Cư Jút chủ động đấu tranh trên không gian mạng
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
• 15/03/2023 06:04
Thực hiện Đề án số 13-ĐA/TU, ngày 14/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông về tổ chức hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng (BVNTTT) của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, huyện Cư Jút tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, bằng nhiều giải pháp, hình thức, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Vào cuộc đồng bộ
Thực hiện Đề án số 13 của Tỉnh ủy, Công an huyện Cư Jút đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đấu tranh bóc gỡ, xóa bỏ các thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Trong đó, lực lượng Công an huyện tăng cường nắm tình hình trên các trang mạng xã hội, facebook, zalo… kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm sử dụng mạng xã hội đăng tải những thông tin sai lệch, thất thiệt được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Thượng úy Lê Minh Thanh, Đội An ninh, Công an huyện Cư Jút cho biết: “Công an huyện đã thành lập các trang mạng xã hội facebook, zalo để tuyên truyền, tiếp nhận thông tin và định hướng dư luận xã hội, đăng tải tin người tốt, việc tốt. Lực lượng Công an huyện còn tham gia phát tờ rơi để người dân dễ nắm bắt, tiếp cận. Qua đó, người dân hiểu, nắm bắt được các thông tin lừa đảo trên địa bàn để nâng cao tinh thần cảnh giác. Riêng năm 2022, toàn huyện đã phát hiện, xử phạt hành chính 8 trường hợp, răn đe, nhắc nhở, yêu cầu tháo gỡ bài viết 11 trường hợp”.
BVNTTT của Đảng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Do đó, tùy tình hình thực tiễn, cấp ủy trực tiếp lãnh đạo tổ 35 mở rộng đối tượng tham gia, nhất là huy động sự tự giác tham gia tích cực của lực lượng đoàn viên, hội viên, Nhân dân. Trong đó, cán bộ, đảng viên phát huy vai trò, trách nhiệm một cách cao nhất, xác định đây là nhiệm vụ chính trị của mình và của cơ quan, đơn vị. Đây cũng là giải pháp để xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh Nhân dân trên không gian mạng một cách hiệu quả nhất.
Đồng chí Võ Ngọc Ánh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cư Jút, tỉnh Đắk Nông
Tại xã Tâm Thắng (Cư Jút) ngoài thành lập Tổ 35 từ xã đến cơ sở, để việc đấu tranh BVNTTT của Đảng huy động được sự vào cuộc, hưởng ứng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, Tâm Thắng đã tiến hành thành lập các trang fanpage, facebook để đăng tải các thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội một cách chính thống, kịp thời. Các tổ chức hội, đoàn thể xã, thôn, buôn cũng thành lập trang mạng xã hội, facebook, zalo riêng để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho hội viên, đoàn viên, người dân.
“Ngoài đấu tranh phản bác quan điểm sai trái trên không gian mạng, các tổ 35 còn rà soát một số đối tượng là người địa phương có trang facebook đăng tải, chia sẻ những nội dung xấu, độc, hình ảnh phản bác đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phối hợp chỉ đạo công an, lực lượng 35 của huyện tổ chức bóc gỡ. Nếu rơi vào đoàn viên, hội viên của tổ chức nào thì tổ chức đó có trách nhiệm giáo dục, nâng cao nhận thức để các cá nhân này không tiếp tục vi phạm”, đồng chí Đặng Huy Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tâm Thắng cho biết.
Cũng như xã Tâm Thắng, cấp ủy các cấp ở xã Nam Dong cũng xác định, đấu tranh BVNTTT của Đảng không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị. Ngoài các tổ 35 ở các thôn, Đảng ủy xã đã thành lập một tổ 35 liên chi bộ. Vì khu vực nông thôn, các bí thư chủ yếu là người lớn tuổi, còn hạn chế trong sử dụng mạng xã hội, hoặc không sử dụng điện thoại thông minh. Do đó, thành lập tổ 35 liên chi bộ để các thành viên tăng cường tuyên truyền, vận động thế hệ trẻ, người thân trong gia đình cùng tham gia đấu tranh trên không gian mạng.
Đồng chí Sầm Văn Cường, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nam Dong cho biết: “Quá trình thực hiện, tất cả thành viên đều nhận thức được trách nhiệm của người đảng viên là phải BVNTTT của Đảng, đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Qua một thời gian triển khai, chúng tôi nhận thấy, hiệu quả đem lại lớn nhất là trong giai đoạn chúng ta đang tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng như hiện nay. Số lượng tham gia đấu tranh trên không gian mạng này cũng tăng theo thời gian”.
Chủ động thông tin, tăng cường nắm bắt dư luận xã hội
Theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cư Jút, qua 3 năm thực hiện Đề án số 13, công tác tổ chức tuyên truyền BVNTTT của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các phương tiện truyền thông được Cư Jút chủ động triển khai thực hiện.
Ban Chỉ đạo 35 Huyện ủy đã xây dựng và quản lý 2 kênh tuyên truyền trên mạng xã hội nhằm phục vụ nhiệm vụ thông tin, định hướng, nắm bắt tình hình tư tưởng xã hội. Trung bình mỗi ngày, các trang này đăng, phát khoảng 3 đến 5 tin, bài tuyên truyền chủ trương của Đảng, các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện lớn, tình hình phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, gắn với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội của các địa phương.
Cấp xã và tương đương cũng đã thành lập 23 fanpage, group hoạt động tuyên truyền trên không gian mạng và đi vào hoạt động với số lượng tin, bài đăng thường xuyên. Trung bình mỗi ngày, các trang có từ 2 đến 3 tin, bài tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc. Nhất là tuyến tin bài, gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, hiệu quả, các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao được cộng đồng sử dụng mạng xã hội trên địa bàn huyện hưởng ứng, theo dõi, chia sẻ. Các trang cũng thông tin kịp thời các hoạt động đăng tin sai trái, những hình thức, thủ đoạn lừa đảo… để nâng cao cảnh giác trong các tầng lớp Nhân dân, không để các đối tượng có điều kiện, dụ dỗ, lừa đảo người dân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Hoạt động nghiên cứu, nắm bắt, đánh giá tình hình tư tưởng chính trị, dư luận của các giai tầng xã hội thông qua mạng xã hội cũng được chú trọng. Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thông qua các nhóm zalo 35 Cư Jút, mocha 35 để triển khai thực hiện các cuộc điều tra dư luận xã hội liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội của tỉnh; khảo sát đánh giá kết quả triển khai kết quả 05 năm thực hiện Chỉ thị số 05; các vấn đề liên quan đến dịch Covid-19; nhận thức của cán bộ, công chức và người dân về chuyển đổi số…
Ngoài ra, đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội còn tham gia định hướng dư luận một số vấn đề liên quan đến giải tỏa, đền bù; công tác triển khai các dự án phát triển kinh tế – xã hội; cảnh báo người dân về hệ quả của tình trạng người dân bán đất trong cơn “sốt đất”, thủ đoạn lừa đảo qua mạng…