Học sinh đánh nhau và ứng xử của “thế giới người lớn”
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
Những ngày qua, liên quan đến việc xử lý một nhóm học sinh ở trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh American Academy – đánh nhau đã gây nên những tranh cãi trái chiều trong dư luận.
Chưa bàn đến việc học sinh nào đúng sai trong sự việc cụ thể này, tôi cho rằng, khi trẻ đánh nhau, vấn đề quan trọng trước hết không chỉ ở nơi trẻ mà phần nhiều là ở cách hành xử, ứng xử của “thế giới người lớn”.
Trách nhiệm của người lớn và thái độ hành xử, ứng xử của các bên liên quan
Trước hết, tôi cho rằng, khi trẻ đánh nhau dù là lý do gì, trong hay ngoài trường thì trách nhiệm trước hết cũng thuộc về thế giới người lớn (các vị phụ huynh có con em tham gia đánh nhau và thầy, cô giáo trong trường).
Vì dù sao các em vẫn là đứa trẻ vị thành niên đang trong giai đoạn trưởng thành, rất cần sự dìu dắt, uốn nắn, bảo ban của những người lớn.
Thế nên, khi trẻ đánh nhau thì điều quan trọng nhất, theo tôi, những người lớn cần phải hết sức bình tĩnh, cùng nhau ngồi xuống tìm hiểu ngọn ngành sự việc và giải quyết trên tinh thần hàn gắn, hóa giải những mâu thuẫn bất đồng giữa các em học sinh; tất cả phải vì tương lai của những đứa trẻ…
Với các vị phụ huynh, dẫu biết rằng, lẽ tự nhiên ai cũng yêu thương con em mình, ai cũng xót xa khi thấy con mình bị đánh.
Tuy vậy, xin đừng vì thương con mà bất chấp phải trái, bênh vực con, em mình một cách ích kỷ và mù quáng…
Nếu con, em của phụ huynh nào sai, có lỗi trước tiên – nguyên nhân chính gây ra sự việc thì cùng nhau xin lỗi và nhận lỗi với bên còn lại.
Trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh American Academy. (Ảnh có tính minh họa: P.L) |
Nếu con em của phụ huynh tuy không phải là nguyên nhân trước tiên gây ra việc ẩu đả nhưng đã gây thương tổn cho bạn mình thì phụ huynh cũng nên chân thành nhận lỗi và thể hiện thiện chí hoà giải bằng việc thăm hỏi, hỗ trợ chi phí điều trị…
Ngoài ra, có thể thấy, hiện nay mạng xã hội là môi trường mà những người tham gia rất dễ bị dẫn dắt và kích động bởi tâm lý đám đông.
Vì thế, rất cần một sự kiểm soát cảm xúc, một sự chân thành trong đối thoại giữa các bên liên quan khi xảy ra sự cố.
Thiển nghĩ, các vị phụ huynh không nên lấy tài khoản cá nhân trên mạng xã hội để phát ngôn, xem đó là cách duy nhất để giải quyết vấn đề.
Đặc biệt là, qua đó có những phát ngôn thiếu thiện chí, dành hết phần phải về mình, đổ hết lỗi lầm cho các bên còn lại.
Như thế việc đối thoại và hàn gắn giữa các vị phụ huynh, các em học sinh và nhà trường thêm khó khăn hơn; những đứa trẻ sẽ bị tác động và ảnh hưởng tinh thần nặng nề hơn…
Những đứa trẻ khi đánh nhau dù em nào đúng hay sai thì sự việc ấy cũng đã xảy ra rồi. Thế nên, tất cả các em rất cần một thái độ ứng xử, hành xử khoan hòa, bao dung từ phía những người lớn để có cơ hội sửa sai và hoàn thiện bản thân sau những cú vấp ngã đầu đời.
Về phía nhà trường (hay rộng hơn là chính quyền cơ sở các cấp), nhất định phải công tâm và khách quan trong xử lý.
