Tỷ lệ kiên cố hóa phòng học vùng Tây Nguyên thấp nhất cả nước

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

01/04/2023 06:45

  Nguyên Phương

 

0:00/0:00
0:00
GDVN-Tây Nguyên vẫn còn hiện tượng thiếu phòng học cục bộ tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng dân tộc thiểu số và miền núi,…

Theo Báo cáo tình hình phát triển giáo dục, đào tạo vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2021 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ kiên cố hóa phòng học các tỉnh vùng Tây Nguyên tăng dần qua các năm, tuy nhiên vẫn thấp nhất so các vùng khác trong cả nước.

Năm học 2020 – 2021, toàn vùng có 43.684 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập; trong đó, số phòng học kiên cố 29.235 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 66,9% (tăng 5,1% so với năm học 2010 – 2011). Tỷ lệ này thấp hơn 18,5% so với bình quân chung của cả nước. Cụ thể:

Giáo dục mầm non: tỷ lệ trung bình phòng học/lớp là 0,99; sỹ số trẻ em trung bình/lớp là 27,9 trẻ; tỷ lệ kiên cố hóa 45,7% (thấp hơn bình quân cả nước 33,8%). Trong đó, Kon Tum là địa phương tỷ lệ kiên cố hóa thấp nhất cả nước (17,1%).

Tỷ lệ kiên cố hóa phòng học vùng Tây Nguyên thấp nhất cả nước ảnh 1
Tỷ lệ kiên cố hóa phòng học các tỉnh vùng Tây Nguyên tăng dần qua các năm nhưng vẫn thấp hơn bình quân cả nước. Ảnh: Nguyên Phương.

Giáo dục tiểu học: tỷ lệ trung bình phòng học/lớp là 0,98; sỹ số học sinh trung bình/lớp là 29,81 học sinh; tỷ lệ kiên cố hóa 59,6% (thấp hơn bình quân cả nước 22,4%). Trong đó, Kon Tum (48,2%), Đắk Lắk (46,5%) là 2 địa phương có tỷ lệ kiên cố hóa thấp nhất cả nước.

Giáo dục trung học cơ sở: tỷ lệ trung bình phòng học/lớp là 0,89; sỹ số học sinh trung bình/lớp là 36,71 học sinh; tỷ lệ kiên cố hóa 85,8% (thấp hơn bình quân cả nước 7,9%). Trong đó, Đắk Nông (81%), Đắk Lắk (79,6%) là 2 địa phương có tỷ lệ kiên cố hóa thấp nhất cả nước.

Giáo dục trung học phổ thông: tỷ lệ trung bình phòng học/lớp là 0,97; sỹ số học sinh trung bình/lớp là 39,27học sinh; tỷ lệ kiên cố hóa 98,4% (cao hơn bình quân cả nước 2%). Trong đó, Gia Lai có tỷ lệ kiên cố hóa đạt 100%.

Bên cạnh đó, vẫn có hiện tượng thiếu phòng học cục bộ tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Ở khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn vẫn còn 504 phòng học nhờ, mượn (chiếm 1,72%), tập trung chủ yếu tại cấp học mầm non và tiểu học.

Về phòng học bộ môn, cơ bản các trường đều đã có phòng học bộ môn, với 3.051 phòng học bộ môn, đạt tỷ lệ 2,4 phòng/trường. Đặc biệt, để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các địa phương đã ưu tiên đầu tư bổ sung thêm phòng học bộ môn Tin học và Ngoại ngữ cho cấp tiểu học.

Đối với cấp tiểu học, có 1.448 phòng học bộ môn, đạt tỷ lệ 1,4 phòng/ trường. Tỷ lệ này rất thấp, vì theo qui định tại Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi trường tiểu học có 06 phòng học bộ môn (Âm nhạc, Mỹ thuật, Khoa học – Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ, Đa chức năng). Cụ thể: có 919 phòng học bộ môn Tin học, đạt 89,3% số trường có phòng học bộ môn Tin học và có 529 phòng học Ngoại ngữ, đạt tỷ lệ 51,4% số trường có phòng học Ngoại ngữ.


Để phát triển giáo dục, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên mong muốn điều gì?

Đối với cấp trung học cơ sở, có 1.090 phòng học bộ môn Tin học, Ngoại ngữ, đạt tỷ lệ 1,3 phòng/trường. Như vậy, theo qui định tại Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT, số phòng học bộ môn toàn vùng còn thiếu là 3.812 phòng.

Đối với cấp trung học phổ thông, có 513 phòng học bộ môn Tin học, Ngoại ngữ, đạt tỷ lệ 2,4 phòng/trường. Như vậy, theo qui định tại Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT, số phòng học bộ môn toàn vùng còn thiếu là 1.363 phòng.

Về thư viện, cơ bản các trường phổ thông đều có thư viện. Tuy nhiên, quy mô, chất lượng không đồng đều, nhiều thư viện mới chỉ là nơi lưu trữ các học liệu mà chưa có phòng đọc cho học sinh

Theo số liệu thống kê, khu vực Tây Nguyên có tổng số thư viện ở các cấp học là 1.888 thư viện (đạt tỷ lệ 92% số trường có thư viện, thấp nhất trong cả nước).

Cấp tiểu học có 1.132 thư viện, đạt tỷ lệ 100% số trường có thư viện (cao hơn 7,1% so với bình quân cả nước).

