Làng Chuông – nơi sản sinh nón lá đẹp nức tiếng Bắc Bộ (Gd&Tđ)

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Làng Chuông – làng nghề làm nón hơn 300 năm tuổi

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km, làng Chuông thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai là mảnh đất sinh ra nhiều tú tài thời vua chúa ở Việt Nam. Nơi đây còn là hiện thân của những chiếc nón lá có tuổi đời hàng trăm năm đến nay vẫn còn lưu giữ và truyền nghề qua từng thế hệ.


Cổng vào làng nón truyền thống Chuông.

Nón làng Chuông ban đầu có rất nhiều loại dùng cho nhiều tầng lớp như nón dấu, nón chóp cho nam giới, nón ba tầm cho phụ nữ. Nhưng từ năm 1940, làng chỉ làm duy nhất là nón lá.

Có thể nói để làm được một sản phẩm nón làng Chuông hoàn chỉnh thì cần rất nhiều công đoạn thủ công tỉ mỉ.


Lá lụi là một trong những nguyên liệu quan trọng trong công đoạn làm nón.

“Lá lụi thường sẽ phơi trong 2-3 mẻ nắng già, khi lá đã có độ săn nhất định mới thu lại rồi sử dụng, lá đủ nắng sẽ trắng…làm nón sẽ đẹp hơn.” Cô Mai người dân làng Chuông chia sẻ.


Lá sau khi đã phơi khô sẽ được tước nhỏ hay còn gọi là rẽ lá.


Người dân dùng dụng cụ là một chiếc lưỡi cày được nung nóng để miết lá. Miết làm sao cho tấm lá thật phẳng, nhẵn mà không bị giòn, bị rách. Giai đoạn này quyết định rất nhiều đến chất lượng nón.


Vức vòng hay còn gọi là làm khung nón được làm bằng cật nứa vót nhỏ đều, khi nối bắt buộc phải tròn và không có vết.


Khác với các loại nón ở nơi khác, nón Làng Chuông chỉ có 16 vòng giúp cho nón có độ bền chắc nhưng vẫn giữ được sự mềm mại.


Vòng nón sau khi hoàn thành sẽ được xếp theo 3 lớp bao gồm 2 lớp lá lụi và một lớp mo nứa ở giữa.


Lớp mo ở giữa được cố định.

Có lẽ đã từ rất lâu, ai trong chúng ta cũng đều biết hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài và đội chiếc nón lá. Hình ảnh chiếc nón lá thân thương và mộc mạc đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi chúng ta.

Ngày nay, tuy thế hệ trẻ không còn nhiều người làm nghề để kiếm sống, nhưng theo các cụ cao niên trong làng thì ai cũng biết làm nón. Với người làng Chuông, điều tự hào hơn cả là hình ảnh chiếc nón lá giờ đây được xem như một nét đẹp văn hóa của người phụ nữ Việt Nam. Hằng tháng, làng Chuông lại họp chợ nón 6 lần, vào các ngày mùng 4, 10, 14, 20, 24, 30 âm lịch. Các phiên chợ nón được mở đã mang lại không khí đậm đà bản sắc văn hóa làng quê Việt.


Lớp lá cuối cùng, được những người thợ tra tỉ mỉ, vì đây cũng chính là công đoạn quan trọng thể hiện hình dáng của chiếc nón.


Sau khi tra nón hoàn tất, sẽ đến công đoạn khâu nón, ở làng Chuông mọi người thường ngồi quây quần bên nhau cùng làm.


Công đoạn cạp nón hay còn gọi là nức nón là công đoạn hoàn tất việc khâu, nức nón đòi hỏi thật khéo léo, nếu không thì sẽ nhấc cả vành nón ra.


Cuối cùng người thợ sẽ dùng những sợi chỉ nhiều màu sắc như: đỏ, xanh, trắng…tiến hành lồng nhôi đối xứng, vừa là trang trí, vừa để buộc quai nón đội.


Không thanh mảnh như chiếc nón trắng bài thơ xứ Huế, nón làng Chuông dày dặn, cứng cáp mà vẫn thanh lịch, duyên dáng, đậm chất nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Nón Chuông đội mưa, đội nắng, thủy chung với người nông dân “một nắng hai sương” nơi ruộng đồng…


Sản phẩm của Làng Chuông bây giờ đã đa dạng hơn để phục vụ nhiều đối tượng khách. Một số loại nón phổ biến hiện giờ ở làng gồm: nón con, nón nhỡ, nón Hồng Kông (có chóp nhọn và ngắn, vành nón rộng, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc).


Để chiếc nón bền đẹp hơn, khi mua người ta sẽ phết phía ngoài nón một lớp dầu thông mỏng còn được gọi là quang dầu.


Nón lá được các bà, các mẹ sử dụng trong đời sống hàng ngày.