Tuyệt đối tránh cách hành xử hoặc là cố tình bao che, làm giảm nhẹ vấn đề vì sợ ảnh hưởng đến thành tích thi đua hay hình ảnh, thương hiệu riêng của ngôi trường; hoặc tệ hơn là vị nể, thiên vị các em học sinh cùng những phụ huynh có địa vị xã hội và điều kiện vật chất tốt hơn.
Nếu nhà trường không xử lý tốt vấn đề này thì rất khó làm cầu nối hàn gắn các vị phụ huynh, học sinh.
Quan trọng hơn, nếu nhà trường tỏ thái độ thiên vị bên nào cũng sẽ tác động và ảnh hưởng rất lớn đến sự nhìn nhận và phát triển nhân cách của các em học sinh sau này về tình yêu thương và lẽ công bằng trong cuộc sống…
Cần những nghiên cứu chuyên sâu về tâm sinh lý lứa tuổi học sinh
Có ý kiến cho rằng, việc các em học sinh đánh nhau âu cũng là vấn đề mang tính bản năng của giai đoạn “nổi loạn” vốn đang “dư thừa năng lượng” và “tập làm người lớn” của bọn trẻ. Hay những chuyện đánh nhau này thời nào cũng vậy và xã hội nào cũng có,… Quan điểm này không phải không có cơ sở.
Trường Quốc tế TPHCM thừa nhận xử lý vụ HS đánh nhau chưa khéo với phụ huynh |
Tuy vậy, ở phương diện giáo dục về tâm, sinh lý lứa tuổi học sinh, có lẽ chúng ta cần có cái nhìn mang tính khoa học và toàn diện hơn.
Có thể nói, xã hội Việt Nam hôm nay rất khác với xã hội ba, bốn mươi năm về trước. Đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và mạng xã hội. Đây là yếu tố tác động và ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển tâm sinh lý của thế hệ trẻ ở Việt Nam những năm gần đây.
Hay nói khác đi, mỗi thời đại đều có những vấn đề riêng, khác nhau nên không thể mang cái nhìn của thời đại trước áp vào cho thời đại hôm nay.
Vì thế, có lẽ cũng không nên so sánh việc đánh nhau của học sinh 2 thế hệ chỉ đơn thuần là sự “giải phóng năng lượng” của những cô cậu “tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu”, hay “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”…
Từ đây, tôi cho rằng, về phía ngành giáo dục, về lâu dài, cần có những nghiên cứu nghiêm túc những sự biến chuyển về tâm lý lứa tuổi của thế hệ trẻ Việt Nam một cách bài bản và căn cơ hơn.
Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp kịp thời và phù hợp liên quan đến việc giáo dục tâm, sinh, lý các em… Đặc biệt là cụ thể hóa qua từng nội dung, chương trình và phương pháp dạy học trong nhà trường một sinh động và thiết thực nhất.
Ngoài ra, đã đến lúc ngành giáo dục cần đào tạo và bổ sung biên chế các giáo viên liên quan đến chuyên ngành tâm lý học đường ở mỗi cơ sở giáo dục phổ thông để làm công tác tư vấn tâm lý, góp phần ngăn ngừa từ xa các dấu hiệu nổi loạn có thể dẫn đến bạo lực nơi các em học sinh trong độ tuổi “nổi loạn” và tập làm người lớn…
Thay lời kết
Cuối cùng, xin nhắc lại, việc học sinh ở trường phổ thông đánh nhau là vấn đề mang tính xã hội. Bởi đây là hiện tượng đang có nhiều hướng gia tăng trong thời gian qua, gây đau đầu cho ngành giáo dục và toàn xã hội.
Để giải quyết căn cơ vấn nạn này thì vai trò và trách nhiệm nêu gương của thế giới người lớn (cả gia đình và nhà trường) là quan trọng nhất. Tương lai đất nước nắm trong tay thế hệ trẻ. Nên nếu những người lớn chủ quan trong suy nghĩ và ấu trĩ trong hành xử sẽ vô tình tự tay hủy hoại tương lai ấy của đất nước.
Vì nói cho cùng, những hành xử, ứng xử của thế hệ trẻ hôm nay ít nhiều phản chiếu cách hành xử, ứng xử của thế giới người lớn trong các mối quan hệ xã hội nói chung.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.