Giảm rào cản rớt tuyển dụng
Giảng viên Nguyễn Việt Vương – Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại (Vĩnh Phúc) – cho biết, kỹ năng mềm không thể hình thành thông qua việc chỉ học lý thuyết. Đó là kết quả của quá trình nghiên cứu, đọc, tìm hiểu các kiến thức rồi tìm cách ứng dụng, cải tiến vào cuộc sống thường ngày. Trong thời kỳ kinh tế hội nhập 4.0, người lao động không chỉ cần kiến thức, kỹ năng nghề tốt, mà còn cần có kỹ năng mềm cũng như thái độ sống, làm việc tích cực.
Nếu như kiến thức, kỹ năng tay nghề tốt giúp người lao động hoàn thành các nhiệm vụ được giao thì kỹ năng mềm cũng như thái độ tốt tăng khả năng hòa nhập và cơ hội thăng tiến trong công việc. Ngoài ra, người làm việc trong các doanh nghiệp FDI, nếu ngoại ngữ tốt, đó là chìa khóa tuyệt vời để phát triển sự nghiệp.
Giảng viên Nguyễn Việt Vương cho biết thêm, yếu kỹ năng mềm sẽ dẫn đến hiệu quả công việc thấp. Cùng với đó là các mối quan hệ mờ nhạt, năng lực chuyên môn không được đánh giá đúng mức, khả năng phát triển và khẳng định bản thân kém. Điều này sẽ dẫn đến việc mất động lực, ý chí và không xác định được con đường phát triển trong tương lai. Lâu dần tạo nên một con người trì trệ, thiếu sức sống và suy nghĩ tiêu cực.
Hơn nữa, doanh nghiệp nào cũng muốn tuyển dụng được nhân sự không chỉ có kiến thức, tay nghề tốt để phục vụ cho sản xuất. Bên cạnh đó, nhân lực còn phải có kỹ năng cơ bản như làm việc nhóm, giao tiếp thuyết trình, lập kế hoạch…
Chia sẻ của vị quản lý nhân sự tại Công ty Nippo Mechatronics cho thấy, thông thường, người sử dụng lao động coi trọng các kỹ năng mềm. Bởi các nghiên cứu cho thấy, chúng là nhân tố tác động không nhỏ đến hiệu quả công việc bên cạnh kỹ năng công việc truyền thống hay còn gọi là kỹ năng “cứng”.
Đồng thời, nhà tuyển dụng cũng đánh giá cao tinh thần tự học, không ngừng nâng cao năng lực bản thân. Trong một tập thể, việc đoàn kết với đồng nghiệp, tạo không khí vui vẻ, lạc quan cũng được coi trọng. Muốn vậy, trong giao tiếp cần tự tin, thành thục gắn liền với thành thực và phát huy kỹ năng làm việc nhóm, lập kế hoạch và thực hiện.
Trao đổi với một số sinh viên tốt nghiệp trường nghề đang làm việc tại khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, giảng viên Nguyễn Việt Vương nhìn nhận, nhiều em đã thành công với công việc của mình sau 5 – 6 năm ra trường. Nhờ có những năm tháng sinh hoạt đoàn, hoạt động tình nguyện, tham gia các câu lạc bộ mà hầu hết đều có kỹ năng mềm rất tốt.
Do vậy sau một thời gian làm việc, từ vị trí nhân viên, công nhân bình thường, nhiều người được bổ nhiệm làm tổ trưởng, ca trưởng và vị trí cao hơn. Từ đó có thể thấy vai trò của việc rèn luyện kỹ năng mềm đối với người học tại cơ sở giáo dục rất quan trọng. Bởi nó làm giảm nguy cơ bị rớt khi tuyển dụng cũng như tăng cơ hội làm việc lâu dài trong một tập thể.
6 kỹ năng cơ bản
Theo TS.NGƯT Phạm Xuân Khánh, Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, sinh viên trong thời đại 4.0 cần học tập và rèn luyện để sớm hình thành 6 kỹ năng.
Đầu tiên phải kể đến kỹ năng nghiên cứu độc lập, khả năng tự học. Ngoài kiến thức trên lớp do giảng viên truyền đạt, các em cần tham khảo, nghiên cứu tài liệu để tự nâng cao, hoàn thiện cho mình trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển nhanh hiện nay. Điều này sẽ giúp các em có thể tự học để nâng cao trình độ chuyên môn sau khi rời nhà trường.
Kỹ năng tư duy sáng tạo. Các doanh nghiệp cần nhân sự có khả năng sáng tạo để tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới và quy trình mới để giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh.
Nhiều doanh nghiệp và tổ chức đang trong quá trình chuyển đổi số. Quá trình này phụ thuộc phần lớn vào việc sử dụng, khai thác hệ thống công nghệ thông tin của người lao động. Do đó, sinh viên cần phải thành thạo kỹ năng sử dụng máy tính và các thiết bị số hóa để có thể hoàn thành công việc, tương tác với môi trường làm việc trong thời đại 4.0.
Ngoài ra, trong bối cảnh khoa học và công nghệ thay đổi nhanh chóng, khả năng phổ biến cũng thuận lợi trên Internet, kiến thức sinh viên học ở trường có thể trở nên lỗi thời. Do đó, cập nhật kiến thức mới là kỹ năng quan trọng mà người học cần có trong thời đại 4.0.
Ngoài kỹ năng giao tiếp truyền thống như đọc, nói và viết mạch lạc, rõ ràng; khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt, sinh viên cần bổ sung thêm kỹ năng giao tiếp trên mạng xã hội. Cần biết cách thông qua Internet để tiếp cận với nhiều người để thu thập và trao đổi thông tin.
Kỹ năng làm việc theo nhóm cũng cần thiết để sinh viên biết cách hợp tác, phối hợp nhằm hoàn thành nhiệm vụ học tập và sớm hình thành tác phong cần thiết khi làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Bởi môi trường học tập và công tác có thể phân tán, sinh viên dù học từ xa phải biết cách liên hệ, tập hợp lại để cùng học, hoàn thành bài tập dự án hoặc nghiên cứu thầy cô yêu cầu…
“Qua tìm hiểu từ quản lý các doanh nghiệp, cán bộ nhân sự cũng như từ chính sinh viên, chúng tôi nhận thấy một số kỹ năng mềm, giá trị sống cần rèn luyện để chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai. Đó là tinh thần gắn bó, trân trọng và hết mình vì nơi mình làm việc. Điều này cần trải qua quá trình công tác, tuy nhiên, chỉ một vài hành động nhỏ, nhà tuyển dụng cũng dễ dàng nhận ra tình cảm bạn dành cho công việc sắp tới”, giảng viên Nguyễn Việt Vương nhấn mạnh.