Cấp trung học cơ sở có 570 thư viện, đạt tỷ lệ 69,8% số trường có thư viện (thấp hơn bình quân cả nước 19,1% và thấp nhất trong sáu vùng kinh tế – xã hội của cả nước).

Cấp trung học phổ thông có 186 thư viện, đạt tỷ lệ 86,5% số trường có thư viện (thấp hơn bình quân cả nước 6,3% và thấp nhất trong sáu vùng kinh tế – xã hội của cả nước).

Do vậy, để bảo đảm mỗi trường có 1 thư viện, toàn vùng cần bổ sung thêm 172 thư viện cho các trường phổ thông.

Về thiết bị dạy học, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa. Năm học 2020-2021, tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu vùng Tây Nguyên đạt 61% (cao nhất trong sáu vùng kinh tế – xã hội của cả nước, và cao hơn 6,6% so với bình quân cả nước).

Cấp mầm non đáp ứng 49,6%; cao hơn 1,7% so với bình quân cả nước; đứng thứ ba sau Đồng bằng sông Hồng (54,9%) và vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Cấp tiểu học đáp ứng 56%; thấp hơn 0,1% so với bình quân cả nước.

Cấp trung học cơ sở đáp ứng 69%; cao hơn 14,7% so với bình quân cả nước và cao nhất trong sáu vùng kinh tế – xã hội của cả nước.

Cấp trung học phổ thông đáp ứng 69,1%; cao hơn bình quân cả nước 10,2%; đứng thứ hai sau vùng Đông Nam Bộ (83,5%).

Từ năm học 2022 – 2023, Tin học và Ngoại ngữ là 2 môn bắt buộc từ lớp 3 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, đối với phòng học bộ môn Tin học, số lượng máy tính mới chỉ ở mức cơ bản, đa phần là cấu hình thấp, đã được trang bị từ lâu, không đồng bộ, hạn chế trong việc cài đặt các phần mềm mới để đáp ứng nhu cầu dạy học. Đối với phòng học bộ môn Ngoại ngữ, số lượng thiết bị chuyên dùng còn hạn chế, chủ yếu là những thiết bị cầm tay, đơn chiếc phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên.

Số lượng bàn ghế 2 chỗ ngồi đạt khoảng 63% (cấp tiểu học là 65%, cấp trung học cơ sở là 65%, cấp trung học phổ thông là 60%). Tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn sử dụng bàn ghế loại 4 chỗ ngồi kiểu cũ không phù hợp với mô hình học tập.

Về nhà vệ sinh, các công trình nước sạch và các công trình phụ trợ phục vụ học sinh bán trú, nội trú, tỷ lệ nhà vệ sinh đạt chuẩn là 40,72% (thấp hơn bình quân cả nước 28,68% và thấp nhất trong các vùng còn lại).

Do điều kiện cơ sở vật chất tại một số cơ sở giáo dục còn nhiều khó khăn, thiếu các phòng học, phòng học bộ môn, khối phòng hành chính, dẫn đến chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho các công trình nước sạch, nhà vệ sinh trong trường học. Nhiều điểm trường lẻ không có nhà vệ sinh và công trình nước sạch.


Hiệu trưởng phải tiên phong giải quyết các tồn tại của nhà vệ sinh trường học

Bên cạnh đó, nhận thức của hầu hết các cơ sở giáo dục vẫn coi nhà vệ sinh trong trường học là “công trình phụ”, giống như nhà vệ sinh dân dụng dẫn đến công tác tham mưu, tổ chức, quản lý sử dụng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhà ăn, bếp nấu, khu sân chơi, bãi tập và các công trình phụ trợ khác đáp ứng nhu cầu tối thiểu các hoạt động dạy – học, nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh bán trú. Tuy nhiên, một số trường vẫn còn thiếu quỹ đất để xây dựng, bổ sung các hạng mục công trình phục vụ các hoạt động giáo dục ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng dạy học nói chung và công tác tổ chức hoạt động bán trú nói riêng. Một số trường bán trú chưa có nhà ăn, bếp nấu đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm; một số trang thiết bị, đồ dùng phục vụ học sinh bán trú hư hỏng và không đồng bộ.

Về nhà công vụ cho giáo viên, trong giai đoạn trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008 – 2012.

Kết quả thực hiện đến hết năm 2013, trên cả nước đã xây dựng được 12.857 phòng công vụ giáo viên (tương đương 308.568 m2) và đưa vào sử dụng (hoàn thành 43,3% mục tiêu đề ra), với kinh phí thực hiện khoảng 1.950 tỷ đồng. Trong đó, toàn vùng đã xây dựng 2.607 phòng công vụ giáo viên (hoàn thành 50,5% so với mục tiêu đề ra).

Tuy nhiên, từ 2014 đến nay, do nguồn vốn trung ương hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục hạn chế nên mới chỉ tập trung ưu tiên cho nhu cầu cấp bách là kiên cố hóa trường, lớp học mà chưa tập trung thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Bên cạnh đó, sau gần 10 năm đưa vào sử dụng, hệ thống nhà công vụ giáo viên đã xuống cấp, nhiều nhà đã được chuyển đổi mục đích sử dụng thành khu nhà hành chính,…

Nguyên Phương