24 thủ tục, trong đó cấp tỉnh 9, cấp huyện 8 và cấp xã 7 thủ tục.
6 tháng đầu năm 2022, Công an tỉnh Đắk Nông đã tiếp nhận 18.273 hồ sơ giải quyết TTHC qua Cổng DVC trực tuyến của Bộ Công an. Công an tỉnh thực hiện trả kết quả điện tử cho người dân, doanh nghiệp qua mạng internet, dịch vụ bưu chính công ích hoặc nhận trực tiếp tại cơ quan công an. Việc trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp đều đúng thời hạn, không bị thất lạc.
Ngoài ra, để tạo điều kiện hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, hiện Công an tỉnh cũng đã ký thỏa thuận với Bưu điện tỉnh Đắk Nông thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp gồm 88 TTHC. Thông qua dịch vụ này, trong vòng 48 giờ, người dân và doanh nghiệp sẽ nhận được kết quả với độ an toàn, tin cậy cao, tiết kiệm được chi phí và thời gian đi lại.
Người dân đến giải quyết TTHC tại Phòng CSGT, Công an tỉnh Đắk Nông |
Nhưng vẫn còn rào cản
Dù có nhiều nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, số lượng người dân sử dụng DVC chưa nhiều.
Một trong những rào cản là không phải người dân nào cũng có thiết bị điện tử (điện thoại di động thông minh, laptop, máy tính…) có thể kết nối, thực hiện các thao tác để làm TTHC trực tuyến, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, người lớn tuổi, người ít tiếp xúc với công nghệ. Bên cạnh đó, “tâm lý truyền thống” của người dân đến trực tiếp cơ quan Nhà nước để làm TTHC, với suy nghĩ chắc chắn hơn, cụ thể hơn về các loại hồ sơ, giấy tờ liên quan.
Ngoài ra, hiện một số DVC trực tuyến có nhiều quy trình phức tạp khiến người dân dễ bị “rối”, từ đó, hạn chế sử dụng. Đơn cử, việc triển khai DVC trực tuyến mức độ 4 đối với việc cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe, người dân phải thực hiện nhiều thao tác, như: truy cập vào cổng DVC trực tuyến, sau đó đăng ký, nhận mã xác thực qua điện thoại di động (người dân phải có số CMND/CCCD cùng với số điện thoại chính chủ). Sau đó, tra cứu dữ liệu vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, tra cứu dữ liệu sức khỏe…
Hay, dù đã thanh toán trực tuyến lệ phí đối với giấy phép lái xe vào Kho bạc Nhà nước qua thanh toán của hệ thống DVC trực tuyến, nhưng nếu đăng ký không thành công do hồ sơ chưa hợp lệ, việc hoàn trả lại tiền mất nhiều thời gian.
Đặc biệt, các DVC trực tuyến mức độ 4, đòi hỏi việc kết nối, chia sẻ dữ liệu liên thông giữa các ngành phải thật thông suốt. Chẳng hạn, để kết nối dữ liệu trong cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến, Bộ GTVT phải phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an kết nối dữ liệu khám sức khỏe, dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ…
Theo Đại tá Nguyễn Văn Tư, Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Đắk Nông, ngoài rào cản về phía người dân, hiện nay, trang thiết bị phục vụ cho công tác triển khai thực hiện DVC trực tuyến của công an các đơn vị, địa phương còn thiếu so với yêu cầu. Đến nay, trang thiết bị chủ yếu chỉ đủ đáp ứng để thực hiện công tác liên quan đến dữ liệu quốc gia về dân cư. Một số máy tính không bảo đảm cấu hình theo quy định, một số công an xã chưa được trang bị máy Scan, ảnh hưởng nhiều đến công tác này.
Để thực hiện hiệu quả hơn, thời gian tới, Công an tỉnh đã đề nghị Bộ Công an bố trí trang thiết bị bảo đảm thực hiện hiệu quả hơn công tác tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC trên Cổng DVC. Bên cạnh đó, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, chính quyền các cấp tuyên truyền, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của công dân trong thực hiện DVC trực tuyến; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc tiếp nhận, giải quyết các TTHC, từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp DVC trực tuyến trên địa bàn tỉnh.
Hoàng Thanh