Cái chính là sự minh bạch
Những năm gần đây, nhất là vào mỗi dịp đầu năm học lại “nóng” câu chuyện thu chi. Căn nguyên của vấn đề này vẫn nằm ở sự phối hợp và giám sát giữa gia đình học sinh với nhà trường. Trong bối cảnh đó, việc áp dụng Thông tư 55 ban hành về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh lại trở nên cần thiết.
Theo thầy Nguyễn Cao Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội), đơn vị này đang thực hiện rất tốt việc này. Có lẽ ở đâu đó vẫn còn câu chuyện phản đối việc có Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) hoặc coi ban này như là cánh tay nối dài của ban giám hiệu. Điều cần nhất ở đây là việc nắm rõ thông tư và mọi vận hành hướng đến học sinh được thụ hưởng những giá trị tốt đẹp.
Vị hiệu trưởng cho biết, không thể phủ nhận rằng, muốn có nhiều đổi mới trong các hoạt động giáo dục ngoài ý tưởng thì cần phải có kinh phí. Bởi vậy việc phối hợp giữa CMHS và nhà trường trong việc lập kế hoạch các hoạt động, dự trù kinh phí, tạo minh bạch về tài chính sẽ làm cho những băn khoăn về việc này giảm bớt, hướng tới sự đồng thuận cao.
Tuy vậy có những điều nhà trường đang vận hành rất đúng nhưng lại không đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của phụ huynh. Nhà trường quy định rất rõ về việc sử dụng quỹ cha mẹ học sinh chỉ phục vụ cho hoạt động của học sinh. Ví dụ, nhà trường nhận được đề nghị của Ban đại diện CMHS xin được tặng mỗi thầy cô một bó hoa tri ân nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Mặc dù rất nhân văn nhưng nhà trường xin nhận tấm lòng, từ chối nhận hoa và cũng khiến nhiều thầy cô tâm tư.
“Tôi nghĩ, điều quan trọng là minh bạch về cách làm để phụ huynh cũng có cơ hội được thể hiện tình cảm chân thành tới các thầy cô giáo, chẳng hạn là một bó hoa tươi thắm. Chính bởi quy định nên ở một số nơi, họ vẫn tìm cách để thực hiện điều mà ai cũng cho là bình thường đó. Chính bởi vậy, ta nên quy định rõ về tính chịu trách nhiệm, minh bạch, đồng thuận hơn là những điều không phù hợp với thực tế” – thầy Hiệu trưởng Nguyễn Cao Cường nhấn mạnh.
Vai trò hoạt động của ban phụ huynh
Để chăm sóc, giáo dục trẻ được tốt thì rất cần sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình. |
Là ngôi trường công lập chuẩn bị bước sang năm học thứ 4, cô Nguyễn Thị Thu An – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) nhìn nhận, công tác phối hợp giữa nhà trường với Ban đại diện CMHS trong việc tổ chức các hoạt động cho trẻ là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Cô Thu An phân tích, với đặc thù học sinh mới chỉ từ 2 – 5 tuổi chưa thể tự chăm sóc của bản thân mình so với các cấp học lớn hơn nên các cô phải rất nhuần nhuyễn trong kỹ năng chuyên môn cũng như trao đổi hai chiều với phụ huynh về quá trình phát triển của trẻ. Đặc biệt, trong thời gian nghỉ học ở nhà phòng chống dịch Covid-19, mối liên hệ giữa nhà trường với gia đình lại càng trở nên cần thiết hơn để chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà.
“Theo tôi, dự thảo Thông tư 55 quy định về Điều lệ Ban đại diện CMHS cần được xem xét một cách thấu đáo, thận trọng. Nếu điều khoản nào không còn phù hợp với thực tế thì mới cần sửa đổi. Điều cốt yếu vẫn là phải có sự thống nhất và thấu hiểu giữa phụ huynh với nhà trường. Bất cứ một hoạt động nào của trường cho trẻ nếu có sự đồng hành, giúp đỡ của cha mẹ trẻ thì đều sẽ thành công”, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu An khẳng định.
Năm nay có hai con vào học lớp 10 và lớp 6, chị Hồ Thúy Hường (SN 1982) trú quận Long Biên, Hà Nội bày tỏ sự cần thiết phải sửa đổi Thông tư 55. Người mẹ này lập luận, điều khiến dư luận hoài nghi nhiều nhất về vai trò của Ban đại diện CMHS chính là chỉ tập trung vào việc huy động sự đóng góp từ phụ huynh cho nhà trường mà chưa chú trọng đến các hoạt động khác.
“Tôi đồng ý với quan điểm, muốn giáo dục con tốt thì cả nhà trường và gia đình cần phải phối hợp tốt. Nhiều trường còn thiếu thốn về cơ sở vật chất như điều hòa, máy chiếu mà có sự đồng thuận tuyệt đối từ phụ huynh thì vẫn có thể huy động đóng góp tùy khả năng để trang bị cho các con. Tuy nhiên, việc đóng góp phải trên tinh thần tự nguyện, ai có nhiều góp nhiều, có ít góp ít và không có cũng không sao. Đó mới thực sự là linh hoạt trong thực hiện Thông tư 55”, chị Hường nói.