Trong tháng 7/2022, có ít nhất 2 sự kiện văn hóa – nghệ thuật thú vị và vô cùng độc đáo diễn ra tại Đà Nẵng.
“Triển lãm điêu khắc Đàm Đăng Lại” diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng là sự kiện đầu tiên, và đang thu hút công chúng xem xét những khối màu “đánh lừa thị giác” của một nghệ sĩ đang thời đỉnh cao sáng tạo.
Điêu khắc sắc màu
Gần 30 tác phẩm được sáng tác trên chất liệu gỗ, inox, đá, đồng với tạo hình đa dạng, độc đáo đã khiến người xem ngay lập tức bị thu hút. Chạm ngay vào mắt công chúng khi bước vào không gian triển lãm là tác phẩm “Phấn hoa” với hình ảnh một cây nêu nở hoa rực rỡ.
Đây là lần đầu tiên, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng có một cuộc triển lãm cá nhân về điêu khắc, mà đặc biệt là “điêu khắc đương đại”. Các yếu tố của thể loại điêu khắc truyền thống là kết cấu ngôn ngữ khối hình cơ bản, đều được Đàm Đăng Lại lướt qua. Thay vào đó, anh chọn lọc tự nhiên kết hợp với màu sắc tạo ra những tác phẩm mang đặc điểm rất riêng.
“Ngôn ngữ điêu khắc của cuộc triển lãm này là sự kết hợp giữa hình khối vô định với màu sắc đậm chất nguyên sơ, chứa đựng dấu ấn văn hóa vừa đa dạng vừa đầy bản sắc của những vùng miền mà nghệ sĩ đã sống và gắn bó”, họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ – Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho hay.
Không gian đa sắc màu với tác phẩm kích thước lớn nhất có hình dáng pháo hoa, tựa ánh mặt trời chiếu rọi nhân gian. Những tác phẩm nhỏ hơn được đặt đan xen đều có những chuyển động đặc biệt, giống như có một cơn gió lướt qua. Những bông hoa, ngọn cỏ, mầm cây, giọt nước… được điêu khắc từ các chất liệu vốn khô cứng như inox, đá, gỗ… lại khiến người xem có cảm giác rất mềm và rất thật.
Nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Lý Đợi cho hay: “Với màu sắc của vẻ ngoài có chút phảng phất không khí cây nêu Tây Nguyên, và lễ hội cá chép Nhật Bản. Đàm Đăng Lại đã dịch chuyển thị giác ra khỏi các ấn định màu quen thuộc của điêu khắc Việt Nam”.
Theo ông Đợi, không chỉ có thị giác mà việc khoác lên màu sắc sặc sỡ cũng là cách đánh lừa rằng, các tác phẩm này đơn giản. Nhưng thực ra, nó cực kỳ phức tạp và nặng nhọc. Đúc và mài inox là một khía cạnh cho thấy độ khó cao của các tác phẩm. Lại còn phối kết hợp với các vật liệu khác.
Về tạo hình và dựng không gian, Đàm Đăng Lại cũng giấu chất hàn lâm, học thuật vào vẻ ngoài thơ ngây, vui tươi đó. Chính điều này dễ làm nhiều người nghĩ rằng những tác phẩm này quá đơn giản. Trong khi, để đi đến chỗ dễ dàng và đơn giản, phải trải qua hành trình phức tạp và đầy rắc rối.
Cảm hứng Tây Nguyên
Đàm Đăng Lại giấu chất học thuật vào vẻ ngoài thơ ngây để tác phẩm trở nên đơn giản. |
“Có tác phẩm như một hạt mầm đâm chồi, mọc rễ. Có tác phẩm như cái nhụy phơi phấn hương trong nắng. Có tác phẩm như làn gió mát, hoặc như lời tạm biệt tình nhân… Dùng gỗ, inox, đá, đồng để diễn đạt những cấu tứ trữ tình và cả trừu tượng một cách mượt mà như Đàm Đăng Lại, quả là không dễ dàng chút nào” – Nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Lý Đợi.
Đàm Đăng Lại sinh năm 1973 tại Phú Thọ, nhưng có một thời gian dài sống ở Tây Nguyên. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế, anh làm việc và hoạt động nghệ thuật chủ yếu tại Nhật Bản.
Triển lãm này, Đàm Đăng Lại ra mắt công chúng các tác phẩm được sáng tác ở cả hai nơi: Nhật Bản – nơi nuôi dưỡng và có tầm ảnh hưởng lớn trong tư duy sáng tạo, và Tây Nguyên – nơi ươm mầm và là gốc rễ trong hành trình sáng tác của anh.
Năm 2017 trong dự án “Art in the Forest” tại Đại Lải (Vĩnh Phúc), cụm tác phẩm “Sức mạnh vùng đất” của anh là một tập hợp “những thân cây nhiều màu” đem lại hiệu ứng cực tốt về thị giác, và sự hòa hợp đến lạ lùng với cảnh quan.
Giữa năm 2018, anh tiếp tục trình bày tác phẩm mới tại Zierenbeg (Đức). Ngay lập tức lại trở thành tiêu điểm và được nhiều người yêu thích.
Những tác phẩm của Đàm Đăng Lại là một tổ hợp sắp đặt, được liên kết thành từng cụm. Hoặc một cụm lớn, hoặc hai ba cụm nhỏ như bố cục trong tranh chứ không đơn thuần là những tác phẩm với khối hình đơn lẻ. Điều đó làm nên một không gian điêu khắc sắp đặt giàu tính trang trí, ngôn ngữ hình khối chắt lọc tạo nên tiếng nói tự thân.
Do một thời gian dài sống ở Nhật Bản với không gian phủ màu tuyết trắng buồn man mác, đã thôi thúc anh sáng tạo những tác phẩm tràn ngập sắc màu. Những sáng tác ấy trở về chính cội nguồn thân quen thuở nhỏ, lấy cảm hứng từ màu sắc lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên: Cây nêu, hay những nơi thờ cúng luôn ngập màu ấm nóng.
Các khối hình của anh đều bắt nguồn từ một khối hoặc tròn, hoặc bầu dục với những kéo dài biến thể. Sau đó, là những tia bắn ra như những cành cây, hay giống chân con nhện. Chúng có thể kéo dài, thu ngắn, uốn vặn theo các hướng đầy linh hoạt và giàu nhịp điệu.
Chất thơ, chất trữ tình dân gian cũng là một nét rất lôi cuốn trong các tác phẩm điêu khắc của Đàm Đăng Lại. Nó như trả lại cho đời sống chút trang sức, chút sắc màu… mà sự lạnh lùng công nghiệp, kỹ nghệ đã và đang lấn lướt lâu nay.
Họa sĩ Trương Nguyễn Nguyên Kha cho hay, triển lãm độc đáo của Đàm Đăng Lại tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sẽ góp phần thổi làn gió mới vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thu hút công chúng cũng như tạo ấn tượng với những ai một lần đến Đà Nẵng.