Triển lãm ảnh “Kỳ quan núi lửa và Hang động núi lửa” tại Ðắk Nông

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

 

Cập nhật ngày: 18/11/2022 | 09:13 GMT+7

Đó là chủ đề của Triển lãm ảnh diễn ra tại Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20) diễn ra tại Đắk Nông từ ngày 21-26/11. Không gian trưng bày các tác phẩm được thiết kế ngay tại sảnh B của Trung tâm Hội nghị tỉnh.

Triển lãm ảnh “Kỳ quan núi lửa và Hang động núi lửa” sẽ trưng bày hình ảnh, sơ đồ về các hang động núi lửa nổi tiếng ở các nước có CVĐCTC. Toàn bộ tiêu đề, ảnh cũng như hiện vật tại Triển lãm được phiên dịch bằng song ngữ Việt-Anh và được chia làm 3 phần.

Phần trưng bày của tỉnh Đắk Nông (Việt Nam) sẽ giới thiệu 60 ảnh tiêu biểu thuộc núi lửa và hang động núi lửa trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, trưng bày 350 hiện vật khảo cổ được phát hiện, thu thập tại hang C6.1; phần trình chiếu video về Lịch sử hình thành địa chất Đắk Nông nhằm giới thiệu chung tổng quát về núi lửa và hang động núi lửa trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông;  phần trưng bày 20 ảnh tiêu biểu về núi lửa và hang động núi lửa thuộc một số CVĐCTC trên thế giới.

Đặc biệt, một số hiện vật khảo cổ trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông lần đầu tiên được trưng bày tại Triển lãm như mũi tên đồng, rìu bầu dục, hòn kê, hòn ghè, mẫu thổ hoàng và các mảnh vỡ bằng gốm, vỏ nhuyễn thể… tìm thấy tại hang C6.1. Đây là những vật dụng của cư dân tiền sử sáng tạo ra để phục vụ nhu cầu săn bắn, hái lượm có niên đại cách đây từ 5.500-4.000 năm – thuộc giai đoạn Trung kỳ đá mới.

Núi lửa Nâm Kar (ảnh: Ban Quản lý CVĐC)

Cùng với đó, một số mẫu vật liên quan đến quá trình kiến tạo vùng đất Đắk Nông cũng được trưng bày tại đây như mẫu đá trầm tích, hóa thạch cúc đá và các loại hóa thạch… Trong đó, hóa thạch cúc đá được tìm thấy trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông là mẫu vật khá đặc biệt, bởi đây là tên một nhóm các loài sinh vật biển thân mềm đã bị tuyệt chủng. Cúc đá được cho là một trong những loài thân mềm tiến hóa cao nhất. Cúc đá gần gũi với các loài bạch tuộc hay mực hơn là các loài có vỏ như ốc anh vũ. Sự phát triển mạnh mẽ, biến đổi và diệt vong nhanh chóng về thành phần loài theo thời gian địa chất đã làm cho các hóa thạch cúc đá trở thành hóa thạch chỉ thị địa tầng rất tốt…

Theo bà Trần Thị Kiều Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, Triển lãm là một cuộc du ngoạn về quá trình hình thành, kiến tạo và sự độc đáo của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông nói riêng và sự kỳ vĩ của các hang động núi lửa trên thế giới. Đến tham quan triển lãm, người xem không chỉ thấy cái đẹp, sự kỳ vĩ, kiến tạo tuyệt vời của thiên nhiên mà còn hiểu hơn về giá trị của các di sản này. Từ đó, có sự chung tay cùng chính quyền địa phương giữ gìn, bảo vệ.

Điều đáng mừng, Triển lãm ảnh đã nhận được sự đóng góp tư liệu, tài liệu, hiện vật của nhiều cá nhân đơn vị trong nước và quốc tế. Đến nay, các phần việc thiết kế, thi công trưng bày tại Triển lãm đã cơ bản hoàn thành.

Mỹ Hằng